Lễ
chém trâu tế thần được tổ chức vào tháng 4 Chăm lịch để dâng
cúng cho Pô Rum Păn và các vị thần linh. Khác với người Chăm ở
các địa phương khác phải đúng chu kỳ 7 năm một lần họ mới tổ
chức lễ chém trâu để dâng cúng thần linh. Như lễ tế 1 con trâu
trắng tại núi Đá Trắng của người Chăm Ninh Phước, tỉnh Ninh
Thuận. Người Chăm ở Lạc Tánh năm nào cũng tế một con trâu cho
thần linh tại đền Pô Rum Păn. Người Chăm Lạc Tánh quan niệm rằng
cuộc sống và mùa màng của dân làng hoàn toàn phụ thuộc vào ngài,
do đó phải dâng tế trâu cho ngài để ngài vui và phù hộ, ngược
lại ngài sẽ giận dữ và quở trách. Theo họ, sau một năm làm ăn dù
mùa màng có bội thu hay thất vụ thì dân làng cũng phải hiến tế
cho ngài một con trâu để tạ lễ.
Lễ chém trâu (Săm lé) diễn ra vào tháng tư
Chăm lịch trong thời gian một đêm một ngày. Ngay từ chiều hôm
trước dân làng tiến hành đưa con trâu tế thần đến buộc tại đền
thờ. Theo tập tục thì con trâu tế thần phải là trâu đực lành lặn
không bị thương tật, tốt nhất là trâu trong khoảng từ 3-5 tuổi.
Chiều tối hôm đó, các chức sắc trong làng họp
mặt đông đủ tại đền thờ Pô Rum Păn để làm nghi thức khấn báo các
vị thần xin phép làm lễ chém trâu vào sáng hôm sau.
Sáng hôm sau khung cảnh đền thờ đông vui nhộn
nhịp, dân làng tập trung đông đúc về đền để chứng kiến lễ chém
trâu tế thần. Theo tập tục sáng sớm hôm đó các chức sắc có vai
vế đến gia đình người giữ thanh kiếm báu làm nghi thức xin thỉnh
rước thanh kiếm về đền để thực hiện nghi lễ chém trâu. Khi kết
thúc nghi lễ chém trâu, các vị chức sắc đưa kiếm trở lại nhà
người giữ kiếm và phải thực hiện nghi lễ như lúc xin thỉnh rước
kiếm đi.
Trước khi thực hiện nghi lễ chém trâu, thầy
Bóng chính (Ka-Ing) và hai thầy Bóng phụ làm nghi thức khấn báo,
mời gọi Pô Rum Păn và 11 vị thần khác gồm: Pô Sah Inư, Pô Klong
Ga Rai, Pô Nít, Pô Ôn… và các chức sắc đã khuất về hưởng lễ và
cho phép dân làng được chém trâu tế thần. Lễ vật trong nghi thức
này gồm có nước, rượu, trà, trầu cau, trứng và 3 thúng gạo. Số
gạo lễ trên sau đó sẽ được nấu thành cơm cùng với các món thịt
trâu đã nấu chín để cúng tế thần một lần nữa. Những lễ vật này
mang đặc trưng lễ nghi nông nghiệp truyền thống của một cư dân
có nền văn minh lúa nước.
Thực hiện xong nghi thức khấn báo, mời gọi 12
vị thần, thầy Bóng chính và 2 thầy Bóng phụ cùng choàng khăn đỏ
vào cổ, riêng thầy Bóng chính choàng thêm lên đầu một chiếc khăn
đỏ. Thầy Bóng chính lấy thanh kiếm báu tuốt vỏ ra, dùng khăn
vuốt dọc lưỡi kiếm, hai tay vác kiếm mũi hướng lên trời, cả ba
thầy Bóng theo trình tự: đi đầu là thầy Bóng chính, theo sau là
hai thầy Bóng phụ và hai thầy trò ông Săm lé (người chém trâu)
từ từ đi qua cửa chính và cổng chính của đền, tiến về con trâu
đã buộc sẵn bốn chân và miệng ngay phía trước cổng đền. Con trâu
được đặt nằm nghiêng, mặt và bụng quay về cửa đền, lưng quay về
phía mặt trời mọc, cổ trâu đặt trên một lỗ đào sẵn sâu 40cm,
đường kính 45cm.
Trước khi thực hiện nghi thức chém trâu,
thầy Bóng chính vác kiếm đi đầu, phía sau là hai thầy Bóng phụ
và hai thầy trò ông Săm lé cùng đi ba vòng theo chiều kim đồng
hồ quanh con trâu, cứ mỗi vòng thầy Bóng chính dùng đầu ngón bàn
chân phải làm phép vẽ bùa xuống đất (2 lần dưới 4 chân trâu và 1
lần chỗ đuôi trâu) để mời gọi 3 vị thần về giữ trâu (1 vị giữ 2
chân trước, 1 vị giữ 2 chân sau và 1 vị giữ đuôi trâu). Kế đó
ông lấy đất vẽ bùa làm phép trên cổ trâu, lấy nước rửa sạch cổ
trâu 3 lần và kê miệng sát vào tai trâu cầu khấn: "Mày sẽ lên
thiêng đàng, mày không có tội lỗi gì, mày là vật dân làng hiến
tế cho thần linh, hãy mang những ước nguyện của dân làng đến với
thần linh…".
Khấn xong ông lấy thanh kiếm có kẹp một chùm
lá làm động tác chém tượng trưng lên cổ trâu, sau đó thanh kiếm
được trao lại cho ông Săm lé. Ông Săm lé kề miệng sát vào tai
trâu đọc câu thần chú: Cầu cho linh hồn mày được về cõi trên,
nơi đó có nhiều cỏ để ăn và nước để uống cho mày béo mập, thịt
trâu xin dâng lên cho Pô Rum Păn và các vị thần hưởng, xương
trâu giao cho thần đất, cát; lông trâu giao cho thần lửa; máu
trâu tế cho thần đất. Sau đó ông lấy nước rửa cổ trâu 3 lần,
dùng ngón tay điểm chỉ lên lưỡi kiếm rồi chém vào cổ trâu. Trong
quá trình chém trâu, ông Săm lé luôn ấn chặt lưỡi kiếm vào cổ
trâu, bên trên lưỡi kiếm có kẹp một chùm lá để che giấu lưỡi
kiếm không cho thần thánh biết đang sát sinh. Trong lúc ông Săm
lé chém trâu, thầy Bóng chính và hai thầy Bóng phụ phải rời xa
con trâu và cùng nhìn về hướng Đông chứ không được nhìn vào con
trâu đang bị chém.
Trước khi đưa thanh kiếm báu trở vào đền, ông
Săm lé dùng kiếm chặt chùm lá thấm đỏ máu trâu bỏ xuống lỗ và
cầu khấn cho linh hồn trâu được giải thoát về cõi trên. Kế đó
thầy Bóng chính lấy kiếm mổ tượng trưng lên bụng trâu rồi cùng
trở vào đền. Khi đến sân đền, thầy Bóng chính dùng kiếm chặt một
đống cành lá để sẵn làm nơi lót thịt trâu theo tập tục, vào đến
cửa đền thầy Bóng chính dùng mũi kiếm hất chùm lá chuối đậy sẵn
trên một chai rượu để mời các vị thần dùng rượu lai rai với con
gà nướng trước khi dân làng nấu chín các món thịt trâu dâng lên
các vị thần. Thịt trâu dâng tế thần gồm các món: luộc, kho, xào,
canh… riêng 4 chân, đuôi và 2 cái tai trâu phải để sống nguyên
lông và lưỡi, đôi mắt, óc trâu luộc chín để riêng dâng tế cho
thần.
Nghi lễ dâng tế thịt trâu cho thần cũng do
thầy Bóng chính và hai thầy Bóng phụ thực hiện, động tác và lời
khấn giống như nghi thức cầu khấn xin phép thần làm lễ chém trâu
vào sáng hôm đó.
Theo binhthuantoday.com