Miền Nam và Ca Dao
Vài cảm nghĩ
về tình tự dân tộc
Hòa Đa
Kính Tặng Má,
tặng Hồng, vợ tôi,
người đã ru con bằng ca dao.
Một trong những thiếu sót trong chương trình
học ở Việt Nam từ trước đến nay là sự mất cân
đối trong việc giới thiệu đến học sinh những
dữ kiện về văn học theo sự phân bố về địa dư.
Nói cho rõ hơn, chương trình văn ở bậc trung
học nghiêng nặng về những tác giả tác phẩm ở
ngoài Bắc và đã bỏ quên những sinh hoạt văn
học trong Nam. Không thể chối cãi là ở trung
học, chúng ta học quá nhiều về Tự Lực Văn Đoàn,
về Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam, Hoàng Đạo...
mà không hề nói gì về những tác phẩm của Hồ
Biểu Chánh, Bình Nguyên Lộc...chẳng hạn; chúng
ta học quá nhiều về Nam Phong, Đông Dương tạp
chí, học Nguyễn văn Vĩnh, Phạm Quỳnh... mà
không nhắc gì về Gia Định Báo, Phụ Nữ Tân Văn,
Phan Khôi... Có thể nói, trong mọi lãnh vực về
văn học ở chương trình trung học, miền Nam đã
bị bỏ quên, khiến cho sau bao nhiêu năm, sự
lãnh hội về kiến thức trong chúng ta về văn
học đã bị thiếu sót.
Ca dao miền Nam cũng chịu chung số phận như
thế.
Mặc dù không hề được nhắc đến ở trường học,
nhưng ca dao miền Nam vẫn có sức sống của nó.
Chẳng những thế nó còn được phát triển mạnh và
là một sinh hoạt tiềm tàng trong cuộc sống của
người bình dân, cho dù chúng ta không còn thấy
những màn hò đối đáp trong công việc hàng ngày
ở trên đồng ruộng, sân lúa hay trên sông rạch
như tiểu thuyết đã mô tả. Nó nằm ngay trên cửa
miệng người bình dân, họ đọc ra như một phản
xạ tự nhiên phù hạp với hoàn cảnh đang xảy ra
không chê được.
Chẳng hạn, thấy một chàng trai ở rể bị lợi
dụng, miệng đời đã có câu đàm tiếu:
Công anh làm rể đốn rào
Tào lao phất ngọn, chớ nào vợ anh? (1)
Câu này làm chúng ta nghĩ ngay đến câu tương
tự ở ngoài Bắc:
Công anh làm rể chương đài
Một mình ăn hết mười hai vại cà,
Giếng đâu thì dắt anh ra
Không thì anh chết với cà nhà em.
Hay để trêu chọc sự dan díu ngoài khuôn phép
của gia đình và xã hội của một đôi trai gái,
chúng ta đã có sẵn câu:
Mùng ba thì có trăng non,
Anh đi lên xuống có con anh bồng
Nó cũng nằm ngay trong câu hát ru con của các
mẹ, các chị bình dân, những câu ca dao cứ tuần
tự tuôn ra một cách tự nhiên, không gò ép,
không sửa soạn, cứ hết câu này đến câu khác,
ru trẻ vào giấc ngủ. Nhiều khi họ còn dùng để
diễn tả, kể lể tâm trạng của họ:
- Má ơi đừng gả con xa,
Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu.
- Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắt lẻo gập ghình khó đi
- Giả đò mua khế bán chanh
Giả đi đòi nợ thăm anh đỡ buồn
...
Năm 1970, tôi về làm việc tại một tỉnh nhỏ ở
đồng bằng Cửu Long nên có dịp tiếp xúc với
người bình dân, nông dân. Sau 1975, do chính
sách của chính quyền Việt Nam lúc bấy giờ, tôi
lại có dịp sống hẳn ở nông thôn, gần gũi với
nếp sống bình dị, làm quen với cách ứng xử,
sinh hoạt của họ. Do đó xin nêu lên vài cảm
nhận có tính rất chủ quan về ca dao miền Nam.
Tôi không có tham vọng trình bày về ca dao
miền Nam như một bài khảo cứu, công việc này
xin dành cho những nhà biên khảo hay cho những
công trình luận văn cao học, tiến sĩ. Cũng xin
nói thêm, vì sự thuần nhất (một cách tương đối)
về âm sắc trong cách nói, sự tương đồng về
sinh hoạt, xin được nới rộng yếu tố địa dư
miền Nam ra đến phần đất tam Phan (Phan Rang,
Phan Rí, Phan Thiết) mà do sự phân chia hành
chánh, vùng này được xếp vào Trung phần. Và
cũng xin nhấn mạnh bài viết chỉ nhằm đóng góp,
nêu lên một phần di sản văn hóa bị bỏ quên
trong văn học sử, tuyệt nhiên không có ý phân
biệt địa phương.
I. Vài nét về sự hình thành cư dân Miền Nam
Kể từ sau cuộc hôn nhân Việt -Chiêm giữa Huyền
Trân Công Chúa và Chế Mân , nước Việt chúng ta
có thêm hai châu Ô, châu Rí (Thế kỷ XIV, XV).
Để đối kháng với thế lực thống trị từ phía Bắc,
Việt Nam cần phát triển hậu cứ, lập nền tảng
kinh tế để phát triển tiềm năng kháng cự với
Tàu, nên đã bắt đầu chú ý đến việc phát triển
về địa lý vào phương Nam. Nhưng phải chờ đến
khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hoá (năm
1558) và tuyên xưng là Chúa Nguyễn (năm 1600),
hướng phát triển vào Nam mới được phát triển
một cách có qui củ để tạo thành một thế lực
ngang ngửa với chúa Trịnh ở miền Bắc. Với
chính sách tầm ăn dâu, người Việt cứ bành
trướng dần vào Nam. Những người tiền phong là
những lính thú khai hoang lập ấp, họ là những
người vừa chiến đấu vừa sản xuất. Họ cũng là
những lưu dân từ vùng Thanh Nghệ, tìm đến phần
đất của chúa Nguyễn để sinh sống, người có tài
như Đào Duy Từ, Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Hữu
Cảnh... thì được trọng dụng, người bình dân
thì được đưa vào dần trong Nam theo chân các
tập đoàn quân sự khai hoang lập ấp. Họ cũng là
những tù, hàng binh của Trịnh do Nguyễn bắt
được, đưa sâu vào Nam để dễ bề quản thúc, kiểm
soát... Cũng có những cuộc tình duyên có tính
chính trị nhằm mở rộng lãnh thổ như cuộc tình
duyên của công chúa Ngọc Hoan (hay Ngọc Vạn?)
với vua Miên Chey Chetty dưới thời Chúa Nguyễn
Phúc Nguyên (Chúa Sãi), bà hoàng người Việt
này đã mang theo nhiều người Việt vào sinh
sống ở vùng đất Chân Lạp. Sang thế kỷ XVII,
các di thần nhà Minh không chấp nhận Thanh
Triều đã đem bộ hạ và gia quyến vào xin đầu
phục Chúa Nguyễn, Chúa Hiền cũng cho vào định
cư vùng Đồng Nai, Biên Hòa (Trần Thắng Tài),
Mỹ Tho (Dương Ngạn Địch, TrầnThượng Xuyên) và
sau đó (2) vùng đất Hà Tiên do Mạc Cửu mộ dân
khai thác được dâng cho Chúa Nguyễn.
Khi Gia Long lên ngôi, một trong những chính
sách quan trọng ở miền Nam là ổn định đời sống
về kinh tế, miễn thuế cho cư dân thuộc vùng đã
giúp nhà vua khi còn bôn đào trong thời chiến
tranh với Tây Sơn. Sau Gia Long, Minh Mạng và
Thiệu Trị đã cho phát triển những đơn vị bán
quân sự, cho đào kinh (3) khuyến khích việc mộ
dân lập làng, tiếp tục miễn giảm thuế cho
những vùng vừa khai thác nên dân số ngày càng
đông . Thành phần cư dân hình thành trong vùng
gồm phần đông là binh lính, di dân Việt từ
Thuận-Quảng chuyên làm ruộng ít học, sau đó là
người Miên, sống rải rác trong các sốc (làng
Miên) trên những vùng đất cao ráo và người Hoa
làm rẫy hay buôn bán, tập trung cạnh các con
sông lớn, tạo thành những thị tứ thịnh vượng.
Phát triển của vùng này chỉ được chú trọng vào
quân sự và kinh tế, còn văn hóa chỉ phát triển
có hệ thống về phía tôn giáo ở các miếu, đình,
chùa.
Hơn thế kỷ sau, Pháp xâm chiếm Việt Nam, chiếm
sáu tỉnh Nam Kỳ, miền Nam gần như mất hẳn ảnh
hưởng chính quyền trung ương, văn hóa miền Nam
cũng theo trào lưu đó mà biến đổi. Nền học cũ
bị bãi bỏ, cái học mới chỉ để phục vụ cho chế
độ thực dân. Đại đa số người dân miền Nam
thiếu học, lại mất đi nguồn bổ sung nhân lực
chính là các binh lính từ các phiên trấn thuộc
chính quyền trung ương, sinh hoạt văn hóa
thông thường và dễ dãi của người bình dân là
hát hò với nhau.
Với sự hinh thành về thành phần cư dân cho
vùng đất miền Nam như thế, Sự giao lưu về văn
hóa giữa ba nhóm cư dân nói trên (Việt, Miên,
Hoa) nhất định phải xảy ra và vì vậy, chúng ta
không thể không để ý đến tính đa văn hóa sẽ
phát triển trên vùng đất này và có thể giải
thích được tại sao văn hóa miền Nam không bị
gò bó vào khuôn mẫu và có tính cách thuần nhất
như ở miền Bắc. Người bình dân, lính thú...
thiếu học, đơn giản, sống tương đối rải rác sẽ
khó có thể có những sinh hoạt văn hóa dựa trên
chữ viết, sân khấu... mà sinh hoạt truyền
miệng, phóng khoáng hơn, dễ dãi hơn được phát
tirển mạnh. Có điều nhận xét khá lý thú là âm
sắc trong ngôn ngữ càng vào sâu trong Nam càng
nhẹ dần, nhưng vốn từ vựng từ phía nam Hải Vân
vẫn còn được duy trì thống nhất và được phát
triển thêm, làm giàu thêm trong suốt chiều dài
phát triển lãnh thổ về phía nam (4) . Tinh
thần văn hóa ở phần đất này có những độc đáo,
tự nhiên, bình dị và đôi khi đi đến sỗ sàng,
trong khi tinh thần văn hóa ở phần đất thuộc
Đàng Ngoài (thuộc chúa Trịnh) đã đạt đến mức
tinh luyện, khuôn mẫu, nghiêm túc.
Người dân miền Nam chịu ảnh hưởng của luồng
văn hóa có tính bình dân của các văn nhân theo
vào với Chúa Nguyễn trong giai đoạn đầu đan
kết với những luồng văn hóa của Khmer, Hoa,
Pháp, cộng với điều kiện sinh hoạt dễ dàng,
đất rộng người thưa, sông sâu nước chảy, tài
nguyên thiên nhiên thừa thải. Họ sống bình dị,
không muốn bó mình trong những khuôn mẫu có
sẵn là điều dễ hiểu. Có khi do điều kiện sinh
hoạt riêng rẽ (trong giai đoạn đầu tiên không
phải ở làng xã nào cũng có những bậc túc nho
hay người biết chữ), nên sự tùy tiện trong
giải thích hay trong sinh hoạt văn hóa làm nảy
sinh tính dễ dãi, uyển chuyển, sao cũng được,
miễn là mọi người vui và hạnh phúc là được rồi.
Hơn nữa, đối với những con người tiền phong,
sau những lúc phấn đấu với thiên nhiên còn
mang tính hoang dã:
Xứ đâu có xứ lạ lùng
Con chim kêu cũng sợ, con cá vùng cũng kinh
hay
Cà Mau khỉ khọt trên bưng
Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um
thì trong những lúc có dịp ngồi lại với nhau
như sau vụ mùa, buổi chợ, trong những dịp ma
chay cưới hỏi, cất nhà... người bình dân còn
có nhu cầu giải trí nào khác ngoài những dạng
nói thơ, kể chuyện tiếu lâm, hát, hò....? Họ
không có khả năng ngâm vịnh, sáng tác.
Ca dao miền Nam đã phát triển trong chiều
hướng đó. Chính yếu tố bình dị, nghĩ sao nói
vậy, mộc mạc, dễ hiểu đã làm cho ca dao miền
Nam có sức sống rất mạnh, được quần chúng chấp
nhận dễ dàng và do đó làm ảnh hưởng đến sự
sinh hoạt và tư tưởng của quần chúng:
- Hủ qua (khổ qua) xanh, hủ qua trắng
Hủ qua mắc nắng hủ qua đèo
Thương em, thì anh làm giấy giao kèo
Lăn tay điểm chỉ mới thiệt con mèo của em
- Thấy em gò má hồng hồng
Phải chi em đừng mắc cỡ, anh bồng anh hun
thật khó tìm thấy những câu tương tự như vậy ở
ca dao miền Bắc.
II. Vài tính chất có tính đặc trưng
Ca dao, ở đâu cũng vậy, là sản phẩm của quần
chúng. Chúng ta không biết tác giả hay hoàn
cảnh sáng tác, nhưng chúng ta biết chắc một
điều: ca dao được người bình dân biết đến, sử
dụng và truyền bá. Không có quần chúng, ca dao
nói riêng, văn chương bình dân nói chung không
thể phát triển và lưu truyền. Qua ca dao,
chúng ta có thể mường tượng được nếp sinh hoạt,
hoàn cảnh sống và phần nào tâm tư của người
bình dân. Do vậy, tuy ca dao có những cái
chung nhưng cũng có những cái riêng của vùng.
Chúng ta khó có thể tưởng tượng được ca dao
miền Nam lại có những câu nói về núi cao, ao
cá:
- Núi cao chi lắm núi ơi,
Che khuất mặt trời, không thấy người yêu.
- Tiếc công anh đào ao nuôi cá,
Năm bảy tháng trời, người lạ tới câu.
dù trên thực tế, không phải người dân miền Nam
không biết núi, biết ao.
Chúng ta thử lược qua những tính chất đặc sắc
của ca dao miền Nam.
1/ Tính uyển chuyển.
Một trong những nét dễ nhận thấy là người miền
Nam không chịu bó trong những khuôn mẫu có sẵn,
có lẽ do cuộc sống quá được ưu đãi từ thiên
nhiên hào phóng, con người cũng trở nên phóng
khoáng. Từ một câu có tính nhận xét trong đời
sống hàng ngày, mà chúng ta thấy ở đâu cũng
đúng:
Chiều chiều quạ nói với diều
Tìm nơi đống trấu có nhiều gà con
vào đến miền Nam chúng ta nghe thấy nó biến
thể thành:
Chiều chiều quạ nói với diều
Cù Lao Ông Chưởng (5) có nhiều cá tôm
Người miền Nam có thể chuyển nhóm chữ "Cù Lao
Ông Chưởng" thành một nhóm chữ nào đó thích
hợp với địa danh họ đang sống, họ chẳng hề bị
bó buộc phải rập khuôn theo câu ca có sẵn.
Vùng Ô Môn, Bình Thủy (Cần thơ) cũng có câu
tương tự, chỉ đổi bốn chữ cù lao Ông Chưởng
bằng bốn chữ Ô Môn Bình Thủy. Chúng ta có thể
tìm thấy dạng này khắp nơi ở miền Nam, lâu dần
chúng ta không còn biết câu nào là nguyên bản,
câu nào là sao chép. Ở vùng Cao Lãnh, Đồng
Tháp Mười chúng ta có câu:
Nước chảy Láng Linh, chảy ra Vàm Cú
Thấy dáng em chèo, cặp vú muốn hun
Nhưng vùng Trà Cú (Vĩnh Long - Vĩnh Bình), ta
lại nghe:
Nước chảy sông xa, chảy qua Trà Cú
Thấy dáng em chèo, cặp vú muốn hun
Một câu khác mà chúng ta ai cũng biết:
Nam Vang đi dễ khó về,
Trai đi có vợ, gái về có con
để chỉ Nam Vang là xứ ở xa, rất xa, đi lại
không tiện, ai đi Nam Vang (nghĩa là qua Miên)
làm ăn thì thường lập gia đình luôn ở bên ấy.
Ở miền Nam, chúng ta nghe không thiếu gì câu
hát trên, chì đổi chữ Nam Vang thành Long
Xuyên, Cần Thơ, Gò Công... và nghe những câu
ấy, chúng ta cảm được cái tình ấm áp của người
địa phương làm cho kẻ lãng du phải dừng chân:
Tới đây thì ở lại đây,
Chừng nào bén rễ xanh cây rồi về
Thật ra. tính uyển chuyển vừa nêu không phải
là một đặc thù của ca dao miền Nam, nhưng ở
miền Bắc và miền Trung, những dị bản của những
câu ca dao ít tìm thấy hơn ở trong Nam. Một
trong những câu điển hình là câu:
Gió đưa cành trúc la đà
Hồi chuông Trấn Quốc, canh gà Thọ Xương
ở ngoài Bắc, vào đến Huế biến thành:
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương.
Cũng vì tính chất này mà ở miền Nam, chúng ta
thấy ca dao thường ở dạng lục bát biến thể
nhiều hơn. Số chữ trong mỗi câu hoàn toàn tùy
thuộc vào cách nói, không bị gò cho đủ 6 hay 8
chữ, miễn sao diễn tả đủ ý muốn nói và có vần
điệu dễ đọc, dễ nhớ. Phải chăng tính thực tiển
và phóng khoáng của người dân Nam bộ đã làm
cho sự uyển chuyển dễ xảy ra hơn? Nhân đây,
xin nói thêm về tính uyển chuyển đó: ở trong
Nam: Ai đã từng sống ở nông thôn vùng Cửu Long
đều biết, khi cúng dựng nhà người nông dân
miền Nam thường bày dĩa trái cây trên bàn thờ
theo công thức: dừa, đu đủ, xoài; hay mãng cầu,
dừa, đu đủ, xoài biểu thị lòng mơ ước của họ:
vừa đủ xài hay cầu vừa đủ xài, họ không bao
giờ cúng chuối, dù trên bàn thờ của gia đình
vào ngày Tết, cho rằng như vậy là chúi nhủi,
khác với cư dân từ Nha Trang vào đến Xuân Lộc
luôn có chuối trên bàn thờ, bất luận dịp nào-
Đó là do cách phát âm trong Nam không phân
biệt dừa và vừa, xoài và xài, chuối và chúi. Ở
đồng bằng Nam Bộ người ta chỉ bày chuối trên
bàn thờ Phật. Cũng do sự dễ dãi trong phát âm,
không chàng trai gốc ngoài Bắc hay Trung nào,
lần đầu tiên khi vào miền Nam (đặc biệt miệt
vườn Cửu Long) không hết hồn khi gặp mấy cô
gái ruộng tay cầm vòng hái (lưỡi hái) chấp lại
kính cẩn chào xin vái thầy hay bị chới với khi
cô gái vườn niềm nở mời hôm nào "quởn" ( hưởn),
mời anh vô vườn em chơi. Xin nhắc lại là người
miền Nam không phân biệt được âm v và âm d, gi
.
2/ Tính cường điệu:
Người bình dân miền Nam nói riêng, và cả nước
nói chung ít học, nhưng ở miền Nam, người bình
dân lại thường ra vẻ "ta đây" hay chứng tỏ
mình ngon lành, thích nói chữ như muốn chứng
tỏ mình là người hay chữ, đôi khi không trúng
trật vào dâu
- Bước vô trường án, vỗ ván cái rầm
Bủa xua (6) ông Tham biện, chớ bạc tiền ông để
ở đâu?
- Cách một khúc sông, kêu bằng cách thủy (?)
Chợ Sài Gòn xa, chợ Mỹ cũng xa (7) ...
Chính vì tính hay phô trương không đúng chỗ,
nên chúng ta đừng chờ đợi ở ca dao miền Nam
những cách sử dụng đúng từ ngữ, diễn tả đúng
cách, đúng chỗ. Cái mà chúng ta thường gặp ở
đó là những cách nói vô nghĩa, cốt chỉ có vần,
có điệu; nhất là trong các câu hò, chúng ta
thấy hình như họ cố ý kéo dài câu hò, nói lan
man, cốt để tranh thủ thời gian tìm ý. Họ
thường ưa nói quanh co, không đi ngay vào đề
tài chính, mà đôi khi lối quanh co này chẳng
dính dáng gì đền việc họ muốn nói. Muốn trêu
chọc một cô gái, chàng trai nói lan man:
Đầu giồng có bụi chuối
Cuối giồng có cây đa
Ngã ba đường cái có cây tơ hồng
Con gái chưa chồng, cái lòng hực hở,
Con trai chưa vợ, ruột thắt tầm canh
để cuối cùng mới nói :
Ngó lên mây trắng trời xanh,
Ưng đâu cũng vậy, ưng anh cho rồi
hay cô gái muốn từ chối nhẹ nhàng lời tỏ tình
của chàng trai vì còn phải lo phụng dưỡng cha
mẹ già (không chừng đó chỉ là cái cớ nêu ra để
từ chối), cô không nói thẳng vào vấn đề, mà xa
xôi bóng gió trước:
Đèn nào cao cho bằng đèn Châu Đốc
Gió nào độc cho bằng gió Nam Vang
Một tiếng anh than, hai hàng lụy nhỏ
Có chút mẹ già, biết bỏ ai nuôi ?
Ta thấy ngay, tính chất này khác hẳn với cách
nói có tính cách khuôn mẫu ở ngoài Bắc, người
dân miền Bắc thường nghiêm túc hơn, trữ tình
một cách khách sáo hơn, mang ít nhiều tính
nghệ thuật hơn, và thường "đi thẳng" vào vấn
đề hơn:
Trèo lên cây bưởi hái hoa,
Bước xuống vườn cà, hái nụ tầm xuân
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc,
Em có chồng rồi, anh tiếc lắm thay...
hay khen tặng vẻ đẹp của cô gái một cách kín
đáo trong:
...Xây dọc rồi lại xây ngang
Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân
Có rửa thì rửa chân tay,
Đừng rửa lông mày chết cá ao anh
Kiểu nói dông dài này gặp rất thường trong ca
dao miền Nam, nơi mà con người thường ồn ào
chứng tỏ sự "thông thái" của mình một cách rất
dễ dãi, mà cũng rất dễ thương
Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ
Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu
Anh về học lấy chữ nhu
Chín trăng em đợi, mười thu em chờ
hay:
Tàu xúp lê một, còn thương còn nhớ
Tàu xúp lê hai, còn đợi còn chờ
Tàu xúp lê ba, tàu ra biển Bắc,
Tay vịn song sắt, nước mắt ròng ròng
Thương em từ thủa mẹ bồng
Bây giờ em lớn, em lấy chồng bỏ anh!
3/ Tính trữ tình
Trữ tình vốn là một thuộc tính của tình nam
nữ, cho dù ở phần nào của đất nước, người bình
dân diễn tả tình cảm của mình một cách rất nhẹ
nhàng, thoải mái. Quả thật, kho tàng văn
chương bình dân cho ta vô vàn những câu tỏ
tình bóng gió có, lộ liễu có, và rất đậm tình
quê hương. Miền Nam cũng không ra khỏi thông
lệ đó. Ca dao miền Nam dùng để tỏ tình có
nhiều như bất cứ vùng nào của đất nước. Ta có
thể đơn cử vài câu:
-Rồng chầu ngoài Huế,
Ngựa tế Đồng Nai,
Nước sông trong chảy lộn sông ngoài,
Thương người xa xứ lạc loài tới đây.
-Thò tay anh ngắt ngọn ngò
Thương em đứt ruột, giả đò ngó lơ
- Mù u bông trắng, lá thắm, nhị (nhụy) vàng,
Anh đi khắp xứ, tới đây mới gặp nàng thiệt dễ
thương
- Mẹ mong gả thiếp về vườn,
Ăn bông bí luộc dưa hường nấu canh
Thương anh cũng muốn theo anh
Ngặt cha với mẹ không đành thì sao?
Cũng như các phần khác của đất nước, ca dao
miền Nam thể hiện rõ nét phong cảnh, sinh
hoạt, đồng ruộng màu mỡ, sông rạch của miền
Nam. Đời sống tình cảm của người dân cũng trải
rộng với thiên nhiên, sông nước:
-Bớ chiếc ghe sau, chèo mau anh đợi
Qua khỏi chỗ này lùm bụi tối tăm.
- Cầu cao ván yếu,
Con ngựa nhỏ xíu nó kiệu tứ linh
Em đi đâu tăm tối một mình
Hay là em có tư tình với ai?
- Tàu Nam Vang chạy ngang cồn cát,
Xuồng câu tôm bơi sát mé nga
Thấy em cha yếu mẹ già
Muốn vô hoạn dưỡng biết là được chăng
-Mười giờ xe lửa nhỏ bỏ chợ Bến Thành,
Xúp lê kia dạo thổi, bộ hành xôn xao.
Đối với những tình cảm nhẹ nhàng khác, tình
gia đình chẳng hạn, cách diễn tả ở miền Nam
cũng đơn giản và thực tế hơn:
- Râu tôm nấu với ruột bầu,
Chồng chan, vợ húp gật đầu khen ngon
- Chim quyên ăn trái nhãn lồng
Thia thia quen chậu, vợ chồng quen hơi.
- Sông dài cá lội biệt tăm
Phải duyên chồng vợ, mấy năm cũng chờ
khác hẳn với tính sâu sắc, nên thơ như ở miền
Bắc:
Hôm qua ra đứng bờ ao
Trông cá, cá lặn, trông sao, sao mờ...
...Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn
Tào khê nước chảy vẫn còn trơ trơ.
hay thâm trầm như ở miền Trung.
Chồng chài, vợ lưới, con câu
Sông Ngô, bể Sở, biết đâu bến bờ?
Khi nên tay kiếm tay cờ
Không nên thì cũng chẳng nhờ cậy ai
Qua ca dao chúng ta có thể tìm thấy nhiều từ
rất thông dụng ở miền Nam. Đây là nguồn tài
liệu quan trọng cho những ai muốn khảo cứu về
ngữ âm miền Nam:
- Nước rong (8) nước chảy tràn đồng
Tơ duyên có đó, chỉ hồng chưa xe
- Nước ròng bỏ bãi xa cừ
Mặt em có thẹo, anh trừ đôi bông
- Bậu nói với qua bậu không hái mận bẻ đào
Chớ mận đâu bậu bọc, đào nào bậu cầm tay.
- Mưa lâm thâm, ướt dầm bông sói
Bậu đi lấy chồng, sao không nói anh hay?
...
4/ Tính chớt nhả, cắt cớ:
Tính phóng khoáng trong cuộc sống ở miền Nam
thể hiện rất rõ nét trong ca dao miền Nam,
tính chất này còn được đẩy xa hơn, trở thành
chớt nhả. Hơn đâu hết, chính miền Nam là nơi
người ta tìm thấy dễ dàng sự cắt cớ, sống
sượng đến độ bất ngờ khiến người trong cuộc
(dù có học) chưa chắc thoát ra được. Cô gái
đang làm việc dưới ruộng, mình mẩy dầy bùn
sình, hỏi chàng trai đang ở trên bờ:
Hai tay em cắm xuống bùn
Mình mẩy lấm hết, chớ anh hun chỗ nào?
chàng trai trả lời tỉnh bơ:
Cầu trời đổ trận mưa rào
Bùn sình trôi hết, chỗ nào anh cũng hun!
Chàng trai, muốn đặt cô gái vào tình trạng khó
xử, sống sượng yêu cầu
Đôi mình mới gặp ngày nay
Cho hun một cái em Hai đừng phiền
chàng trai đắc ý, tưởng sẽ nhận được ở cô gái
sự e thẹn, hay lời rủa sả hay một cái bộp tai;
không dè cô gái không phải tay vừa, đốp chát
liền:
Ừ, muốn hun thì hun cho liền
Đừng làm thố lộ xóm giềng cười em
trong trường hợp nếu bạn là chàng trai đó bạn
làm sao? không biết bây giờ ai là người bị
lúng túng, ở đây chàng trai chẳng những không
lúng túng mà còn liều lĩnh sống sượng hơn, lỡ
rồi đành tới luôn:
Tui hun mình dẫu có la làng
Thì tui ra đó hai đàng chịu chung
Tui hun mình dẫu có làm hung
Nhơn cùng tắc biến, tui chun xuống sàn (9)
Về tính cắt cớ, muốn đặt đối phương vào trong
những tình huống khó tháo gỡ, chúng ta thường
gặp trong những câu hò đố. Nếu ở ngoài Bắc
những câu hát đố luôn có tính nghiêm trang, có
tính "bác học" đến độ chúng ta phải đặt dấu
hỏi liệu đó có phải là sản phẩm của lớp bình
dân ít học? xin đơn cử:
...Chùa nào mà lại có hang
Ở đâu lắm gỗ thời chàng biết không?
Ai mà xin được túi đồng
Ở đâu lại có con sông ngân hà
Nước nào dệt gấm thêu hoa...
...Chùa Hương Tích mà lại có hang
Trên rừng lắm gỗ thời nàng biết không?
Ông Nguyễn Minh Không xin được túi đồng
Trên trời lại có con sông ngân hà
Nước Tàu dệt gấm thêu hoa...
hay những câu hát đố đẹp và hay như một bài
thơ:
Đố ai biết lúa mấy cây
Biết sông mấy khúc, biết mây mấy từng
Đố ai quét sạch lá rừng
Để tôi khuyên gió, gió đừng rung cây...
ở miền Trung, chúng ta có câu:
Đố anh con rít mấy chưn
Cầu Ô mấy nhịp, chợ Dinh mấy người (10)
thì ở miền Nam, chúng ta khó tìm thấy những
câu hò, câu hát đố có tính trữ tình như thế,
nhưng chúng ta lại tim thây khá nhiều những
câu có tính buộc thắt, khiến đối phương phải
rất nhanh trí để thoát khỏi thế bí, và như
chúng ta sẽ thấy, họ "thoát hiểm" rất dễ dàng
và gài lại đối phương. Những câu sau đây sưu
tập được từ Vĩnh Long (11)
-Thấy anh ăn học có thi
Em đây xin hỏi con chi không đầu
Sao em lại hỏi cơ cầu
Thượng cầm hạ thú, không đầu là con cua
- Thấy anh theo dõi bút nghiên
Em đây xin hỏi, trời nghiêng bên nào
Anh từng đọc sách bên Tàu
Đất nghiêng thì có, trời nào đâu nghiêng
- Thấy anh ăn học lảu thông
Em đây xin đố, khăn lông có mấy đường
Em về đếm hết cỏ vườn
Lại đây anh nói mấy đường khăn lông
- Thấy anh ăn nói có tài
Em đây xin đố cây xoài có mấy bông
Em về đếm cá dưới sông
Lại đây anh nói mấy bông cây xoài.
Những câu trên có cùng một dạng thức, điều đó
chứng tỏ có thể từ một người làm ra, nhưng
trong một đám cưới ở một vùng nông thôn
thuộcVĩnh Long, trong đêm nhóm họ ở nhà cô
dâu, chính người viết đã nghe ít nhất có hai
câu đố trên, tất nhiên không thấy có câu trả
lời thích đáng từ đối phương. Cũng có những
câu đố mắc mỏ, không mong gì tìm được câu trả
lời xác đáng:
Đố ai kiếm được
Cái vảy con cá trê vàng,
Lá gan con tép bạc
Mấy ngàn em cũng mua.
chỉ còn nước trả lời theo kiểu huề vốn:
Kiếm đâu cho được
Cái vảy con cá trê vàng,
Lá gan con tép bạc
Để nàng chịu mua?
III. Vài cảm nghĩ
Trong những phần trên, chúng ta đã lượt qua
một vài đặc sắc của ca dao miền Nam. Trong
khuôn khổ của bài báo, người viết không thể
trình bày hết những nét đặc thù của ca dao
miền Nam nói riêng cũng như những dạng văn
chương truyền khẩu khác như hò, vè... nói
chung. Điều đáng nói là văn hóa miền Nam chưa
có chỗ đứng dúng đắn trong văn học sử của Việt
Nam, cũng chưa được đề cập một cách đầy đủ
trong chương trình học ngày trước (và cả ngay
bây giờ). Chúng ta có thể có nhiều cách giải
thích. (1) Có lẽ do người viết chương trình
của bộ giáo dục trong những năm đầu chuyển
tiếp từ chương trình Pháp sang chương trình
Việt (và cả những vị về sau, trong các chương
trình cải tổ) không có tài liệu nhiều về văn
học trong Nam; hay (2) người viết chương trình
không biết gì về văn học trong Nam; hay (3)
người viết chương trình cho rằng văn học trong
Nam quá nôm na, không có vẻ "bác học"; hay (4)
đơn giản hơn hết là văn học trong Nam chưa có
đủ chiều dài về thời gian để có chỗ đứng trong
văn học sử... Dù vì bất cứ nguyên nhân nào,
chúng ta đã không dành một chỗ đứng thích đáng
cho văn học trong Nam. Chúng ta đã bỏ quên
tính đại chúng trong giáo dục, phần nào, chúng
ta đã tự tách rời người có học với quần chúng;
và quần chúng này, tuyệt đại đa số là những
người có rất ít những liên hệ văn hóa với
những phần đã được dạy ở nhà trường. Làm thế
nào đại đa số quần chúng ở miền Nam ấy có thể
hiểu và thông cảm với những gì mà chính họ,
hay con cái của họ đã nhận được từ trường, khi
những điều đó không thấy được thể hiện quanh
họ? - Mặc dù không thể không nói đến những
đóng góp về văn học Việt Nam do những nhà văn,
nhà báo tiền phong (mà hầu hết đều xuất thân
từ phân nữa trên của đất nước), nhưng sự mất
cân đối trong chương trình học đã làm học sinh
trở thành xa lạ với môi trường họ đang sống,
trở thành vong thân với chính xã hội của họ.
Ngày nay, phần nào văn chương bình dân của
miền Nam đã đi vào đời sống qua các bài hát
dựa vào các điệu lý, điệu hò. Nếu cách đây ít
lâu, ngoại trừ lãnh vực cải lương, cổ nhạc Nam
phần, ca sĩ dù người miền Nam, trình bày những
bài hát về miền Nam cũng ráng tập phát âm bằng
giọng Bắc, càng chuẩn càng tốt, không dám hát
bằng giọng Nam sợ bị chê là quê mùa, thì bây
giờ nhạc sĩ, ca sĩ (có cả người gốc ngoài Bắc)
dùng hẳn giọng Nam để sáng tác, để hát, không
có cái "mặc cảm" quê mùa như trước. Thử tưởng
tượng Phi Nhung hát bài Lý con Sáo Bạc Liêu
(Phan Ni Tấn) bằng giọng Bắc thì nó ra làm
sao? Còn những bài khác nữa: Tiếng Hát Chim Đa
Đa (Võ Đông Điền), Bài Tình Ca Đất phương Nam
(Lư nhất Vũ - Lê Giang), Chiếc Áo Bà Ba (Trần
Thiện Thanh), Còn Thương rau đắng mọc sau hè
(Bắc Sơn), Điệu Buồn Phương Nam (Vũ Đức Sao
Biển)... làm thế nào để ca sĩ diễn tả tính Nam
bộ trong các bài hát đó bằng giọng Bắc. Cũng
vậy, ngày xưa lúc ban Hợp Ca Thăng Long hát
bài Tiếng Sông Cửu Long (trong trường ca Hội
Trùng Dương), nghe Thái Thanh ngâm:
Chẻ tre bện sáo cho dày
Ngăn ngang sông Mỹ, có ngày gặp em
hay thì có hay, nhưng thấy nó vẫn là lạ.
Cũng nhân đây, xin nói thêm về cái thiếu hiểu
biết về miền Nam, hay coi nhẹ tinh thần Nam
bộ, mà các tác giả về mọi lãnh vực đã không
đặt nặng việc sử dụng đúng ngôn ngữ trong Nam
cho các công việc của họ. Trong Việt Nam Sử
Lược, khi nói về Chưởng Cơ Nguyễn Hữu Cảnh, sử
gia Trần Trọng Kim chỉ dùng Nguyễn Hữu Kính,
người dân miền Nam không thể nhận ra đó là vị
Chưởng Cơ đã có rất nhiều công trong việc xây
dựng và bảo vệ phần đất này trong giai đoạn
đầu. Cũng vậy, khi Phạm Duy viết đến miền Nam
(trong Con Đường Cái Quan) đã dùng:
Giả ơn cái cối cái chày
Đêm khuya giả gạo có mày có tao
Giả ơn cái nhịp cầu ao
Đêm khuya vo gạo, có tao có mày
Không ai có ý kiến gì về lãnh vực âm nhạc mà
nhạc sĩ Phạm Duy đã là bậc thầy, nhưng cách
dùng chữ, rõ ràng là ông vẫn còn ảnh hưởng
miền Bắc nên không dùng đúng những chữ mà
người miền Nam đã dùng. Nghe nó ngọng nghịu và
làm giảm ít nhiều giá trị đích thực của bài
hát. Người miền Nam không ai nói "giả ơn" mà
nói "trả ơn" hay "cám ơn". Chúng ta cũng có
thể bỏ qua vì cứ xem người "lữ khách" của Phạm
Duy chỉ mới vừa vào miền Nam, chưa đổi được
thói quen của mình; nhưng "cầu ao" để vo gạo
thì không có. Ở miền Nam chỉ có "cầu nước, cầu
nhủi", đơn giản vì miền Nam không có ao (trừ
ao Bà Om của Người Miên ở Trà Vinh, một địa
điểm để du ngoạn, cắm trại), miền Nam chỉ có
hồ, đìa, đầm, vũng, giếng...
Chúng ta phải chấp nhận tính đơn giản mộc
mạc... của miền Nam như là một đặc thù của văn
chương ở vùng đất non trẻ này của đât nước,
chúng ta không có mặc cảm gì về sự nôm na,
chất phác của lớp người bình dân ấy. Trả lại
cho văn chương và văn hóa miền Nam chỗ đứng
đúng đắn trong văn học sử là việc nên làm,
phải làm. Công việc đó qui mô và cần công sức
của nhiều học giả, nhà nghiên cứu, của nhiều
người. Bài viết này xin được là một đóng góp
nhỏ cho công việc to lớn ấy.
Tài liệu Tham Khảo:
1. Việt Nam Sử Lược (Quyển II) - Trần Trọng
Kim -Trung Tâm học Liệu xb 1971
2. Việt Sử Tân Biên (Quyển 3) - Phạm văn Sơn -
Cơ sở xuất bản Đại Nam (in lại)
3. Đồng Bằng Sông Cửu Long hay là Văn Minh
Miệt Vườn - Sơn Nam - Nhà xuất bản Xuân Thu
(in lại)
4. Lịch Sử Khẩn Hoang Miền Nam - Sơn Nam - Nhà
xuất bản Xuân Thu (in lại)
5. Tiến Trình Văn Nghệ Miền Nam - Nguyễn Q.
Thắng - Văn Hiến xb 1994
6. Sưu tầm Ca Dao Đồng Bằng Cửu Long - Tài
liệu in roneo, trung học Tống Phước Hiệp -
Vĩnh Long.
Chú thich
(1) - Trong toàn bài, những câu in nghiêng,
theo thiển ý của người viết,là những câu trong
miền Nam.
(2) - Năm 1708, đời Nguyễn Phúc Chu
(3) - Kinh Vĩnh Tế, Kinh Thoại Hà (Kinh Núi
Sập) do Thoại Ngọc Hầu đốc xuất dân binh đào.
(4) - Trong chuyện Sãi Vãi của Nguyễn Cư Trinh
(1716-1767) ta thấy còn rất nhiều từ không có
ở ngoài Bắc, nhưng lại vẫn còn dùng trên cửa
miệng của dân miền Nam như dươn (duyên), làm
riết, tu hoài tu huỷ, cho xuê, hây hây, ấm
cật, bậu, xinh ghê...
(5) - Tức Chưởng Cơ Nguyễn Hữu Cảnh, cù lao
thuộc huyện Chợ Mới - Long Xuyên, An Giang,
(6) - Phiên âm chữ "bonjour" (tiếng Pháp)
(7) - Cũng có chỗ đọc: Cúc mọc dưới sông, kêu
bằng cúc thủy
Chợ Sài gòn xa, chợ Mỹ cũng xa...
không biết có loại cúc nào mà mọc dưới sông?
(8) - Nước rong: nước lớn do thủy triều cao,
nước từ sông không đổ ra biển được, chảy vào
rạch, đồng ruộng; khác với nước ròng do thủy
triều thấp, nước từ ruộng chảy ra rạch, sông
lớn.
(9) - Một dị bản khác:
Tui ôm, bậu có la làng,
thì tui ôm riết hai đàng xấu chung.
Tui ôm bậu có làm hung,
nói cùng bất quá tui chun xuống sàn
(10) - Câu này nghe được ở vùng Phan Rang Nha
Trang. Không biết Cầu Ô ở đâu, nhưng chợ Dinh
có thể là chợ Kinh Dinh ở Phan Rang. Cũng có
người cắt nghĩa cầu Ô là cầu Ô Thước (trong
chuyện Ngưu Lang Chức Nữ), chợ Dinh là chợ tại
các Dinh, các Trấn ở miền Nam, nơi dân cư đông
đúc.
(11) - Sưu Tầm Ca Dao Đồng Bằng Cửu Long - Tài
liệu lưu hành nội bộ, in roneo do Trung Học
Tống Phước Hiệp - Vĩnh Long ấn hành |
|
|
|
|
|
|
|