Mời quý vị xem bài
vào tập của Thi Văn Sĩ Hà Huyền Chi
Vào Cõi Văn Chương Của
Trầm Bay
Do những tình cờ mà tôi
có dịp quen biết với khá nhiều dân Mũ Xanh, Lôi Hổ. Thứ lính dữ dằn nhất của
Quân Lực Việt Nam Công Hoà, nhưng lại hiền khô với bằng hữu. Nhân ái và khiêm
cung với cuộc đời.
Cùng khoá với tôi, là
Thiếu tá Nguyễn Văn Huân, một con sơn dương thiếu cặp sừng hung hãn ở Nha Kỹ
Thuật. Và Trung Tá Ngụy Hiền, một con sư tử đất từng là trại trưởng biên phòng
Bù Gia Mập. Khóa đàn em thì có Trung Tá Thông " không chân dung" Vũ
Xuân Thông lừng lững như cây dừa lửa, khi đóng phim Người Tình Không Chân Dung.
Và Trung tá Lân "đen". Nguyễn Văn Lân trông dữ dằn như hải tặc, mà người lại
hiền khô. Thông và Lân đều có thời làm phó cho Delta, TD81/BCND, và cũng là
những người hùng của tấm bia tuyên công do một cô giáo Pha của An Lộc ghi tặng:
"An Lộc địa sử ghi chiến
tích,
Biệt Cách Dù vị quốc
vong thân."
Hàng xóm tôi, là Trung
tá Tác "thuốc lào". Nguyên Tham Mưu Trưởng LLDB, Trần Hữu Tác còn có biệt danh
rắc rối tơ vò: "Đồng Kích". Chẳng là anh bạn Mũ Xanh này ưa đánh mà chược. Đánh
bạt mạng, mười trận thì Tác thua hết chín. Thế nên dân mà chược gọi anh là
"Đồng Kích". (Đồng kích là cùng thấy, mà nói lái thì cùng thấy là "Thầy Cúng".)
Nghe nói Đồng Kích xuống Quận Cam được dân mà chược trải thảm đỏ đón tiếp kỹ lắm.
Rồi Trung tá Hoàng Xuân
Tựu, ở Dever. Người chơi Ski duy nhất bị đứt giây xe cáp, từ nghìn trượng cao
rơi xuống mà vẫn còn cà lết, còn tắc xình được.
Dân Mũ Xanh mà không
được đội Mũ Xanh ngày nào là Đặng Chí Bình. Được khổ luyện và trang bị tận răng
để thẩy ra Bắc làm gián điệp. Bị Cộng vồ và luân lạc khắp các nhà tù gần hai
chục niên. Đặng Chí Bình, người chưa từng viết văn, là tác giả bộ hồi ký Thép
Đen khá nổi tiếng. Anh biệt kích lúc thiếu thời, bây giờ thành thợ sửa máy lạnh
ở Boston. Với vợ nhí, và bầy con ngoan.
Người bạn Mũ Xanh nặng
lòng với chữ nghĩa khác là Đại Úy Hà Phương Hoài. Một Lôi Hổ hiền như khoai,
đạo hạnh như thầy tu, chăm chỉ như con ong cái kiến. Người quyền rơm vạ đá, hăng
say gánh vác việc cộng đồng. Và chơi đẹp với bạn bè. Người đã phóng vào quỹ đạo
văn chương thi tập Tơ Vò, vài ba vở kịch thơ. Đặc biệt là cuốn tiểu thuyết dã sử
Cơ Trời Vận Nước.
Hà Phương Hoài, người
đáng đội mũ ni, nhưng vẫn thương hoài đời lính. Và Trầm Bay là cuốn tiểu thuyết
khác viết về những mẩu đời chinh chiến của những người lính Mũ Xanh, Lôi Hổ. (Thú
thực là dầu đã được bạn tôi giải thích ngàn lần về khác biệt của Biệt Cách Nhảy
Dù, với Biệt Kích Dù, Lôi Hổ...vân vân...thì tôi cũng nghe qua rồi bỏ. Cứ Lôi
Hổ mà gọi đã sao/?)
Qua mấy trăm trang bản
thảo của Trầm Bay, tôi có dịp nhìn rõ hơn về nhân dáng Hà Phương Hoài, qua nhân
vật tên Thanh. Và đám lính Mũ Xanh dữ dằn với Việt Công, nhưng lại hiền như nai
với phe ta. Những người lính quen chiến đấu đơn độc trong lòng địch. Những toán
Biệt Kích được thả vào vùng đất địch với công tác thám kích. Thập tử nhất sinh.
Họ có đời sống hiểm nguy,
hào hùng như những Kinh Kha, một đi không trở lại. Mỗi toán chừng dăm người,
quan nhiều hơn lính, được thẩy xuống địa ngục trần gian. (Lính Biệt Kích được ký
giấy khai tử trước những lần nhảy toán. Để vợ con sớm lãnh được tiền tử tuất.)
Họ là những nhà giáo,
sinh viên, hiền hòa. Những dân chài, nông dân chất phác... đã đứng lên đáp lời
sông núi. Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách. Họ đều ý thức
được cái nghiã vụ của một người trai thời loạn: "Không nhiệm
vụ
nào khó, không chức
vụ
nào cao, mọi
hy sinh đều
bằng
nhau".
Trầm Bay của Hà Phương
Hoài là những mảnh vụn của kỷ niệm quanh đời lính Mũ Xanh, Lôi Hổ. Ngoài tiếng
nói của đạn mìn, sắt thép, còn là những thương yêu rất người, với đồng đội, đồng
bào.
Như loại cây Bonsai quý
hiếm của Trung Hoa, sự sống xanh tươi phải được bắt nguồn, bám rễ từ cành khô,
thân mục. Trầm Bay là tên của một loại trầm bình dị đưa hương thoang thoảng trên
không. Thứ trầm thanh quý này không thể ép lấy dầu, hoặc lưu trữ ở
một không gian, thời gian nào khác. Thứ dã thảo lẫn trong củi mục này rõ là quý
hiếm và cũng thực là vô tích sự.
Hà Phương Hoài đã tỏ ra
vô cùng mẫn cảm và tế nhị khi anh so sánh Trầm Bay với những đời lính thương
vong. Họ là Trầm Bay, nhưng không khác nào củi mục. Nhất là khi họ phải mang
trong tâm phế, nỗi đau đớn của những kẻ bị bỏ rơi. Bị đem con bỏ chợ, khi bị
cầm tù. Và ngay cả sau chiến tranh, người tù binh Biệt Kích cũng không được phe
ta thừa nhận . (Vì lý do lắt léo của cái gọi là công pháp quốc tế.) Thế nên,
Biệt Kích, Lôi Hổ cho dù xanh cỏ, hay đỏ ngực huy chương thì cũng chi là một thứ
trầm bay vô tích sự.
Với lối kể chuyện thật
thà, duyên dáng, nhà văn Hà Phương Hoài đã tự chứng tỏ tấm lòng quý mến nhiệt
thành với những người lính Mũ Xanh. Và cõi văn chương, mà anh coi như duyên
nghiệp, đời này.
Hà Huyền Chi
Vào Trầm Bay
Trầm
Bay Đầu
Trầm Bay Thay Lời Tựa
12 chương