Con Nghê, loại hình thú biểu tượng “thuần Việt” trong mỹ
thuật và văn hóa truyền thống, là con gì, có nguồn gốc xuất
xứ thế nào, vẫn là câu hỏi đặt ra đối với các nhà nghiên cứu
và những người quan tâm tới bản sắc văn hóa Việt. Đã có
nhiều lý giải về hình tượng Nghê trong văn hóa Việt nhưng
hiện vẫn chưa bao quát hết được ý nghĩa của hình tượng này,
cũng như chưa xác định được loại hình và công dụng cụ thể
của hình tượng Nghê khi ứng dụng.
Có thể thấy mặc dù cùng có tên gọi là Nghê nhưng có nhiều
hình tượng Nghê gặp ở nhiều khía cạnh ứng dụng khác nhau.
Việc “đơn giản hóa” tên gọi Nghê chung vào 1 loại hình dẫn
đến loại bỏ những loại hình ứng dụng khác của Nghê, làm cho
khái niệm Nghê trở nên không xác định, không có quy tắc cụ
thể khi áp dụng. Vì thế, việc phân biệt, phân loại các loại
hình Nghê khác nhau sẽ giúp làm rõ hơn hình tượng này cùng
công dụng và nguồn gốc của nó.
Bài ca dao về người thợ mộc Thanh Hoa nói tới con Nghê trong
các công trình kiến trúc (cửa, nhà, cầu, quán):
Anh là thợ mộc Thanh Hoa Làm cửa làm nhà, cầu quán khéo tay. Cắt kèo và lựa đòn tay. Bào trơn, đóng bén, khéo thay mọi nghề. Bốn cửa anh chạm bốn nghê, Bốn con nghê đực chầu về tổ tông.
Lấy cảm hứng từ bài ca dao này, xin đưa ra 4 loại hình Nghê
chủ yếu gặp ở nước ta. 1. Đầu tiên và có lẽ cũng là cổ xưa nhất là hình
tượng Kim Nghê. Kim nghê 金猊là
1 trong số những đứa con của rồng, được dùng trên nắp các lư
hương vì tin rằng loại thú này thích hương khói. Nguyên mẫu
của Kim nghê như đã được bàn trước đây là hình Hổ trên nắp
đồ đồng Thương Chu. “Kim” đây chính là kim loại, chỉ loại
hình Nghê trên các vật dụng kim loại (đồng, sắt). Hổ – hỏa,
là ngọn lửa nên hình tượng này gắn với hương khói, đồ đựng
nóng. Tới nay Kim nghê trên lư hương đã chuyển thành dạng
hình Sư tử, nhưng vẫn giữ vị trí là tay cầm của nắp vật nóng.
Hình hổ – Kim nghê trên nắp đồ đồng thời Chiến Quốc.
2.
Loại Nghê thứ hai là Toan Nghê, tức là Sư tử. Toan
nghê 狻猊
hiểu đơn giản là con Nghê to khỏe. Vì Nghê ban đầu là con Hổ
như ở loại Kim Nghê nên con Hổ rất khỏe là ám chỉ loài Sư tử.
Có thể đây là tên gọi để chỉ loài Sư tử bởi vì loài Sư tử
không hề sinh sống ở khi vực Đông Á, người xưa buộc phải
dùng tên một loài vật đã biết để gọi cho nó.
Xếp vào nhóm Nghê sư tử này là các bệ đỡ tượng Phật hình Sư
tử. Bản thân công năng dùng trong tượng Phật cũng xác định
đây là hình tượng “ngoại lai” từ Trung Á (Ấn Độ). Nhóm Toan
nghê do đó chỉ có thể thể hiện dưới dạng hình Sư tử, chứ
không có các biến tướng khác.
Thời điểm xuất hiện Sư tử trong văn hóa phương Đông có lẽ
gắn liền với sự du nhập của Phật giáo. Ở nước ta văn bia và
điêu khắc đá thời Lý có ghi nhận về loại “Sư tử nghê đài”
này.
Sư tử đá chùa Phật Tích (Bắc Ninh).
3. Loại
Nghê thứ ba là Nghê chầu, là loại hình Nghê phong phú và phổ
biến trong văn hóa truyền thống Việt. Ca dao có câu:
Mỗi người đều có một nghề Con phượng thì múa, con nghê thì chầu.
“Nghề” của con Nghê là chầu. Công năng làm con vật đứng chầu
xác định cách thể hiện hình tượng Nghê này. Con thú chầu này
có thể là bất cứ loài vật gì: Kỳ lân, Sư tử, Chó, Rồng, thậm
chí đến cả Cá, cũng có thể thể hiện thành Nghê khi nó có
chức năng “chầu”. Do đó mới có các loại Kỳ lân nghê, Sư tử
nghê, Long nghê, Khuyển nghê, rồi có thể cả Ngư nghê.
Đặc điểm của Nghê chầu là đứng ngay ngắn, nghiêm trang, quay
mặt về phía trong nơi có đối tượng thờ cúng. Chữ “nghê” lúc
này tương đương với chữ “ngay”, “ngây” hay “nghiêm”. “Ngay
nghê” hay Nghê chầu thường được “ăn mặc” (trang trí) một
cách nghiêm trang, lộng lẫy bởi các đao lửa, bờm, râu bay
bốc…
Hình tượng Nghê chầu có lẽ xuất hiện vào đầu thời Lê vì các
di vật khảo cổ Lý Trần chưa tìm thấy dạng con vật chầu nào
cả. Cũng vì vậy mà Nghê chầu là “đặc sản” thuần Việt, không
gặp trong văn hóa Trung Quốc như Kim Nghê hay Toan Nghê.
Dàn Nghê chầu chực trước Thái miếu nhà Lê ở Thanh Hóa.
Nhân tiện nói thêm về câu thành ngữ truyền khẩu lưu truyền
hiện nay trong mỹ thuật truyền thống: “Nghê chầu, chó
trực”. Thành ngữ “chó trực” được giải nghĩa ở đây là chó
thì đứng quay mặt thẳng ra ngoài. Tuy nhiên, câu từ vậy
trong thành ngữ là không ổn. Trong thành ngữ này “chầu” là
động từ, “trực” lại là tính từ. “Chầu” là từ Nôm, còn “trực”
lại là từ Hán Việt.
Sự khập khiễng này cho thấy, câu trên đúng hơn phải là: “Nghê
chầu, chó chực”. “Chầu chực” ghép lại mới thành một từ
hoàn chỉnh. Chầu và chực cùng một loại từ (động từ) trong
tiếng Nôm. Ý nghĩa của nó nghĩa là Nghê có chức năng là
chầu, quay mặt hướng vào nơi được thờ. Còn Chó chỉ có chức
năng là chực, quay mặt ra phía ngoài đón khách. 4. Còn một loại Nghê nữa gặp rất phổ biến nhưng hiện
chưa được xếp thành một loại và bị đánh lẫn với Nghê chầu ở
trên. Dạng Nghê này hãy tạm gọi là Ngô nghê vì cách
tạo hình ngộ nghĩnh của nó. Đó là hình những con Nghê hình
dạng như con chó, tuy đầu to miệng rộng, tai to hơn, gặp
trong các mảng chạm khắc ở các đình làng. Những con Nghê này
được thể hiện một cách sinh động, rất “dân gian”. Có lúc đó
là hình ảnh con nghê ngủ, gãi tai, hay bầy nghê mẹ nghê con
đang đùa giỡn. Có chỗ là nghê quay mông ra ngoài, có khi lòi
rõ cả bộ phận sinh dục…
Loài hình Nghê này rõ ràng là biểu đạt cho hình ảnh của con
người trong đời sống bình dân. Cũng vì thế nó được gặp nhiều
trong các đình làng, là nơi sinh hoạt văn hóa của cộng đồng.
Trong khi nó ít được thấy hơn ở các đền miếu, là nơi thờ
cúng, nơi mà loại Nghê chầu thực hiện vai trò của mình. Chữ
“Ngô” cũng hay ở chỗ có nghĩa là “ta”, chỉ con người. Ngô
nghê là biểu tượng hóa thân của người ta trong văn hóa.
Nghê gãi tai trên nóc đình Văn Xá (Lý Nhân, Hà Nam).
Loại Nghê dân gian mới là hình tượng được xem như đối lập
với hình tượng Rồng – biểu tượng của vương quyền và thần
quyền. Nghê đối lại với Rồng như dân đối lại với vua. Cũng
vì thế cần phân biệt những hình chạm Rồng khi nhìn trực diện,
đầu Rồng lúc này rất giống Nghê. Hoặc có chỗ thể hiện là
Rồng con còn chưa phát triển thân, râu tóc đầy đủ, cũng dễ
nhầm với Nghê. Sự khác biệt là hình chạm Nghê, thường là
loại Ngô nghê – biểu tượng cho dân gian, nên sẽ không được
trang trí cầu kỳ, diêm dúa bởi bờm, lông, mà thường có da
trơn, hình đơn giản.
Mảng chạm Rồng – Nghê – Người ở đình Hoàng Xá (Vân Đình, Hà
Nội).
Khác với Ngay nghê (Nghê chầu), Ngô nghê thường không đứng
nghiêm một chỗ, hay quay mặt vào trong như Nghê chầu, mà rất
sống động, đang chạy nhảy hay ngủ nghỉ. Ngô nghê có thể là
nghê con hay nghê cái, trong khi Nghê chầu chỉ có thể là
Nghê đực (như trong câu ca dao về người thợ mộc Thanh Hoa ở
trên).
Như thế ít nhất có 4 loại hình Nghê khác nhau với ý nghĩa
biểu tượng và nguồn gốc xuất hiện khác nhau. Đối với mỗi một
dạng công năng biểu tượng thì hình tượng Nghê cũng cần được
thể hiện tương ứng, phù hợp.