Nhạc cung
đình Huế: loại hình âm nhạc truyền thống đặc sắc ở Việt Nam
không rõ tác giả
Âm nhạc cung đình Việt Nam là một bộ môn âm nhạc
truyền thống đặc sắc của Việt Nam, có giá trị cao về nghệ thuật và
phương diện lịch sử.
Nhạc cung đình còn xuất hiện trong triều đình của một số quốc gia châu Á
như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian
cho biết, theo sử sách để lại thì nhạc cung đình xuất hiện lần đầu tiên
vào đời nhà Trần (thế kỷ 14), nhưng mãi đến đời Nguyễn (cuối thế kỷ 18)
nhạc cung đình mới chính thức được phổ biến và phát triển mạnh tại Cung
đình Huế. Tuy được sử dụng trong cung đình, nhưng việc sáng tác và biểu
diễn hầu hết đều do những nhạc sĩ, nghệ sĩ dân gian nhờ có tay nghề cao
mà được sung vào cung để phục vụ triều đình. Vì vậy, nhạc cung đình tuy
mang tính bác học nhưng cũng mang đầy âm hưởng các làn điệu dân gian của
các miền Việt Nam. Nhạc cung đình Việt Nam sử dụng những nhạc cụ dân tộc
như đàn tam, đàn nhị, đàn nguyệt, đàn tỳ bà, sáo trúc, bộ gõ. Các nhạc
cụ này thể hiện đầy đủ các âm vực từ tiếng kim, tiếng thổ, tiếng trong,
tiếng đục, tiếng trầm, tiếng bổng. Điều khác biệt giữa nhạc cụ biểu diễn
trong cung đình với nhạc cụ sử dụng trong dân gian là nhạc cụ dùng trong
cung đình được làm kỹ, chạm khắc cẩn thận, khéo léo, tinh xảo hơn.
Nhạc cung đình Huế có hai loại là Đại nhạc và Tiểu nhạc. Dàn Đại nhạc
gồm có khèn, trống, bộ gõ và có thể có thêm đàn nhị. Khèn là loại khèn
bầu và khèn bát làm bằng gỗ, được chia làm 3 loại là khèn đại, khèn
trung và khèn tiểu. Trống cũng có nhiều loại từ trống lớn nhất là trống
đại đến trống tiểu, trống vỗ, trống một mặt. Đại nhạc thường được dùng
trong dịp Tết và những ngày lễ lớn. Dàn Tiểu nhạc gồm những nhạc cụ dùng
dây tơ, sáo trúc và bộ gõ. Loại nhạc cụ dây tơ có loại đàn gảy như đàn
nguyệt có hai dây, đàn tam có ba dây, đàn tỳ bà có bốn dây, có đàn dùng
cung để kéo như đàn nhị. Bộ gõ bằng gỗ có mõ và phách tiền, bằng kim khí
có chuông các cỡ. Các dàn nhạc biểu diễn thường có kèm theo đội múa. Dàn
nhạc và đội múa là cả một sự phối hợp hài hòa giữa âm nhạc, vũ điệu và
màu sắc trang phục.
Nhạc cung đình có nhiều thể loại khác nhau được biểu diễn trong những
dịp lễ hội khác nhau. Giao nhạc được dùng trong tế Lễ Nam Giao
khi nhà Vua làm lễ tế trời đất được thực hiện ba năm một lần; Miếu
nhạc được dùng trong các lễ tế miếu; Ngũ tự nhạc sử dụng
trong năm lễ tế thần; Đại triều nhạc được tấu trong các lễ lớn
như Lễ Vạn thọ, tiếp Sứ thần; Thường triều nhạc được tấu khi Vua
lâm triều thường lệ; Đại Yến nhạc được tấu trong các buổi yến
tiệc; Cung trung chi nhạc được dùng trong cung phủ; Cứu nhật
nguyệt giao trung nhạc được dùng trong các dịp nguyệt thực và nhật
thực; và còn bao gồm tất cả các bộ môn âm nhạc khác như nhạc thính phòng,
sân khấu và múa.
Theo các nhà nghiên cứu âm nhạc, trong lịch sử âm nhạc Việt Nam, đây là
bộ môn âm nhạc duy nhất được ghi vào sử sách từ xa xưa, trải qua bao
thăng trầm của các triều đại, bao biến thiên của thời cuộc mà vẫn còn
lưu lại được một di sản đáng kể có thể sử dụng để nghiên cứu về nhạc khí,
cách sắp xếp dàn nhạc, nhạc ngữ và quan điểm thẩm mỹ.
Hiện tại, Việt Nam đang hoàn thành hồ sơ về Âm nhạc cung đình Việt Nam
hay còn gọi là Nhã nhạc Huế để đệ trình UNESCO công nhận là Di sản văn
hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại trong đợt hai năm 2003.
nguồn: bạn đọc
|