Home Tìm Ca Dao Trang Chủ Toàn Bộ Danh Mục e-Cadao English

Thư Mục

 
Lời Phi Lộ
Lời Giới Thiệu
Cách Sử Dụng
Dẫn Giải
Diêu Dụng
Cảm Nghĩ
 
Ẩm Thực
Chợ Quê
Cội Nguồn
Cổ Tích
Lễ Hội
Lịch Sử
Ngôn Ngữ
Nhân Vật Nữ
Nhạc Cụ Việt Nam
Phong Tục Tập Quán
Quê Ta
Tiền Tệ Việt Nam
Tiểu Luận
Văn Minh Cổ
Vui Ca Dao
 
Trang Nhạc Dân Ca
 
Trang Chủ
 

 
 

 

 
 

 

Địa danh trong ca dao Bình Định
 

 

1. Địa danh là tên riêng các đơn vị hành chính các cấp:

 

     Chúng tôi tìm thấy trong cuốn Văn học dân gian Nghĩa Bình, tập 1(1) trong số 160 câu ca dao ở phần ĐẤT NƯỚC - LỊCH SỬ thì có 83 câu có nêu các địa danh là tên riêng đơn vị hành chính thuộc tỉnh Bình Định. Trong đó riêng địa danh Bình Định trong tư cách là tên tỉnh xuất hiện 16 lần ( # 19,28%) và thường đặt trong thế đối sánh với Kinh đô (Huế), và các tỉnh lân cận: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hoà.

 

 

     Ví dụ:

 

Tiếng đồn Bình Định tốt nhà

Phú Yên tốt lúa, Khánh Hoà tốt trâu

 

     Cụ thể số lần xuất hiện của địa danh các cấp như sau:

 

Tỉnh

(số lần)

Huyện( số lần)

( số lần)

Thôn, Làng( số lần)

Bình Định:(16)

Quy Nhơn (1)

 

Hưng Thạnh (1)

 

Tuy Phước(1)

 

Phước Sơn(1)

Luật Lễ (1)

Gò Bồi (4)

Kì Sơn(1)

Trường Úc(2)

(Phù Cát)

 

 

Chánh Lí(1)

Chánh oai (1)

Hoà Đại (2)

Hoà Hội(1)

chợ Gồm(1)

Phú Hội(1)

Cánh An(1)

(An Nhơn)

Bình Định

(Thị trấn) (1)

Đập Đá(3)

Gò Găng (6)

Phú Đa (2)

An Thái (4)

An Ngãi (1)

Hưng Long(1)

An Vinh(1)

Cầu Chàm(3)

Trung Dinh

Trung Thuận  Trung Liên

Trung Định

Trung Lý

 

( Hoài Nhơn)

Tam Quan (7)

Bồng Sơn (1)

Bồ Địch (2.)

Giếng Vuông (2)

Phù Mỹ  (4)

 

An Lương (1)

Dương Liễu(1)

Ô Long(1)

Tam Tượng(2)

Trà Ô(1)

(Tây Sơn)

Phú Phong

Đồng Phó

Hà Nhung

 

 

     (Ghi chú: Tên huyện đặt trong ngoặc đơn không xuất hiện trên văn bản ca dao. Chúng tôi đưa vào để biết tên thôn xã là thuộc huyện nào)

 

     Tên huyện, thị trấn và xã ít được nhắc đến trong ca dao. Cụ thể: huyện được nhắc đến nhiều nhất là Phù Mĩ (4 lần); Quy Nhơn, Tuy Phước (1 lần). Địa danh xã được nhắc đến nhiều nhất là Tam Quan (7 lần) vì đây là xã nổi tiếng nhiều dừa và  luôn gắn với hình ảnh cây dừa:

 

Công đâu công uổng công thừa

Công đâu gánh nước tưới dừa Tam Quan

 

     Tên các thôn, các điểm cư dân tương đương thôn được nhắc nhiều nhất. Đứng đầu là “Gò Găng” (Thị tứ phía bắc huyện An Nhơn) được nhắc 6 lần ; tiếp đến là An Thái (An Nhơn) -4 lần; Gò Bồi (Tuy Phước); Đập Đá (An Nhơn) - 3 lần. 23 địa danh thôn khác được nhắc đến từ 1 đến 2 lần. Tổng cộng tên làng được nhắc đến 44 lần / 83 câu (# 53 %)

 

- Em về Đập Đá quê cha

Gò Găng quê mẹ, Phú Đa quê chồng

 

- Anh về Đập Đá , Gò găng

Bỏ em kéo vải sáng trăng một mình

 

     Theo thống kê, các địa danh xuất hiện ở ca dao Bình Định thuộc chủ đề ca ngợi cảnh vật và truyền thống địa phương chiếm số lượng lớn hơn ở chủ đề ca ngợi tình yêu nam nữ, phản ánh tình cảm vợ chồng. Điều này có ngược lại với kết quả thống kê chung về toàn bộ ca dao Việt Nam của tác giả Nguyễn Xuân Kính trong công trình Thi pháp ca dao (2) .Qua khảo sát tỉ lệ các địa danh là tên các đơn vị hành chính ta thấy tên tỉnh được nhắc nhiều nhất, sau đó là tên các thôn, các làng chứng tỏ người dân Bình Định cũng giống như nhân dân cả nước rất gắn bó với thôn, với làng và luôn luôn tự hào về địa phương mình sống.

 

     Đặc biệt, người Bình Định tự hào về tỉnh mình trong đối sánh với các tỉnh lân cận, đặc biệt là Phú Yên và Quảng Ngãi- những tỉnh đã có thời được sáp nhập với Bình Định qua các thời đại nhưng thủ phủ vẫn đóng tạo Bình Định. Mặt khác, địa danh cấp tỉnh Bình Định xuất hiện sớm hơn các địa danh cấp huyện trong tỉnh.

 

     Các tên thôn và đơn vị tương đương được nhắc đến nhiều thường là các địa phương có nghề hay, thợ khéo nổi tiếng. Ví dụ Gò Găng (An Nhơn) là nơi chằm nón và buôn bán nón nổi tiếng khắp vùng. An Thái (An Nhơn) là địa phương có nghề trồng dâu nuôi tằm nổi tiếng, lại có có truyền thống thượng võ. Gò Bồi (Tuy Phước) gần cửa biển, thuận đường sông là một thị tứ cổ, trên bến dưới thuyền, mua bán tấp nập (sau khi đô thị Nước Mặn bị tàn lụi) và còn phát triển đến ngày nay.

 

     Người con trai trong bài ca sau kể ra thật nhiều nơi, nhưng không phải để tỏ ra mình đi nhiều, biết rộng mà vì thấy mình cần lấy mảnh đất quê hương để thề bồi:

Anh nguyền cùng em chợ Giã cho chí Cầu Đôi

Nguyền lên Cây Vốc, vạn Gò Bồi giao long

Anh nguyền cùng em Thành Cựu cho chí Thành Tân

Cầu Chàm , Đập Đá giao lân kết nguyền

Trung Dinh, Trung Thuận cho chí Trung Liên

Trung Định, Trung Lý cũng nguyền giao ca

(Tháp Cánh Tiên, An Nhơn, Bình Định)

-------------------------------------

(Nguồn Blog Đinh Hà Triều)

 

 

    2 - Địa danh là tên những địa điểm vốn là đối tượng lao động và những địa điểm phục vụ giao thông: sông suối, ao, đầm, núi, rừng, đèo, hang, động, cù lao, bãi, bến …và địa danh là tên những địa điểm thực hiện sinh hoạt xã hội và những địa điểm sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng được nhắc đến nhiều trong ca dao Bình Định. Trong đó núi, đèo, truông, tháp (vì tháp được xây dựng trên các quả đồi) được nhắc đến nhiều nhất.

 

     Thống kê:

 

Núi- Đèo- Truông-Tháp

Sông- Suối- Cầu- Bến đò

Đầm , Biển,Cù lao

Chợ- Chùa- Di tích

Vọng Phu (2)

Tháp Bánh Ít

Tháp Chàm

Thủ Thiện

Dương Long

Đèo Son

Đèo Cù Mông2

Núi Bà (2)

Núi Mò O (2)

Đèo Đá Dăm

Hòn Ông (2)

Hòn Bà

Kình Sơn

Chóp Vung

Non Tây

Linh Đỗng

Hòn Bình

Cù Mông

Truông Mây

Cầu Bà Gi

Cầu Tấn

Sông Hà Thanh

Bến Trường Thi

Sông Đá Đàn

Suối Hầm Hô

Bến Trầu

Suối Bèo

Bến Giang

Cầu Đôi

 

 

Biển Đông2

Đầm Thị Nại

Cù lao Xanh

Phương Mai

Gành Ráng

Giã

Thị Nại

Cửa Đề Gi

Bến Chụt

Chùa Thập Tháp

Cây Me

Chợ Luỹ

Chợ Cây Da

chợ Thành

Chợ Giã

Chợ Dinh,

Chợ Huyện

Cây Dừa

Phú Trung

Chợ Gò Chàm

Chợ Kiểng Hàng

Cây Vốc

Thành Cựu

Thành Tân

 

     Cắt nghĩa hiện tượng này - theo chúng tôi - có hai lí do:

 

     Thứ nhất, đồi núi chiếm 3/4 diện tích cả tỉnh nên cũng là địa điểm mà người dân Bình Định làm ăn, tiếp xúc nhiều. Thứ hai, địa hình tự nhiên thường được lấy làm địa giới hành chính. Theo đó, Bình Định phân cách với Quảng Ngãi ở phía Bắc bằng đèo Bình Đê, ở phía Nam phân cách với Phú Yên bằng đèo Cù Mông; phân cách với Tây Nguyên bằng đèo An Khê và trước đây thường được bố trí thành những đồn luỹ phiên trấn, nhất là khi biên giới Đại Việt mới dừng lại ở đèo Cù Mông (1471).  “Từ núi Cù Mông về Nam vẫn là người Man, người Lạo ở chưa có thì giờ để kinh lí đến „ (3) là.. Mà những con đèo ngày xưa thường rất khó đi, lên đèo cũng có nghĩa là đi phòng thú; vượt đèo cũng có nghĩa là đi đánh trận xa quê nên thường gây ra nhiều nỗi lo lắng:

 

Tiếng ai than khóc nỉ non

Vợ chàng lính thú trèo hòn Cù Mông

 

     Các địa danh phần lớn được sử dụng trong các trường hợp:

 

     Nhắc lại cuộc khởi nghĩa của Chàng Lía, cuộc khởi nghĩa không những đi vào kí ức dân gian mà còn đi vào lịch sử Đàng Trong giữa thế kỉ XVIII:

 

Chiều chiều én liệng Truông Mây

Cảm thương Chú Lía bị vây trong thành

Hay ngợi ca, tự hào về công tích của Tây Sơn Tam kiệt:

Non Tây áo vải cờ đào

Giúp dân dựng nước xiết bao công trình

 

     (Có lẽ đây là câu ca dao mượn ý câu thơ của Bắc cung hoàng hậu Lê Ngọc Hân trong Ai tư vãn, thể hiện sự đồng tình với Ngọc Hân trong lời than tiếc, ngợi ca vua Quang Trung : Mà nay áo vải cờ đào/ Giúp dân dựng nước xiết bao công trình)

 

     Triều đại Tây Sơn sụp đổ, Nguyễn Ánh trả thù thật tàn bạo nhưng tấm lòng ngưỡng mộ của nhân dân Bình Định đối với Tây Sơn Tam kiệt không bao giờ nguội tắt. Cây me, giếng nước, mảnh vườn xưa, bến Trường Trầu … vẫn còn đó và đã đi vào ca dao, trở thành biểu tượng không bao giờ phai:

 

Cây Me cũ, Bến Trầu xưa

Dẫu không nên tình nghĩa cũng đón đưa cho trọn niềm.

 

     Rõ ràng tác giả dân gian đã mượn vỏ ái tình để kín đáo gửi gắm tấm lòng ngưỡng mộ “ ngụy triều” - vốn là điều triều đình nhà Nguyễn nghiêm cấm gần suốt một thế kỉ rưỡi (1802-1945) trị vì.

 

     Thời Pháp thuộc, anh hùng Mai Xuân Thưởng (1860-1887) ứng nghĩa Cần Vương đánh Pháp, nêu gương bất khuất kiên cường. Nhân dân Bình Định đã có câu ca ngợi:

 

Ngó vô Linh Đỗng mây mờ

Nhớ Mai nguyên soái dựng cờ đánh Tây

Hầm Hô cữ nước còn đầy

Còn gương phấn dũng , còn ngày vinh quang

 

     Khi thì ca ngợi những thắng cảnh kì thú của quê hương. Cùng môtip “chờ chồng hoá đá” nhưng Hòn Vọng Phu Bình Định khác với nàng Tô thị (Lạng Sơn). Nàng Tô thị đứng trên mỏm núi đá Tam Thanh bế con hướng về phía Bắc đợi chồng đi sứ về; còn nàng Vọng Phu Bình Định bồng con đứng trên đỉnh Núi Bà nhìn ra biển Đông chờ chồng. Ai đến Bình Định mà chẳng từng nghe câu hát:

 

Bình Định có đá Vọng Phu

Có đầm Thị Nại có Cù lao Xanh

 

     Trải bao năm tháng dãi dầu mưa nắng giữa trời biển mênh mông, Hòn Vọng Phu đã làm xúc động tâm hồn bao con người với một sự tích về nỗi bất hạnh của một mối tình éo le để rồi đợi chờ đến nỗi  “hoá đá” của người con gái.

 

     Nếu hòn Vọng Phu là biểu tượng cho lòng chung thuỷ sắt son của người vợ thì nón Gò Găng là biểu tượng cho bàn tay khéo léo, nét duyên dáng của cô gái Bình Định, cùng với lụa Phú Phong, lãnh An Thái tạo nên niềm tự hào chính đáng vì nét thanh lịch đáng yêu:

 

Lụa Phú Phong nên duyên nên nợ

Nón Gò găng khắp chợ mến thương.

 

     Tục ngữ có câu “Trai An Thái, gái An Vinh” để tự hào, khen ngợi những trai tài gái đảm của hai địa phương trên. Và không ít chàng trai An Thái đã phải lòng những cô gái An Vinh:

 

Bên kia sông, quê anh An Thái

Bên này sông, em gái An Vinh

Thương nhau chung dạ chung tình

Cầu cha mẹ ưng thuận cho hai đứa mình lấy nhau

     Chàng trai hứa hẹn với người thương anh sẽ cưới  nàng bằng một sính lễ hậu hĩ:

 

Cưới nàng đôi nón Gò Găng

Xấp lãnh An Thái, một khăn trầu nguồn.

 

     Cũng có khi cô gái không ưng một chàng trai nào đó nên đã bày ra “chiêu” thách cưới:

 

“Năm chục quan tiền

Xây vòng trái bưởi

Con heo bỏ cũi mang đi

Tấm lụa An Thái em bận chơi cho mát

Lụa Kiểng Hàng , em bận lót mồ hôi

Nón Phủ Trung , anh chạy đồi mồi

Gấm Nước Mặn chạy bông hoa cúc

Tiền thời cho chẵn một trăm

Bạc thời năm nén , vàng ròng mười đôi

Lụa năm bảy gọn anh ơi

Nhiễu thêm một gọn thì tôi mới về         

     Rõ ràng cô gái “thách cưới” ở đây không quá quắt, cầu kì, nhiễu nhương bằng cô gái trong bài ca dao dài ở Bắc Bộ (Cưới em trăm tấm gấm đào/ Một trăm hòn ngọc, hai mươi tám ông sao trên trời/...). Điều muốn nói ở đây là bài ca đã liệt kê hàng loạt những “ thương hiệu” như lụa An Thái, Lụa Kiểng Hàng, Nón Phủ Trung, Gấm Nước Mặn như “ biểu diễn đặc phẩm của các huyện phủ”, như một biểu tượng của sự thanh lịch, làm tôn thêm vẻ đẹp con người.

         

     Bình Định có nhiều ngọn tháp Chăm, đó là những công trình văn hoá kiến trúc tuyệt mĩ của người Chăm - chủ nhân cũ của mảnh đất này - mà người dân Bình Định không những đã ra sức gìn giữ và bảo vệ trên thực địa mà còn đưa vào ca dao như một biểu tượng. Khi là biểu tượng cho vẻ đẹp văn hoá quê hương:

 

Ai về Tuy Phước ăn nem

Ghé qua Hưng Thạnh mà xem Tháp Chàm

         

     Tuy Phước (nhất là Chợ Huyện – nay thuộc xã Phước Lộc) làm nem chua ngon nổi tiếng, từng có câu ca rằng:

 

Rượu ngon Trường Thuế mê li

Gặp nem Chợ Huyện bỏ đi sao đành.

 

     Khi là biểu tượng cho một lời hứa hẹn trung trinh, son sắt:

 

- Tháp Bánh Ít đứng sít cầu Bà Gi

Sông xanh, núi cũng xanh rì

Vào Nam, ra Bắc ai cũng đi con đường này

Nghìn năm gương cũ còn đây

Lòng ơi! Phải lo nung son sắt kẻo nữa đầy bể dâu

 

- Cầu Đôi nằm cạnh Tháp Đôi

 Dễ chi nhân ngãi mà rời được nhau

 

     Bởi vì:

 

Tháp kia còn đứng đủ đôi

Cầu còn đủ cặp huống cho tôi với nường ( nàng)

         

     Nếu danh sĩ Nguyễn Văn Siêu (1799-1872) tài hoa rất mực khi đề trên Tháp Bút (Hồ Tây- Hà Nội) 3 chữ “ Tả thanh thiên” thì người dân Bình Định cũng tự hào:

 

Biển Đông sóng vỗ rạt rào

Tháp kia làm bút ghi tiếng anh hào vào mây xanh

         

     Bình Định là đất lắm dừa. Ven biển, ven sông, ven núi đồi, trong thôn xóm, đọc đường đi …đâu đâu cũng có bóng dừa che mát: Dừa xanh trên bến Tam Quan, dừa che nắng che mưa, sóng vỗ bẹ dừa, mài dừa dưới trăng, bí đỏ nấu canh nước dừa,… Người Bình Định từ lâu đã chọn bóng dừa làm biểu tượng có tính tập trung nhất trong ca dao của mình. Không chỉ xuất hiện với tần số cao mà dừa còn là hình ảnh có giá trị gợi cảm sâu xa trong đời sống tâm hồn người dân. Dừa là biểu tượng cho tình yêu chung thuỷ:

 

Suốt bốn mùa xuân, hạ, thu, đông

Thiếp ngồi dệt vải chỉ mong bóng chàng

Dừa xanh trên bến Tam Quan

Dừa bao nhiêu trái thương chàng bấy nhiêu

         

     Phỏng theo môtip trong ca dao truyền thống : “Đình bao nhiêu ngói, em thương mình bấy nhiêu”; “Cầu bao nhiêu nhịp dạ em sầu bấy nhiêu”, nhưng người Bình Định đã chọn bóng dừa làm biểu tượng, vì dừa gần gũi với đời sống hằng ngày của họ, là nguồn sống của họ. Bao nhiêu sản phẩm từ dừa là một nguồn lợi đáng kể cho người dân Bình Định. Còn gì khoan khoái và bổ dưỡng hơn giữa trưa hè mà được ăn một trái dừa nạo. Cơm dừa già  dùng để nấu dầu, đồ xôi, làm kẹo, làm mứt…. Lá dừa lợp nhà cực bền, vỏ dừa làm vỏ bọc bình trà, đánh dây thừng , bện thảm, sọ dừa dùng làm gáo, để đun và ngày nay dùng để điều chế than hoạt tính.  Thật vậy, kể sao hết công dụng của cây dừa!

         

      Dừa Tam Quan trường tồn bất diệt cũng như nghĩa tình đôi lứa chẳng thể nào phai:

 

Ôm đàn gảy khúc Cầu hoàng

Thiếp xin gõ nhịp để chàng lựa dây

Bao giờ rừng quế hết cây

Dừa Tam Quan hết nước thì em đây mới hết tình

         

     Cây dừa còn là biểu tượng của cốt cách, phẩm chất cao quý của con người:

 

Dừa xanh sừng sững giữa trời

Đem thân mà hiến cho đời thuỷ chung

 

     Biểu tượng “ Dừa xanh sừng sững giữa trời” đã mang lại cho câu ca dao một vẻ đẹp sử thi của con người Bình Định: khẳng khái, trượng nghĩa, xả thân vì sự nghiệp cứu dân, giúp đời. Biểu tượng bóng dừa trong ca dao Bình Định cũng như biểu tượng trúc tre trong ca dao miền Bắc, đều là những biểu tượng đẹp cho con người Việt Nam truyền thống. Không gian nghệ thuật đó góp phần thể hiện tình yêu, lòng tự hào về quê hương Bình Định, qua đó, thể hiện cái đẹp trong tâm hồn con người Bình Định trong đời sống , lao động và đấu tranh xã hội.

 

    3 - Tóm lại, theo khảo sát của chúng tôi, ca dao Bình Định xuất hiện nhiều địa danh là đơn vị hành chính. Nhiều nhất là địa danh Bình Định trong tư cách là đơn vị hành chính cấp tỉnh vì khi đi đó đi đây người ta phải lấy tỉnh của mình ra để giới thiệu, để tự hào. Vả lại, Bình Định lại là một địa danh đã có bề dày lịch sử trên hai trăm năm. Tuy không bằng các tỉnh Bắc Bộ và Khu Bốn nhưng lịch sử cũng dài hơn nhiều tỉnh Miền Nam.

           

     Tên các huyện, xã được đưa vào ca dao ít hơn tên thôn, làng vì trong chế độ cũ những làng nghề nổi tiếng chưa thể có quy mô toàn xã, toàn huyện như thời hiện đại. Vì thế mà tên làng trở thành niềm tự hào lớn nhất của người dân. Các làng được nhắc đến nhiều nhất là các làng có nghề khéo, có sản phẩm nổi tiếng,.... Đập Đá, Gò Găng, An Thái...là các tên làng có tần số xuất hiện cao là vì thế.

         

     Các địa danh là những địa điểm vốn là đối tượng lao động và những địa điểm phục vụ giao thông như sông, suối, ao, đầm, núi , rừng, đèo, phá, cù lao, mũi , biển, cầu đường, bãi, bến trong ca dao Bình Định thì những địa danh gắn với núi non xuất hiện nhiều nhất. Vào Nam, ra Bắc, ngược lên Tây Nguyên đều phải qua đèo, chỉ có mặt Đông là biển. Truông Mây, Non Tây (Tây Sơn); Linh Đỗng lại là nơi gắn với lịch sử đất tranh chống phong kiến, chống thực dân hào hùng của người dân Bình Định.  Nghề biển dưới thời phong kiến vốn không phát triển. Tuy nhiên các bến biển , bến sông vốn là tụ điểm buôn bán trao đổi hàng hoá và giao thông cũng được nhắc đến nhiều. Nhiều nhất là Gò Bồi và Giã ( Quy Nhơn ngày nay). Các địa danh gắn với các phương diện sinh hoạt này này ngoài chủ đề ca ngợi, tự hào về  truyền thống địa phương còn được sử dụng để bày tỏ tình yêu và khát vọng hạnh phúc, thuỷ chung. (Hết)

Tác giả Đinh Hà Triều

                                                                     

                                      

---------------------------------------

Chú thích:

(1) Đào Văn A, Cao Văn Chư, Văn học dân gian Nghĩa Bình, tập 1 Sở Văn hoá và Thông tin Nghĩa Bình; 1986

(2)- Nguyễn Xuân Kính, Thi pháp ca dao, NXB khoa học xã hội, H, 1992, trang 102

(3)- Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Định, Địa chí Bình Định, tập 1 (Thiên nhiên- Dân cư- Hành chính); Quy Nhơn, 2005, trang 268

(Nguồn: Blog Đinh Hà Triều)

 

 

Sưu Tầm Tài Liệu và Web Design

  Hà Phương Hoài

Hỗ Trợ Kỹ Thuật

Hoàng Vân, Julia Nguyễn

Web Database

Nguyễn Hoàng Dũng
Xin vui lòng liên lạc với  haphuonghoai@gmail.com về tất cả những gì liên quan đến trang web nầy
Copyright © 2003 Trang Ca Dao và Tục Ngữ
Last modified: 10/19/17