Home Tìm Ca Dao Trang Chủ Toàn Bộ Danh Mục e-Cadao English

Thư Mục

 
Lời Phi Lộ
Lời Giới Thiệu
Cách Sử Dụng
Dẫn Giải
Diêu Dụng
Cảm Nghĩ
 
Ẩm Thực
Chợ Quê
Cội Nguồn
Cổ Tích
Lễ Hội
Lịch Sử
Ngôn Ngữ
Nhân Vật Nữ
Nhạc Cụ Việt Nam
Phong Tục Tập Quán
Quê Ta
Tiền Tệ Việt Nam
Tiểu Luận
Văn Minh Cổ
Vui Ca Dao
 
Trang Nhạc Dân Ca
 
Trang Chủ
 

 
 

 

 
   

    Giới-Thiệu “Lược Khảo Vấn Ðề Chữ Nôm Của Cụ TRẦN VĂN GIÁP

    ______ Nguyễn Ngọc Bích

    Mới đây, báo Ngày Nay ở Minnesota có in ra cuốn Lược khảo vấn đề chữ Nôm do cụ Trần Văn Giáp (1902-1973), một nhà nghiên cứu Hán-Nôm thuộc vào hạng xuất sắc ở nước ta, biên soạn.  Từ năm 14 tuổi (1916), cậu bé Trần Văn Giáp đã đi dự kỳ thi Hương ở trường Nam (tức Nam-định).  Năm 18 tuổi đã vào làm việc ở Viễn Ðông Bác Cổ (tức viện nghiên cứu nổi tiếng về Á-đông-học ở nước ta lúc bấy giờ, Ecole française d-Extrême-Orient).  Năm 1927 sang Pháp theo học tại Ecole pratique des Hautes études, theo viện Cao-học Hán-học.  Hai luận-án ông soạn trong thời-gian ở Pháp là “Các thư-tịch-chí của Lê Quý Ðôn và Phan Huy Chú” (“Les chapitres bibliographiques de Le Qui Don et Phan Huy Chu,” có in trong BSEI ở Sài-gòn năm 1938) và “Phật-giáo Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ XIII” (“Le Bouddhisme en Annam des origines au XIIIè siècle,” sau in trong BEFEO, tập 32, Hà-nội: 1932).  Về nước năm 1932, cụ trở lại làm việc tại Viện Viễn Ðông Bác Cổ, và từ đó cụ không ngừng đóng góp vào học-thuật Việt Nam với nhiều tác-phẩm vĩ đại trong đó ta có thể kể hai bộ Lược truyện các tác gia Việt Nam (Hà-nội, 1962-1972) [“tác gia” không có dấu hỏi, không phải “tác giả”] và Tìm hiểu kho sách Hán-Nôm (Hà-nội, 1984-1990) mà không hiểu vì lý-do nào, bộ sau đã không được ghi trong phần “Thư mục Trần Văn Giáp” (trang XI-XII) ở đầu sách Lược khảo vấn đề chữ Nôm.

    Cũng như nhiều gia-đình Việt Nam, cụ Trần Văn Giáp đã đi theo Việt Minh và ở lại miền Bắc trong khi các con cụ lại tìm đường vào Nam.  Năm 1975, khi CS xâm-chiếm miền Nam, mấy người con bị kẹt lại Sài-gòn vẫn không có cơ-hội gặp lại cụ vì tiếc thay, cụ đã ra đi từ cuối năm 1973.  Việc in sách của cụ ở hải-ngoại lần này là một việc làm báo hiếu của mấy người con, chủ-yếu là của G.S. Trần Văn Ðĩnh (dấu ngã chứ không phải dấu hỏi) hiện cũng ở Minnesota, khi cách đây ít năm ông có về Hà-nội để lấy được bản thảo mang sang Mỹ.

    Việc in sách ở hải-ngoại mà lại còn chua thêm chữ Hán, chữ Nôm là một việc làm rất nhiêu khê và chúng ta, những người đọc (hay ít nhất cũng có cá-nhân tôi), rất biết ơn G.S. Lê Văn Ðặng ở Seattle, Washington, khi ông đã thể theo lời yêu-cầu của G.S. Nguyễn Ðình Hòa (trước khi ông Hòa ra đi cách đây gần hai năm) nhận lời “thực-hiện văn-bản” cho cuốn sách.  Kết-quả là một cuốn sách không những giá rất phải chăng (có 12 Mỹ-kim một cuốn) mà chữ Hán, chữ Nôm trong sách in rất rõ ràng không mờ hay mất nét như trong một số sách in có chua loại chữ này ở trong nước.

    Nội-dung sách

    Ði vào nội-dung, ta sẽ thấy cuốn sách chủ-yếu được chia thành hai phần, một phần nói về chữ Nôm và một phần trích văn thơ Nôm.

    Phần I gồm 4 chương cả thảy:

  • Chương mở đầu “giới thiệu” chung về cuốn sách
  • Chương 1 nói về “Nguồn gốc chữ Nôm”
  • Chương 2 đi vào “Cách cấu tạo của chữ Nôm”
  • Chương 3 mở rộng đề-tài ra thành “Chữ Nôm và văn học Việt Nam.”

    Phần II thì gồm 3 chương (4 tới 6) được chia thành tất cả là 10 phụ-lục, với mỗi phụ-lục gồm một số bài văn thơ Nôm, có thể coi như là bài đọc.  Có bài thì kèm theo chữ Hán hay chữ Nôm, song phần lớn không có bản chữ Hán hay chữ Nôm đi kèm.  Có thể dụng-ý của tác-giả (cụ Trần Văn Giáp) là sẽ cung-cấp đầy đủ các bản văn Hán-Nôm này nhưng rồi cụ mất sớm nên ý-định này đã không thực-hiện được.

    Một số nhận-định đã hơi cũ

    Thật vậy, Chương 1 là lấy lại từ một bài báo cụ hoàn-tất từ 25 tháng 2 năm 1969, cách đây đã 33 năm, và có in trong Nghiên cứu lịch sử số 127 (tháng 10-1969), trang 7 đến 25.  Ngay từ thuở ấy, một vài nhận xét của cụ, tỷ-dụ như ba chữ “Minh giám bản” trên đầu sách Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa mà cụ hiểu là “Ván khắc in [theo bản] đã được xét từ đời Minh,” đã có người không đồng-ý (xem bài của Hoàng Thúc Trâm trong Nghiên cứu lịch sử số 140, tháng 9-10, 1971).  Tuy-nhiên, trong sách mới in thì bài viết có được khai triển hơn và đặc-biệt là có chua chữ Hán, chữ Nôm đi ngay theo mỗi chữ hay câu cần được viết sang loại chữ này để minh-họa hay làm rõ điều đang được nói đến.  (Trong bài báo in ra năm 1969 thì những chữ chua này được in thành một bảng ở cuối bài, trang 25, và có chỗ cũng không rõ lắm.)

    Chương 2, Chương 3 hoàn-tất vào ngày 7 tháng 11 năm 1970 thì hình như chưa  được công-bố ở bất cứ đâu, cho đến khi có cuốn sách này ra đời.  Do vậy nên đối với một người đọc như tôi thì đây là phần mới mẻ do quyển sách mang lại.  Chương 2, “Cách cấu tạo của chữ Nôm,” có lẽ cũng không đi xa hơn sách Việt Nam văn-học sử-yếu của Dương Quảng Hàm bao xa dù như sách của cụ Dương đã ra từ năm 1942, gần 30 năm trước đó nữa và cách chúng ta là đúng 60 năm.  Tuy-nhiên, phần kết-luận của Chương 2 này đáng chú ý vì nó tóm lược quan-niệm của cụ Trần Văn Giáp về chữ Nôm: “Chính vì những lý do phức tạp, không có qui củ nhất định trong việc cấu tạo chữ như nói trên, thành ra chữ Nôm, tuy người nào cũng thấy tiện, đã sử dụng trong một thời gian khá lâu mà vẫn không phổ biến và phát triển mạnh...  Phần sơ bộ nghiên cứu về sự cấu tạo của chữ Nôm trên đây, cũng lại có thể chứng minh thêm cho nguồn gốc chữ Nôm có từ lâu.  Nó đã nói lên sự hình thành của chữ Nôm manh nha từ thời Hán, hồi mấy thế kỷ đầu [của công-nguyên], tới nay cũng đã có đến trên dưới hai ngàn năm.”

    Như vậy, thuyết của cụ Trần Văn Giáp, nhắc lại ý-kiến của Văn-đa cư-sĩ Nguyễn Văn San ghi trong sách Ðại Nam quốc-ngữ (làm ra khoảng năm 1880), cho rằng chữ Nôm có từ thời Sĩ Nhiếp (187-226 sau công-nguyên, trang 16 trong sách ghi “487-326” là sai) thành ra là cái thuyết đòi về cho chữ Nôm một nguồn gốc xa xôi nhất, “đã có đến trên dưới hai ngàn năm.”  Theo tác-giả Nguyễn Văn San, khi Sĩ-vương (tức Sĩ Nhiếp đời Hậu-Hán) phải dịch chữ “thư cưu” trong bài “Quan thư” tức bài đầu tiên trong Thi-kinh Trung-hoa hay dịch chữ “dương-đào” (quả khế) sang tiếng Việt để dạy chữ Hán cho người Việt thời bấy giờ, ông chẳng biết mấy thứ đó tiếng Việt gọi là gì.  Có lẽ vì thế mà ông phải nghĩ ra cách ghi lại tiếng Việt, tỷ-dụ “khế,” bằng một chữ Hán với âm tương-tự.  Thế là nguồn gốc của chữ Nôm.

    Tuy-nhiên, chính cụ Trần Văn Giáp cũng phải công-nhận là khảo-cổ-học đã không tìm ra được bao nhiêu di-vật từ thời Sĩ Nhiếp (cuối thế-kỷ II và đầu thế-kỷ III) đến khoảng 1000 năm sau đó làm chứng cho giả-thiết là chữ Nôm đã có từ thời xa xôi kia.  Thật ra là không tìm được ra gì cả!  Cụ viết nơi trang 58: “Qua các sách vở giấy tờ khác về Việt Nam và của Việt Nam xưa kia, qua các cuộc khai quật khảo cổ gần đây, có tìm thấy nhiều mộ cổ đời Hán, mộ cổ đời Ðường, v.v... nhưng trong đám di vật ấy cũng chưa thấy có dấu tích gì về chữ Nôm.”

    Do vậy nên có lẽ chúng ta cũng không nên hồ hởi quá về thuyết chữ Nôm đã có “trên dưới hai ngàn năm nay.”

    Mấy hướng mới về nghiên cứu chữ Nôm

    1.  Tìm về văn-bản cũ

    Vì cụ muốn tin như vậy nên cụ Trần Văn Giáp đã phải cố gắn tác-phẩm Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa (mà cụ đồng-ý là bản in ta hiện còn là một bản in sau này của thế-kỷ XVIII) vào với một hai tác-phẩm mà người ta ngờ là có thể có được từ thời Sĩ Nhiếp hay ít nhất cũng “có lẽ từ đời Hán còn truyền lại” như Chỉ nam phẩm vựng và sách Chỉ nam song tự.  Song đây cũng chỉ là ức-đoán mà thôi, khi cụ cho rằng cuốn trên là “dựa theo các sách cũ” như hai quyển sau này “mà làm lại và ghi thêm nhiều chữ khác” (NCLS 127, trang 19), và ta không còn hai quyển sau này để mà biết nội-dung nó ra sao và sự ức-đoán của cụ có bao nhiêu phần là sự thật.

    Theo cuốn sách mới in ra của cụ thì cụ Trần Văn Giáp cho rằng có những tác-phẩm sau đây để giúp ta dựng lại một cách chắc chắn lối viết Nôm cổ của ta qua các thời-đại (xem các trang 22-33):

  • Cuốn Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa của sư Pháp Tính (mà có chỗ, trang 32, cụ ghi là “trước thế kỷ thứ XVII” song có nơi, trang 22, cụ lại nói là “một bộ tự điển Hán Việt làm ở Việt Nam từ trước thế kỷ XV”).  Dầu sao, dưới con mắt cụ, đây cũng là bộ tự-điển cổ nhất của tiếng Việt, theo cụ là có trước cả từ-điển Alexandre de Rhodes in ra ở Roma năm 1651.
  • Cuốn Tự học toản yếu (hay còn gọi là Tam thiên tự giải âm, tức “Ba nghìn chữ [Hán] giải sang quốc-âm [tức Nôm]”) của Ngô Thời Nhiệm (1746-1803), nghĩa là gần như chắc chắn làm ra trong thế-kỷ XVIII.
  • Cuốn Chỉ nam bị loại mà theo cụ là “có người giọn [= dọn] lại [từ] bộ Chỉ nam ngọc âm cũ, và giải nghĩa gọn gàng thành bộ Chỉ nam bị loại.  Bộ này chưa được đem in, chỉ truyền lại bằng bản sao chép.  Còn tác giả, chắc cũng là một vị sư, vì thấy chú ý đến danh từ Phật giáo, nhất là Phật giáo Việt Nam, như An nam tứ khí v.v.” (trang 23).  Về thời-điểm sách này được soạn ra, cụ phân vân giữa thế-kỷ XVIII (trang 33) và “khoảng mười năm đầu thế kỷ XIX” (trang 23).
  • Cuốn Nhật dụng thường đàm của Phạm Ðình Hổ (1768-1839) làm ra “khoảng cuối đời Minh Mạng” (trị vì 1820-1840), song lại có sách ghi là năm 1827 (xem Tìm hiểu kho sách Hán-Nôm, Tập II, trang 18).
  • Cuốn Thiên tự văn tác-giả vô danh (“thế kỷ XIX”).
  • Cuốn Thiền gia phạn số của Phước-điền hòa-thượng, tên An Thiền, soạn vào năm 1845 (Ất-tỵ, Thiệu Trị thứ 5).
  • Cuốn Ðại Nam quốc ngữ của Hải-châu-tử [Nguyễn Văn San] sống dưới đời Tự Ðức (trị vì 1848-1883).
  • Cuốn Nam phương danh vật bị khảo của Ðặng Xuân Bảng (sinh 1828-sau 1901).
  • Cuốn Tự học giải nghĩa ca của vua Tự Ðức.

    Theo cụ, nếu ta nghiên cứu được đầy đủ 9 bộ sách trên đây, ta sẽ có được bộ dạng đích-xác của chữ Nôm Việt Nam ít nhất qua ba thế-kỷ, từ thế-kỷ XVII đến thế-kỷ XIX, nếu không muốn nói là sớm hơn (vì theo cụ cuốn Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa có thể phản ánh chữ Nôm “từ trước thế kỷ XV” nữa).

    Song thực-sự, bằng-chứng về chữ Nôm ta còn có từ trước đó nữa.  Chính theo cụ Trần Văn Giáp, ta đã có những mốc về chữ Nôm như sau:

    Thế-kỷ VIII - Phùng Hưng dấy lên làm vua vào năm 791, được nhân-dân tặng cho danh-hiệu “Bố Cái Ðại Vương.”  “Bố Cái” không phải là tiếng Hán mà là tiếng Nôm.  (Về ý nghĩa của hai chữ “Bố Cái” thì một thuyết đã theo sách Quang mục mà cho rằng “Bố” là Cha, “Cái” là Mẹ, song sau này cũng có người cho rằng “Bố Cái” nghĩa là “Vua Lớn” tương-đương với chữ “Ðại-vương.”)

    Thế-kỷ X - Ðinh Tiên-hoàng đặt tên nước là Ðại Cồ Việt vào năm 968, tên chính-thức của nước ta đến năm 1054.  “Cồ” tiếng Nôm có nghĩa là Lớn (so sánh “gà cồ”) và như vậy, cách nói “Ðại Cồ” thành hơi giống cách nói “Bố Cái Ðại Vương.”  Trong một luận-văn, nhà học-giả uyên bác Nguyễn Khắc Kham đưa ra giả-thiết cho rằng chữ “Cồ” ở đây có thể có đồng-nghĩa với chữ “Cồ Ðàm” (Gotama Buddha), và như vậy “Ðại Cồ Việt” có nghĩa là “nước Ðại Việt Phật-giáo.” (“Ðại Cồ Việt Revisited,” Vietnam Culture IV(4), New York, Winter 1985, trang 162-170; “Ðại Cồ Việt (A Revised Version),” The Journal - Institute of Asian Studies 10, March 1989, S’ka University, Tokyo, trangau này có in lại trong Ðại Học Mission Viejo, CA, Tháng 7-1991, trang 125-153).

    Thế-kỷ XI – Ông Trần Huy Bá, trong báo Tổ Quốc số 3 năm 1963, có giới thiệu một cái chuông đồng của chùa Vân-bản ở Ðồ-sơn, mới được vớt lên từ dưới biển vào năm 1958, mà niên-đại đúc có thể là vào năm 1076 đời Lý Nhân-tông (trị vì 1072-1127) trên đó có khắc hai chữ “Ông Hà” là tên người và là tên chữ Nôm, chứ không phải chữ Hán.  (Theo ông Bá thì có tới ba chữ Nôm là “xứ Ông Hà” nhưng cụ Ðào Duy Anh kiểm lại thì chỉ thấy có hai chữ “Ông Hà” mà thôi.  Ông Nguyễn Ðình Chiến trong Khảo cổ học số 1-1980 thì lại cho chuông chùa Vân-bản đúc vào khoảng 1288-1304.)

    Thế-kỷ XII - Bia mộ Lê Phụng Thánh, dựng năm 1173 (niên-hiệu Chính-long Bảo-ứng 11) ở chùa Hương-nộn, Phú-thọ (ngày nay là Vĩnh-phú), có sáu chữ Nôm: “đầu đình, cửa ngõ, bến sông.” (Trần Xuân Ngọc Lan và Cung Văn Lược trong Ngôn ngữ 29, tháng 9-1976)

    Thế-kỷ XIII - Bia chùa Tháp-miếu, huyện Yên-lãng, tỉnh Vĩnh-phú, đề đầu năm 1210 đời Lý Cao-tông (trị vì 1176-1210), theo cụ Ðào Duy Anh, “là chứng tích xưa có nhiều chữ Nôm hơn nữa,” khoảng 13 chữ chắc chắn là Nôm (như “bơi, đồng, đường, dậu, chài, nhe, chạy, phướn, thằng, phao v.v.”) chưa kể những chữ là Hán nhưng dùng theo ngữ-pháp Việt.  (Chữ Nôm: Nguồn gốc, cấu tạo, diễn biến, Hà-nội, 1975, trang 14-18)

    Sau đó, cụ Ðào đưa ra một số tác-phẩm Nôm từ đời Trần (1225-1400), nghĩa là chắc chắn có trước sách Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa là cuốn sách đầu tiên mà cụ Trần Văn Giáp nhắc đến ở trên:

  • Hai bài của Trần Nhân-tông (trị vì 1279-1293), gồm một bài phú (“Cư trần lạc đạo phú”) và một bài ca “Ðắc thú lâm tuyền thành đạo.”
  • Một bài phú “Vịnh Hoa-yên-tự” củaTrúc Lâm đệ tam tổ Huyền Quang (1254-1334).  (Nhân nói đến nhà thơ và thiền-sư Huyền Quang, tưởng cũng nên nhắc là nàng Ðiểm Bích có bài thơ Nôm ghẹo ông còn lại đến ngày nay.  Xem TV Giáp 2002, trang 63.)
  • Một bài phú trạng-nguyên Mạc Ðĩnh Chi (1280-1350) chết vào âm-phủ bảy ngày, thấy Ðịa-ngục rồi sống lại, làm để dạy con.  (Bốn bài trên đây được chép trong sách cũ Thiền-tông bổn-hạnh).

    Từ năm 1941, cụ Hoàng Xuân Hãn đã công-bố trong Khai trí tiến đức tập san số 2 và 3 mấy bài thơ Nôm đời Hậu-Trần được gom trong Nghĩa-sĩ-truyện: một bài của vua Trùng Quang (1409-1413) tặng Nguyễn Biểu khi lĩnh mạng đi sứ, bài họa lại và sau đó là bài thơ bữa tiệc “Ðầu người” của Nguyễn Biểu khi bị giặc làm áp-lực, bài tế Nguyễn Biểu của vua Trùng Quang và bài tụng chí-khí của Nguyễn Biểu do sư chùa Yên-quốc làm ra.

    Cũng khoảng Hậu-Trần Lê-sơ, ta còn có một tác-phẩm rất quý-giá do G.S. Tạ Trọng Hiệp ở Pháp tìm ra, sau có tặng Viện Hán-Nôm ở Hà-nội một phiên-bản, đó là cuốn nhan-đề Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh (Xem bài của Nguyễn Ngọc San trong Ngôn ngữ số 3 năm 1982, trang 34-41.  G.S. Lê Hữu Mục ở Canada cũng đã đọc kinh này, cho rằng Nguyễn Trãi có thể là tác-giả cuốn kinh mà ông dịch thành “Kinh Cả Blả Ơn Áng Ná Cực Nặng.”  Xem Quê Mẹ, Paris, từ số 134 trở đi)

    .Sang đến thời Lê-sơ thì hiển-nhiên, ta có Quốc-âm thi-tập của Nguyễn Trãi (1380-1442) gồm hơn 250 bài thơ Nôm.  Cuối thế-kỷ, ta có thơ Nôm Hồng-đức quốc-âm thi-tập (thời Lê Thánh-tông, trị vì 1460-1497) và thế-kỷ sau ta có Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) với những lời sấm ký bằng chữ Nôm và Bạch-vân-am quốc-âm thi-tập.  Sau Nguyễn Trãi và trước Nguyễn Bỉnh Khiêm, ta còn có Vũ Quỳnh hiệu-đính và Kiều Phú san-định sách Lĩnh-nam chích-quái của Trần Thế Pháp (không rõ thời nào), trong đó truyện “Hà Ô Lôi” cũng có mấy bài thơ Nôm.

    Tóm lại, văn thơ Nôm trước thế-kỷ XVII mà còn truyền đến ngày nay “trong văn-bản đàng-hoàng” cũng không phải là hiếm.  Ta chỉ cần khai thác khoảng gần 1000 những bài này, đa-số là thơ nhưng cũng có một cuốn kinh, dăm bài phú và một số văn bia, là ta có được một khái-niệm rất rõ ràng về chữ Nôm (và tiếng Nôm) cổ trước từ-điển Alexandre de Rhodes và Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa.

    2.  Ðịnh tuổi chữ Nôm từ cách đọc Hán-Việt

    Chữ Nôm, để viết được đầy đủ tất cả lời nói của người Việt xưa, hiển-nhiên không thể chỉ gồm toàn những chữ thuần-Nôm (nghĩa là gốc không phải mượn từ chữ Hán).  Trong tiếng nói hàng ngày thời Nguyễn Trãi, chẳng hạn, cũng như trong tiếng nói của chúng ta ngày hôm nay, thế nào cũng có pha trộn, không ít thì nhiều, chữ Hán mà đã được Việt-hóa, chữ mà sau này ta gọi là Hán-Việt.  Vì cách viết, cách cấu tạo chữ Nôm, nhất là chữ Nôm ghép loại hình thanh (nghĩa là “một nửa chữ là hình, một nửa chữ là thanh” theo cách mô-tả của Ðào Duy Anh, hoặc cũng có thể định nghĩa là mỗi chữ gồm hai thành-phần: một phần cho nghĩa “một cách tổng-quát” gọi là “nghĩa-phù” và một phần chỉ âm, gọi là “âm-phù”), dựa tất-yếu vào cách đọc của âm chữ Hán mà ta mượn nên khi suy được ra cách đọc Hán-Việt của chữ ta mượn thì ta cũng sẽ dễ dàng đoán ra được cách đọc Nôm.

    Tỷ-dụ, chữ năm trong lịch thì tiếng Hán-Việt là niên.  Số năm trong tiếng Hán-Việt là ngũ.  Ðể cấu-tạo chữ Nôm cho hai chữ năm này trong tiếng Việt, các cụ xưa đã nghĩ ra cách “ghép” âm-phù nam vào với chữ niên để nói lên ý trên và ghép nó vào với chữ ngũ để nói đến số 5.  Cách viết này có cái lợi là ta nhìn vào cách viết, biết liền là hai chữ năm khác nhau, chứ không có thể lẫn lộn chúng như trong trường-hợp chữ Quốc-ngữ.

    Song tiếng Hán-Việt không phải là chỉ có độc một cách đọc qua các giai-đoạn lịch-sử.  Theo một qui-luật về ngữ-âm-học lịch-sử (historical phonetics) thì chữ nam trong tiếng Hán-Việt ngày nay có lúc đã đọc là nôm.  Chính vì vậy mà chữ nôm trong tiếng Nôm, chữ Nôm cũng viết với âm-phù /nam/, chữ nồm trong “gió nồm” cũng vậy: chữ nôm viết /nam/ với bên cạnh là bộ “khẩu” (=miệng nói), tương-đương với cái gọi là “nghĩa-phù”; chữ nồm viết /nam/ với bên trên là bộ “vũ” (=mưa, biểu-hiện cho hiện-tượng thời-tiết).  Nếu ta biết qui-luật ngữ-âm-học lịch-sử nói trên, mà trong tiếng Anh gọi là “vowel shift” (= chuyển-hoán nguyên-âm), thì ta sẽ tính được ra ngay âm “ô” trong /nôm/ có trước âm “a” trong /nam/.  Như vậy, mặc dù ta không biết được đích-xác khi nào thì âm /nôm/ đã chuyển thành /nam/ song ta vẫn có được một thời-biểu tương-đối (relative chronology) để biết là chữ nôm trong tiếng Nôm, chữ Nôm và chữ nồm trong “gió nồm” là có trước hai chữ năm trong tiếng Nôm: hai chữ trên đã dùng cách đọc /nôm/ để ghi làm âm-phù trong khi hai chữ năm thì đã dùng cách đọc /nam/ (đến sau) để ghi làm âm-phù diễn-tả âm na ná là âm /năm/.

    Chính vì tin tưởng là nghiên cứu xong cách đọc Hán-Việt theo dòng lịch-sử, một chuyện mà các nghiên cứu rất đa dạng và tiến-bộ trong ngữ-âm-học lịch-sử Trung-hoa có thể giúp ta tạo dựng lại một cách khá chính-xác, mà một số nhà học-giả ở trong nước đã xoay ra nghiên cứu cách đọc Hán-Việt để định tuổi của một số chữ Nôm.  Về phương-diện này, người có lẽ đóng góp được nhiều nhất là cố-học-giả Nguyễn Tài Cẩn, một nhà ngôn-ngữ-học huấn luyện ở Nga, với cuốn Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán-Việt của ông do nhà xuất bản Khoa học xã hội in ra năm 1979.  Quyển này là khai triển từ những bài của ông viết từ trước như “Cứ liệu ngữ âm lịch sử với vấn đề thời kỳ xuất hiện của chữ Nôm” (Ngôn ngữ 7, tháng 3-1971) và “Một cứ liệu mới về ngữ âm lịch sử: bản Cao thượng Ngọc hoàng bổn hạnh tập kinh âm thích.” (Ngôn ngữ 11, tháng 3-1972).  Ðây là một khảo-hướng mang đầy hứa hẹn nên sau một thời-gian, ông Nguyễn Tài Cẩn đã dám khẳng-định trong sách viết chung với vợ, cũng là một nhà ngôn-ngữ-học lịch-sử người Nga, bà N.V. Xtankêvich là “nhìn chung, hệ thống ngữ âm của cách đọc Hán-Việt phản ánh hệ thống ngữ âm của tiếng Hán khoảng Ðường-Tống,” nghĩa là khoảng thế-kỷ X (Một số vấn đề về chữ Nôm, Hà-nội, 1985, trang 104).  Ðiều này ủng-hộ cho quan-điểm của một số học-giả đi trước: “Theo các nhà Hán ngữ học, lối đọc Hán-Việt của chúng ta ngày nay chính là một lối phát âm bắt nguồn từ cách đọc các chữ Hán trong khoảng Ðường-Tống.  H. Ma-xpê-rô, trong cuốn Khảo sát về ngữ âm lịch sử tiếng Việt, đã phát biểu: “Chính xuất phát từ tiếng Hán thế kỷ thứ 9, thứ 10 mà sản sinh ra tiếng Hán-Việt.”  Giáo sư Vương Lực [ở Trung-quốc], trong Hán ngữ sử luận văn tập, cũng khẳng định: “Ðời Ðường, ở Việt Nam mở trường, bắt học chữ Hán, học được một cách rất có hệ thống...  Tiếng Hán-Việt chính sản sinh ra từ thời kỳ đó.” (như trên, trang 88)

    Vì nghiên cứu về ngữ-âm-học lịch-sử (dựa trên những sách như Thiết-vận, Quảng-vận và Tập-vận của Trung-hoa) đã cho phép ông khẳng-định điều trên nên ông cũng dứt khoát bác bỏ thuyết của Nguyễn Văn San và cụ Trần Văn Giáp: “Thành thử, qua các cứ liệu ngữ âm lịch sử hói trên, dầu muốn dựa vào tài liệu nào, cuối cùng chúng ta cũng phải đi đến một ý nghĩ: khó lòng mà chấp nhận được giả thuyết cho rằng chữ Nôm đã hình thành trước hay ngay từ thời Sĩ Nhiếp (thế kỷ 2 - 3).” (như trên, trang 103-104)

    Tiếp nối cách suy tư và khảo-hướng của Nguyễn Tài Cẩn, ông Lê Văn Quán trong cuốn Nghiên cứu về chữ Nôm (Hà-nội, 1981) có nguyên một chương bàn về “Thời kỳ xuất hiện chữ Nôm” duyệt lại một số giả-thuyết (về âm đầu, về nguyên-âm) cũng đến cùng kết-luận (trang 69):

    Căn cứ vào các tài liệu về ngữ âm lịch sử giữa tiếng Hán và tiếng Việt hay căn cứ vào các cứ liệu lịch sử chúng ta chỉ có thể đi đến nhất trí: Chữ Nôm của chúng ta hiện có, một thứ chữ xây dựng trên chất liệu chữ Hán đọc theo âm Hán-Việt, không thể xuất hiện ở thời Sĩ Nhiếp (tức là cuối thế kỷ thứ II - đầu thế kỷ thứ III).

    Chữ Nôm chỉ xuất hiện khi âm Hán-Việt đã được hình thành ở Việt Nam, lúc nước nhà đang chuyển mình sang thời kỳ độc lập, tự chủ tức là khoảng thế kỷ thứ VIII-IX.

    Tuy nói thế rồi song ông Lê Văn Quán lại cũng công-nhận là có một số trường-hợp mà chữ Nôm của ta lại “giữ dấu vết âm đầu Hán cổ” (trang 109-112) cũng như là có “những vần còn giữ dấu vết âm Việt cổ” (trang 118-124), nghĩa là có thể có từ đời Hán chứ không phải chỉ mới có sau này, thế-kỷ thứ VIII thứ IX mà thôi.  Thành thử về vấn-đề nguồn gốc chữ Nôm, nếu trong nước giờ như có một sự đồng-thuận là nó không thể trở về trước quá thế-kỷ thứ IX (theo Nguyễn Tài Cẩn) hay thế-kỷ thứ VIII (theo Lê Văn Quán), thì thực ra vẫn có một số hiện-tượng chữ Nôm phản ánh một tình-trạng ngữ-âm có trước thế-kỷ VIII.  Do đó nên ta vẫn còn cần phải xét lại sự đồng-thuận trên đây.

    Sách của Lê Văn Quán cũng còn nghiên cứu khá tường-tận một số từ-ngữ ở trong Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa để cho rằng trên cơ-sở một số cứ-liệu mà ông trình bầy (nhất là về tên một số thứ thuốc, chỉ có từ thời Lý Thời-trân bên Tàu (thế-kỷ XVI) với sách Bản thảo cương mục) thì “chúng ta có thể nhất trí rằng: Sách Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa phải xuất hiện sau thế kỷ XVI.” (trang 152)  Bên cạnh đó, ông Quán còn giới-thiệu một cuốn sách thuốc, Thập tam phương gia giảm tương-truyền là của Tuệ Tĩnh (có nguồn tin cho là người đời Trần, có nguồn tin khác lại bảo thuộc đời Lê), mà ông cho là cũng thuộc về thế-kỷ XVII chứ không thể sớm hơn, cũng vì tên của những vị thuốc ghi trong đó là những tên chỉ có từ thế-kỷ XVI ở bên Tàu.  Tuy-nhiên, sách vẫn đủ xưa để cho ta có thể dùng mà nghiên cứu chữ Nôm khoảng thế-kỷ XVII, tương-đương với tiếng Việt phản ánh trong từ-điển Việt-Bồ-La của Alexandre de Rhodes.

    Ðể kết-luận

    Cuốn sách mới in ra ở hải-ngoại của cụ Trần Văn Giáp, ngoài việc làm báo hiếu của G.S. Trần Văn Ðĩnh, tuy có hơi xưa (viết đã trên 30 năm) song vẫn là một đóng góp rất đáng trân trọng và cần có, phải có đối với ai có lòng với tiếng nước nhà và lịch-sử tiếng Việt, lịch-sử chữ Nôm.  Ðây là cuốn sách đầu tiên viết về chữ Nôm mà xuất bản ở hải-ngoại (trừ một cuốn tự-điển chữ Nôm, cuốn Giúp đọc Nôm và Hán-Việt của Linh-mục Trần Văn Kiệm, in ra năm 1998).  Trước đây chỉ có những bài báo hay hay bài khảo-luận, nghiên cứu về chữ Nôm như bài rất giá trị của G.S. Nguyễn Ðình Hòa lược-duyệt tất cả những công-trình nghiên cứu chữ Nôm của miền Nam (như của các cụ Nguyễn Khắc Kham, Bửu Cầm, Trần Kinh-Hòa, tự-điển chữ Nôm của Vũ Văn Kính và Nguyễn Quang Xỹ) cũng như miền Bắc, ở trong nước cũng như ở ngoài nước (không chỉ ở Pháp mà còn ở cả Nhật) trong một tài-liệu viết cẩn trọng do Academia Sinica ở Ðài-loan in ra năm 1990, tập Graphemic Borrowings from Chinese: The Case of Chữ Nôm – Vietnam’s Demotic Script (“Mượn chữ viết từ chữ Hán: Trường-hợp chữ Nôm, chữ viết bình-dân của Việt-nam”).  G.S. Nguyễn Ðình Hòa giờ đã nằm xuống nhưng chắc ông phải hài lòng và mỉm cười nơi chín suối khi biết là cái đam mê nghiên cứu ngôn ngữ và văn-hóa nước nhà của ông vẫn có người tiếp tay và tiếp nối, nhất là trong khung cảnh thật khó khăn (nhìn về mặt nghiên cứu Hán-Nôm) của cuộc sống đa đoan ở hải-ngoại.

 

Sưu Tầm Tài Liệu và Web Design

  Hà Phương Hoài

Hỗ Trợ Kỹ Thuật

Hoàng Vân, Julia Nguyễn

Web Database

Nguyễn Hoàng Dũng
Xin vui lòng liên lạc với  haphuonghoai@gmail.com về tất cả những gì liên quan đến trang web nầy
Copyright © 2003 Trang Ca Dao và Tục Ngữ
Last modified: 10/19/17