Home Tìm Ca Dao Trang Chủ Toàn Bộ Danh Mục e-Cadao English

Thư Mục

 
Lời Phi Lộ
Lời Giới Thiệu
Cách Sử Dụng
Dẫn Giải
Diêu Dụng
Cảm Nghĩ
 
Ẩm Thực
Chợ Quê
Cội Nguồn
Cổ Tích
Lễ Hội
Lịch Sử
Ngôn Ngữ
Nhân Vật Nữ
Nhạc Cụ Việt Nam
Phong Tục Tập Quán
Quê Ta
Tiền Tệ Việt Nam
Tiểu Luận
Văn Minh Cổ
Vui Ca Dao
 
Trang Nhạc Dân Ca
 
Trang Chủ
 

 
 

 

 
   

Hân Hương

"Chợ huyện một tháng sáu phiên
 Gặp cô hàng xén kết duyên Châu Trần".
 
Trong thẳm sâu ký ức mỗi người Việt mình, những ký ức gắn bó với chợ như thế không hiếm: Ngày nhỏ chờ mẹ đi chợ về. Lớn lên một chút hẹn hò nơi cuối chợ. ..... Ngày giáp tết cùng đi chợ mua cây... 

Chợ - một phần văn hoá không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Chợ làm nên những tập quán, tạo lời ăn tiếng nói, hình thành phong thái ứng xử. Dù ngày mai nền kinh tế thị trường có biến đổi cuộc sống của chúng ta như thế nào, tin rằng chợ Việt - với sức mạnh nội tại bền bỉ của nó - vẫn trường tồn. Ngày Xuân thong thả, mời bạn đọc ... dạo bước một vòng qua chợ Việt.

Chợ Đông Hà, Quảng Trị.

Dù chỉ một lần du ngoạn trên bất kỳ vùng quê nào của đất nước, rồi để ký ức chúng ta lưu giữ những hình ảnh đặc trưng nhất về nó, thể nào cũng có chợ quê. Những hình ảnh ấy vừa rất xưa cũ, vừa như mới có hôm qua... Từ nhiều hướng tiếp cận, chợ quê xứng đáng là đề tài nghiên cứu của sử kinh tế thương mại, sử văn hoá, dân tộc học... như người ta đã làm khá nhiều về nó. Bài này chỉ xin nêu đôi nét tương phản giữa thời gian với quy mô của chợ quê nước Việt.

Lịch sử dằng dặc
Người ta hay dẫn "An Nam tức sự" của Trần Phu (sứ giả nhà Nguyên) ghi lại quan sát của ông về sinh hoạt xã hội Việt Nam vào năm 1293: "Trong các xóm làng thường có chợ, cứ 2 ngày họp 1 phiên, hàng trăm thứ hàng la liệt. Hễ cách 5 dặm dựng một ngôi nhà 3 gian 4 phía đặt chõng để họp chợ..."; hoặc lệ lập chợ thời Hồng Đức (1470-1497) rằng: "Nơi nào muốn mở chợ mới để tiện mua bán thì quan phủ huyện, châu khám xét quả thực tiện lợi cho dân thì tâu lên (...) trong dân gian hễ có dân thì có chợ (...) một xã đã lập chợ thì không được cản trở sự thành lập các chợ mới khác. Miễn là các phiên họp của chợ mới không được họp chung với chợ đã có trước, hoặc lại họp trước ngày phiên của chợ đó để tranh khách" v.v... 

Ở Miền Bắc, chợ quê đã có đến ngàn tuổi, từng được vua, người đứng đầu nhà nước duyệt y hẳn hoi. Và đã có những công trình của các nhà "chợ học" trong ngoài nước nghiên cứu về mạng lưới phân bố chợ dày đặc trên vùng đồng bằng cổ xưa này, để giải đáp cái câu "ba làng bảy chợ", để chỉ ra bình quân trên diện tích 686ha có 1 chợ, khoảng cách giữa một làng không có chợ đến địa điểm họp chợ của một làng khác từ 3-4km (2 làng này thường liền địa giới). 

Và người ta đã định lượng được tương quan giữa diện tích tụ cư, dân số - số lượng chợ, tất nhiên khá chi tiết trên từng vùng canh tác: Chiêm trũng, bán sơn địa v.v... tuỳ thuộc vào tình hình kinh tế mỗi thời kỳ, sự điều chỉnh của thị trường khiến số đơn vị chợ dao động xung quanh một hằng số nào đó. Rồi người nông dân đã tối giản hoá chu kỳ họp chợ phức tạp bằng văn vần cho dễ nhớ:

"Một Râu, hai Mét, ba Ngà
Tư Cầu, năm Táng, sáu Ngà lại Râu
Bảy Ngà, tám Mét, chín Cầu
Mồng mười chợ Táng, một Râu lại về"
(lịch phiên của 5 chợ thuộc huyện Vĩnh Bảo - Hải Phòng).

Chợ quê VN đa dạng về loại hình, theo quy mô: Chợ làng, chợ hàng huyện, chợ tỉnh... theo vị trí: Chợ bến sông, bên đường bộ, trên đê...; theo kiến trúc, sở hữu: Chợ Đình, chợ Chùa (chợ Tam Bảo), chợ cầu, chợ quán...; theo chuyên doanh: Chợ làng nghề, chợ gia súc. Nhiều nơi có chợ âm dương - nơi gặp gỡ giữa người sống và người chết. Vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long nổi tiếng với các chợ nổi. 

Ở một số vùng cao phía bắc lại có chợ tình như Bắc Hà (Lào Cai), Khâu Vai (Mèo Vạc, Hà Giang). Nó có lề thói nghiêm túc - trong mục quan chế thời Lê có các chức liên quan đến chợ: Thị bình, thị tứ, thị trưởng, thị giám... 

Trong "Luật trái phép và phạm tội vặt" có hẳn mấy quy định: "Những sắc dịch làm bếp của nhà vua và những kẻ nấu bếp cho các nhà quyền quý mà ép lấy hàng hoá ở quán chợ hay ép mua giá rẻ, thị giám và người bán hàng cùng bắt giải quan". Hoặc "tự tiện làm thịt trâu, ngựa thì xử 80 trượng. Nếu đem bán ở chợ mà thị giám cùng quan phường quan xã không cấm thì đều bị xử 80 trượng". Hoặc "ở chợ (phải) đặt người trưởng chợ xét bạc thật, bạc giả để (giúp dân) mua bán". Tất nhiên có khán thủ đứng ra thu thuế chợ, có chức dịch của làng phụ trách trật tự trị an, có trùm chợ thường trực quản lý "ngày phiên uống rượu say, nói năng càn bậy, đánh người, quan viên phải tra xét"... 

Tóm lại chợ quê chúng mình hình thành từ rất sớm, quy hoạch, thiết chế rành mạch, sản vật phong phú. Nhưng...

Vẫn như tạm bợ

Sang đến thế kỷ 21 rồi, mỗi bận về vùng quê xa xôi, chúng ta vẫn thấy chợ làng thật sơ sài. Trên mặt đê, trên bãi đất trống, ven đường cái quan... là những mặt bằng thường gặp chợ. Chỉ có dăm cái lều thấp lợp rạ mỏng, vài dãy quán ngói... còn hầu hết kẻ mua người bán đều đứng ngồi giữa trời như... nghìn năm về trước. Nói văn vẻ, chợ quê không tương xứng với giá trị thời gian nó trải qua. Đây là điểm khác biệt căn bản so với các chợ Châu Âu nếu cùng lấy quãng thời gian thế kỷ 16, 17 để so sánh.
 
Nước Anh hay nước Pháp chẳng hạn, bản đồ chợ của họ không dày đặc như ta. Nhưng từ những cái chợ ấy, một hệ thống thị tứ, thị trấn, đô thị... đã nhanh chóng hình thành. Nội hàm của từ thành thị có chợ (thị) - thị là yếu tố tiền đô thị (có nó mới có thị tứ, thị trấn, đô thị, thành thị). 

Xin không dám đi sâu vào đề tài rộng lớn và thú vị này, chỉ cố gắng nêu vài nhận định về "sự ngưng đọng của lịch sử ở chợ quê". Thực chất chợ quê không sao lớn lên được - theo tôi, vì nó là "bộ mặt của kinh tế tiểu nông không có thặng dư". 

Những người buôn bán chuyên nghiệp (tiểu thương) ít. Phần đông những người nông dân thực hiện vai trò kép đi bán sản vật của nhà mình lấy tiền mua cái gì đó nhà mình đang cần. Đại loại như bán thúng thóc mua vuông vải, thông qua đơn vị đồng tiền để trao đổi vật này lấy vật khác, chứ thúng thóc chưa thừa ra so với nhu cầu, mà vuông vải đang là nhu cầu cấp bách hơn. Sức sản xuất không phát triển, lương thực hàng hoá thiếu thốn là kết quả của nền nông nghiệp thủ công, thô sơ "con trâu đi trước cái cày đi sau" hàng nghìn năm. Hàng nghìn năm hầu như không có cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật nào đáng kể xảy ra trên vùng nông thôn rộng lớn và đông dân ở nước ta. 

Tất nhiên còn nhiều lý do nữa khiến đời sống nông thôn nghèo khó quá lâu, khiến những cái chợ quê vẫn chỉ sôi động ồn ã một chốc một lát lúc buổi mai hay chiều hôm, rồi lại lều quán xơ xác bãi chợ vương đầy lá rác... khi tàn chợ.

Công cuộc công nghiệp hoá - hiện đại hoá - đô thị hoá diễn ra mạnh mẽ từ thời kỳ đổi mới (1986); đã gần 20 năm qua, đang làm biến đổi sâu sắc toàn diện đời sống kinh tế - xã hội VN từ thành thị đến nông thôn. Sản xuất và lưu thông hàng hoá phát triển, giúp ta về đến chợ quê hôm nay cũng có thể mua được kem đánh răng P/S, hộp cá Hạ Long, hay chùm nho "Mỹ" hoặc nồi cơm điện Tàu... Trong nông dân xuất hiện khối người chuyên làm dịch vụ thương mại, nhiều trung tâm làng (nơi họp chợ) đã thành "phố chợ" cả ngày lẫn đêm (có karaoke)... 

Hình ảnh chợ quê xưa đẹp buồn thảm đang thầm lặng lui dần vào dĩ vãng. Cũng phải mất nghìn năm đấy, nghĩ vừa thương nhớ tiếc nuối, nhưng cũng vừa thấy... oải cả người.
 

 

Sưu Tầm Tài Liệu và Web Design

  Hà Phương Hoài

Hỗ Trợ Kỹ Thuật

Hoàng Vân, Julia Nguyễn

Web Database

Nguyễn Hoàng Dũng
Xin vui lòng liên lạc với  haphuonghoai@gmail.com về tất cả những gì liên quan đến trang web nầy
Copyright © 2003 Trang Ca Dao và Tục Ngữ
Last modified: 10/19/17