Home Tìm Ca Dao Trang Chủ Toàn Bộ Danh Mục e-Cadao English

Thư Mục

 
Lời Phi Lộ
Lời Giới Thiệu
Cách Sử Dụng
Dẫn Giải
Diêu Dụng
Cảm Nghĩ
 
Ẩm Thực
Chợ Quê
Cội Nguồn
Cổ Tích
Lễ Hội
Lịch Sử
Ngôn Ngữ
Nhân Vật Nữ
Nhạc Cụ Việt Nam
Phong Tục Tập Quán
Quê Ta
Tiền Tệ Việt Nam
Tiểu Luận
Văn Minh Cổ
Vui Ca Dao
 
Trang Nhạc Dân Ca
 
Trang Chủ
 

 
 

 

 
   
ĐỊA DANH DU LỊCH THÁI BÌNH - ĐỊA ĐIỂM DU LỊCH THÁI BÌNH

Diện tích: 1.542 km²
Dân số: 1.831.100 người (năm 2003)
Tỉnh lỵ: Thành phố Thái Bình
Các huyện: Hưng Hà, Quỳnh Phụ, Thái Thuỵ, Đông Hưng, Vũ Thư, Kiến Xương, Tiền Hải.
Dân tộc: Việt (Kinh), Thái, Ngái, Tày, Ra Glai.
Thái Bình là tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng, là một trong những vựa lúa của miền Bắc. Phía bắc và đông bắc giáp tỉnh Hải Dương và Hải Phòng, phía đông giáp biển Đông, phía tây và tây bắc giáp Hà Nam và Hưng Yên, phía nam giáp Nam Định.
Thái Bình không có rừng núi, bốn phía là sông biển bao quanh (một mặt là biển, ba mặt là sông Hồng, sông Luộc, sông Hóa). Tỉnh có bờ biển dài 53km và có cảng biển Diêm Điền. Những khoáng sản trầm tích tiến xa ra biển, những mỏ dầu, khí đốt hấp dẫn giới khoa học và các nhà kinh tế, có trên 200 loài thuỷ sản có giá trị kinh tế cao, gần 2.500 đầu chim quí hiếm.
Thái Bình chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa. Nhiệt độ trung bình năm khoảng 23ºC- 24ºC. Mùa đông thường ấm hơn so với các tỉnh nằm sâu trong đất liền. Mùa hè nóng nhưng có gió biển mát mẻ.
Ðến với Thái Bình, là đến với các công trình văn hóa lịch sử và sinh hoạt văn hoá dân gian. Toàn tỉnh có 82 công trình kiến trúc đã được nhà nước xếp hạng, nổi tiếng nhất vẫn là chùa Keo, đền Ðồng Bằng, đền Tiên Ca, cung Long Hưng, với những gác chuông chạm khắc đá, các di vật quí hiếm và tài nghệ. Thái Bình có gần 30 lễ hội khác nhau như hội Keo, Tiên Ca, Ðồng Bằng, hội Du xuân, hội thi nghề...Nơi đây cũng có nhiều làng nghề thủ công truyền thống như chạm bạc, thêu ren, dệt đũi, dệt chiếu...Các hình thức sinh hoạt văn hóa ở Thái Bình hết sức phong phú với 16 thể loại hát, múa, đặc trưng như múa rối nước Nguyên Xá, chèo làng Khuốc, kéo chữ Phụng công, múa bát dập, hát ống Lộng Khê, hát trẽ khói Cốc mỏ... nhiều trò chơi độc đáo: Thi pháo đất, bắt cá, bắt trạch, bắt vịt, nấu cơm, dệt chiếu, rước ông Ðùng - bà Ðà, chọi trâu, chọi gà...Thái Bình còn có các bãi biển Đồng Châu, có các đảo cồn Vành, cồn Thủ và có làng vườn Bách Thuận bốn mùa ngát thơm hoa trái. Đó chính là tiềm năng du lịch của tỉnh.

--------------------------------------------------------------------------------

BÃI BIỂN ĐỒNG CHÂU THÁI BÌNH:
Bãi biển Đồng Châu thuộc xã Đông Minh - huyện Tiền Hải, cách Thành phố Thái Bình 30 km đi theo quốc lộ 39B. Bãi biển Đồng Châu thuộc xã Đông Minh - huyện Tiền Hải, cách Thành phố Thái Bình 30 km đi theo quốc lộ 39B. Bãi tắm dài 5 km, mang nhiều nét hoang sơ. Điều thú vị là từ bãi tắm Đồng Châu du khách có thể đi tàu, xuồng gắn máy ra thăm và tắm biển ở Cồn Thủ, Cồn Vành cách đất liền 7 km. Cồn Thủ và Cồn Vành nổi lên như 2 ngọn sóng xanh trên cồn cát rộng khoảng 5 ha. Trên cồn có rừng thông, phi lao xanh ngắt, có những bãi tắm nhỏ yên tĩnh vàthơ mộng. Bãi biển Đồng Châu không đẹp lắm nhưng khí hậu thật trong lành, rất thích hợp cho việc nghỉ ngơi, dưỡng bệnh, đặc biệt hải sản ở đây rất ngon và rẻ.

--------------------------------------------------------------------------------

CHÙA KEO VŨ THƯ THÁI BÌNH:
Chùa Keo là một đại danh lam thời Lý được Thiền sư Không Lộ xây dựng vào năm 1061 tại thôn Dũng Nhuệ, xã Vũ Nghĩa, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Theo thời gian nước sông Hồng đổi dòng xói mòn dần nền chùa và đến năm 1611, một trận lũ lớn đã cuốn trôi cả làng mạc lẫn ngôi chùa mãi đến năm 1630 mới được trùng tu lại với 154 gian.
Chùa không chỉ là một bức tranh sinh động cho lịch sử văn hóa Việt Nam trong 4 thế kỷ, từ thế kỷ 17 đến 20 mà còn là nơi gặp gỡ giữa kiến trúc Trung Hoa và kiến trúc Việt Nam. Ngày nay chùa Keo tuy chỉ còn 107 gian, song đã là một trong 10 kiến trúc cổ nhất Việt Nam và là một trong 3 ngôi chùa đặc biệt, lưu giữ khá đầy đủ những di vật cổ, trong đó có hàng trăm pho tượng cổ thời Lê như tượng Tuyết Sơn, La Hán, Quan Âm Bồ Tát và nhiều bức trạm, bức khắc... Gác chuông chùa Keo là một công trình nghệ thuật bằng gỗ độc đáo, tiêu biểu cho kiến trúc cổ Việt Nam thế kỷ 17, cao 11,04m và có 3 tầng mái. Tầng 1 có treo 1 khánh đá dài 1,87m, tầng hai có quả chuông đúc năm 1686, tầng 3 và tầng thượng treo một quả chuông đúc lớn.
Trải gần 400 năm, qua nhiều lần tu bổ, tôn tạo, chùa Keo vẫn giữ nguyên bản sắc kiến trúc độc đáo từ thời Lê Trung Hưng (thế kỷ 17). Trong những năm gần đây, Nhà nước đã đầu tư khôi phục dáng vẻ uy nghiêm, bề thế của chùa Keo, nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa cha ông đã để lại.
 

Nguồn: saigontoserco

Xem Thêm:

Hằng năm vào ngày mồng bốn tháng giêng âm lịch, nhân dân làng Keo xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình lại mở hội xuân ngay ở ngôi chùa mang tên làng.

Gác chuông chùa Keo

Hơn chín tháng sau, vào các ngày 13, 14, 15 tháng chín âm lịch, chùa Keo lại mở hội mùa thu. Đây là hội chính, kỷ niệm ngày Thiền sư Không Lộ (1016-1094), người sáng lập ngôi chùa, qua đời (Ngài qua đời ngày 3 tháng 6 âm lịch). Trong ngày hội, người ta tổ chức lễ rước kiệu, hương án, long đình, thuyền rồng và tiểu đỉnh. Trên con sông Trà Lĩnh ngang trước chùa chảy ra sông Hồng, người đi hội đổ về xem cuộc thi bơi trải, thi kèn trống, thi bơi thuyền và biểu diễn các điệu múa cổ. Trong chùa thì có cuộc thi diễn xướng về đề tài lục cúng: hương, đăng, hoa, trà, quả, thực, thật sinh động.

Dù cho cha đánh mẹ treo,
Em không bỏ hội chùa Keo hôm rằm.

Nếu có dịp về thăm chùa Keo, thì du khách hãy đến vào hội mùa thu. Từ thành phố Nam Định, qua phà Tân Đệ, rẽ phải, theo đê sông Hồng, đi khoảng 10 km là đến chùa. Nằm ở chân đê sông Hồng giữa vùng đồng bằng không một bóng núi non, chùa Keo với gác chuông nhưmột hoa sen vươn lên giữa biển lúa xanh rờn được vun bón bởi phù sa sông Hồng do nước sông Trà Lĩnh bồi đắp.

Chùa Keo có tên chữ là Thần Quang Tự, được xây dựng từ năm 1630 đến năm 1632 theo phong cách kiến trúc thời Lê, nhờ sự vận động của bà Lại Thị Ngọc, vợ Tuần Thọ Hầu Hoàng Nhân Dũng, và Đông Cung Vương phi Trịnh Thị Ngọc Thọ.

Nhưng lịch sử của ngôi chùa thì có bề dày đến hơn chín thế kỷ. Theo sách Không Lộ Thiền sư ký ngữ lục, năm 1061, Không Lộ dựng chùa Nghiêm Quang tại làng Giao Thủy (tên nôm là làng Keo) bên hữu ngạn sông Hồng. Sau khi Thiền sư Không Lộ qua đời, chùa Nghiêm Quang được đổi tên là Thần Quang Tự. Theo thời gian, nước sông Hồng xói mòn dần nền chùa và đến năm 1611, một trận lũ lớn đã cuốn trôi cả làng mạc lẫn ngôi chùa. Dân làng Keo phải bỏ quê cha đất tổ ra đi: một nửa dời về đông nam hữu ngạn sông Hồng, về sau dựng nên chùa Keo - Hành Thiện (nay thuộc tỉnh Nam Định); một nửa vượt sông đến định cư ở phía đông bắc tả ngạn sông Hồng, về sau dựng nên chùa Keo - Thái Bình này.

Văn bia và địa bạ chùa Keo còn ghi lại diện tích toàn khu kiến trúc chùa rộng đến 58.000 m2. Hiện nay toàn bộ kiến trúc chùa còn lại 17 công trình gồm 128 gian xây dựng theo kiểu "Nội công ngoại quốc". Từ cột cờ bằng gỗ chò thẳng tắp cao 25 m ở ngoài cùng, đi qua một sân lát đá, khách sẽ đến tam quan ngoại, hồ sen, tam quan nội với bộ cánh cửa chạm rồng chầu (thế kỷ 16). Sau đó là chùa thờ Phật, gồm ba ngôi nhà nối vào nhau. Trong cùng là tòa gác chuông, nhà tổ và khu tăng xá.

Gác chuông chùa Keo là một công trình nghệ thuật bằng gỗ độc đáo, tiêu biểu cho kiến trúc cổ Việt Nam thời hậu Lê. Được dựng trên một nền gạch xây vuông vắn, gác chuông cao 11,04 m gồm 3 tầng mái, kết cấu bằng những con sơn chồng lên nhau. Bộ khung gác chuông làm bằng gỗ liên kết với nhau bằng mộng ngậm, nâng bổng 12 mái ngói với 12 đao loan uốn cong dáng vẻ thanh thoát, nhẹ nhàng. Tầng một treo khánh đá 1,20 m và chuông đồng cao 1,30 m, đường kính 1m đúc vào thời Lê Hy Tông (1686); hai tầng trên treo chuông nhỏ cao 0,62m, đường kính 0,69 m đúc vào năm 1796.

 Cảnh chùa Keo

Đứng soi mình xuống hồ nước phẳng lặng giữa một không gian thoáng đãng, chùa Keo không chỉ lưu giữ nhiều di vật quý giá mà còn chứa đựng những điều huyền bí gắn liền với cuộc đời Thiền sư Không Lộ. Theo sách Trùng san Thần Quang Tự Phật tổ bản hành thiền uyển ngữ lục tập yếu, Thiền sư Không Lộ vốn họ Dương, sinh ra trong một gia đình ngư phủ, xuất gia theo Thiền sư Lôi Hà Trạch.

Tương truyền rằng từ khi đắc đạo, Thiền sư Không Lộ có khả năng bay trên không, đi trên mặt nước và thuần phục được rắn, hổ. Truyền thuyết còn kể rằng trước khi viên tịch, Ngài hóa thành khúc gỗ trầm hương, lấy áo đắp lên và khúc gỗ biến thành tượng. Thánh tượng này nay còn lưu giữ trong hậu cung quanh năm khóa kín cửa.

Cứ 12 năm một lần, làng Keo lại cử ra một người hội chủ và bốn viên chấp sự để làm lễ trang hoàng tượng Thánh. Những người này phải ăn chay, mặc quần áo mới, họ rước thánh tượng từ cấm cung ra rồi dùng nước dừa pha tinh bưởi để tắm và tô son lại cho tượng Thánh. Công việc này phải làm theo một nghi thức được quy định rất nghiêm ngặt, những người chấp sự phải tuyệt đối giữ kín những gì đã thấy trong khi trang hoàng tượng Thánh.

Đến thăm chùa, khách có thể nhìn thấy những đồ thờ quý giá tương truyền là đồ dùng của Thiền sư Không Lộ như một bộ tràng hạt bằng ngà, một bình vôi to và ba vỏ ốc lóng lánh như dát vàng mà người ta kể lại rằng chính do Không Lộ nhặt được thuở còn làm nghề đánh cá và giữ làm chén uống nước trong những năm tháng tu hành.

VÕ VĂN TƯỜNG VÀ HUỲNH NHƯ PHƯƠNG

 

--------------------------------------------------------------------------------

KHU DI TÍCH LỊCH SỬ NHÀ TRẦN THÁI BÌNH:

 
 


Lịch sử oanh liệt của dân tộc Việt Nam thế kỷ 13, 14 (từ năm 1226 - 1400) gắn liền với công lao và sự phát triển rực rỡ của vương triều nhà Trần.
Lịch sử oanh liệt của dân tộc Việt Nam thế kỷ 13, 14 (từ năm 1226 - 1400) gắn liền với công lao và sự phát triển rực rỡ của vương triều nhà Trần.
Trong số 14 vị vua triều Trần thì có tới một nửa các vua và hoàng hậu khi tạ thế được đưa về an táng tại vùng đất này và có lăng, miếu thờ phụng. Các di tích nhà Trần để lại ở đất Hưng Hà còn rất nhiều, song tập trung chủ yếu ở hai khu là Tam Đường thuộc xã Tiến Đức, xã Liên Hiệp - Hưng Hà chứa đựng những ý nghĩa lịch sử và giá trị văn hoá to lớn.
Khu di tích nhà Trần là khu di tích văn hoá đã được xếp hạng di tích khảo cổ học cấp quốc gia, vì vậy nó chẳng những thu hút các nhà nghiên cứu sử học, các nhà khoa học, các nhà văn hoá mà còn hấp dẫn du khách trong và ngoài nước đến thăm.

--------------------------------------------------------------------------------

KIẾN TRÚC ĐỒNG BẰNG XƯA THÁI BÌNH: 


Đền Đồng Bằng hay còn gọi là Đền Đức Vua được xây dựng từ thời vua Duệ Vương (đời Hùng Vương thứ 18) thờ đức Vua cha Bát Hải Động Đình, người có công lớn trong việc bình giặc Thục giữ yên bờ cõi, đưa con lạc cháu hồng vào thiên niên kỷ thứ nhất. Trải qua các triều đại, thiên nhiên, giặc giã hoành triệt, đền được tu tạo nhiều lần. Công trình kiến trúc hiện nay có niên đại Khải Định năm thứ 10 (1926). Toạ lạc trên một diện tích gần 6000m2, toàn bộ công trình đền Đồng Bằng gồm có 13 toà, 66 gian, kết cấu theo kiểu tiền nhị hậu đỉnh, liên hoàn khép kín, rất nguy nga bề thế. Các mảng kiến trúc của công trình rất mềm mại, hài hoà với các nét chạm trổ tinh vi, hàng trăm câu đối, đại tự, cuốn thư sơn son thếp vàng với các chủ đề về tứ quí, tứ linh, hiện thực thiên nhiên vừa thần thoại vừa huyền ảo nhưng cũng rất sống động và đời thường.
Hiện đền còn lưu giữ được nhiều kỷ vật quý, tập trung vào đời Lý và trước đời Lý. Kiến trúc vừa đẹp vừa khoa học, vừa thiêng liêng khó có di tích nào sánh kịp. Cổng đền Đông Môn Đại, Tây Môn, Tiền Môn được coi là hoành tráng nhất Việt Nam. Phía trước cổng đền có hồ bán nguyệt, mặt hồ rộng, có cống thoát nước về phía hạ lưu rất khoa học.

Đền Đồng Bằng, nay thuộc thôn Đồng Bằng, xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình là một bảo tàng mỹ thuật điêu khắc gỗ tuyệt đẹp, một điểm du lịch hấp dẫn của vùng quê lúa Thái Bình.
Xuôi đường 10 đi Hải Phòng, dừng chân bên cầu Vật, du khách sẽ bị cuốn hút trước công trình kiến trúc uy nghi, lộng lẫy đứng khiêm nhường bên dòng sông Cổ đầy ắp huyền thoại. Làng Đồng Bằng xưa là trang Đào Động - Một trong những phòng tuyến quân sự của nhà Trần thế kỷ 13. Nơi đây còn âm vang khí thế hào hùng oanh liệt của quốc gia đại Việt chống giặc Nguyên Mông. Tướng quân diện súy Phạm Ngũ Lão đã bái yết cửa đền trước khi xuất trận và lưu bút đền thờ nơi "Tứ cố cảnh Lý Triều" này.
Tục truyền, đền được khởi dựng khá sớm, trải qua các triều đại, thiên nhiên, giặc giã hoành triệt, dần được tu tạo nhiều lân. Công trình kiến trúc hiện nay có niên đại Khải Định năm thứ 10 (1926).
Tọa lạc trên một diện tích gần 6000 m2, toàn bộ công trình được xây dựng của đền Đồng Bằng gồm có 13 toà, 66 gian, kết cấu theo kiểu tiền nhị hậu đỉnh, liên hoàn khép kín, rất nguy nga bề thế. Các mảng kiến trúc của công trình rất mềm mại, hài hoà với các nét chạm trổ tinh vi, hàng trăm câu đối, đại tự, cuốn thư sơn son thếp vàng với các chủ đề về tứ quí, tứ linh, hiện thực thiên nhiên vừa thần thoại vừa huyền ảo nhưng cũng rất sống động và đời thường.
Có thể nói, đền Đồng Bằng mang đậm phong cách kiến trúc truyền thống trong văn hoá làng xã Bắc Bộ nhưng lại ảnh hưởng bởi kiến trúc Huế những năm đầu thế kỷ. Đó là nghệ thuật ghép gốm và mái tứ diện chồng diêm, âu cũng là sự giao thoa văn hoá và cũng từ đó càng làm gia tăng vẻ đẹp mê hồn của ngôi đền độc nhất vô nhị trên vùng đất này.

--------------------------------------------------------------------------------

LÀNG VƯỜN BÁCH THUẬN THÁI BÌNH: 
 

Làng Bách Thuận nằm cách Thành phố Thái Bình 10 km theo hướng Cầu Tân Đệ đi Nam Định thuộc huyện Vũ Thư. Đây là một làng vườn trù phú, rìa làng là bãi phù sa nơi trồng dâu nuôi tằm. Trong làng là những vườn cây ăn quả, cây cảnh.
Đến Bách Thuận du khách như lạc vào công viên thu nhỏ với đủ các gam màu đậm, nhạt dọc theo hai bên đường làng là màu xanh của cây hoè, táo. Thiên nhiên ưu đãi cho Bách Thuận phát triển nghề vườn truyền thống, ở đây có đủ các loại hoa quả bốn mùa: táo, ổi, cam, chanh, hồng xiêm, roi, chuối bên cạnh những vườn cây ăn quả là những vườn cây cảnh, cây thế. Mỗi loại cây cảnh đều mang một dáng, nét riêng với những tên gọi khác nhau tuỳ theo sự uốn tỉa của chủ nhân của nó.
Bách Thuận còn là một làng quê cổ, tiêu biểu cho vùng quê ở vùng đồng bằng bắc bộ. Nơi đây có chùa Từ Vân và chùa Bách Tính đã được Nhà nước công nhận xếp hạng di tích lịch sử, là một điểm du lịch để du khách đến thăm quan, vãn cảnh. Du khách trong và ngoài nước rất thích thú với cảnh quan, môi trường sinh thái ở làng vườn Bách Thuận này.

--------------------------------------------------------------------------------

PHƯỜNG RỐI NƯỚC NGUYÊN XÁ THÁI BÌNH:
Là một trong những chiếc nôi của múa rối nước Việt Nam, phường rối Nguyên Xá (Thái Bình) đã ra đời vào thời gian đầu khi nghệ thuật múa rối nước phát triển mạnh mẽ ở làng quê.
Trải qua nhiều năm tưởng như đã bị mai một thì ngày nay, múa rối nước ở Nguyên Xá đã được khôi phục, nhờ có lòng yêu nghề của những nghệ nhân múa rối nước cao tuổi ở địa phương. Vào những dịp hội hè trong năm, người dân làng lại mang quân rối, đồ nghề ra biểu diễn. Nguyên Xá đang dần khôi phục lại nghề và hàng năm vào những ngày phường rối biểu diễn, đã thu hút khá đông du khách trong và ngoài nước đến xem và tìm hiểu.
Đến đây, khán giả được xem người nghệ nhân điều khiển khéo léo trên mặt ao và nghe những lời đối thoại của các nhân vật quen thuộc trong các tích: Trần Hưng Đạo bảo vệ sông Bạch Đằng, Thạch Sanh chém mãng xà, Trưng Trắc - Trưng Nhị ra trận đánh giặc, Đinh Bộ Lĩnh cờ lau tập trận... tất cả tạo nên một sự háo hức rất mới lạ, khác hẳn với việc xem rối nước trong rạp.

--------------------------------------------------------------------------------
ĐỀN TIÊN LA THÁI BÌNH:


Đền Tiên La thuộc thôn Tiên La - xã Đoan Hùng - huyện Hưng Hà - tỉnh Thái Bình thờ Bát Nạn Tướng quân, một vị nữ tướng của Hai Bà Trưng. Sau khi đánh thắng quân Tô Định bà về sống ở Tiên La rồi mất tại đó. Toạ lạc trên một diện tích khoảng 4000 m 2 trải qua nhiều lần tu bổ, đến nay đền có quy mô to lớn, đẹp lộng lẫy cả về địa thế và vóc dáng , bao gồm nhiều công trình như hệ thống cổng đền, toà tiền tế, toà trung tế, thượng điện và hệ thống sân đền.
Toà điện bái đường và thượng điện của đền được kiến trúc bằng vật liệu gỗ tứ thiết, nội thất được chạm trổ công phu với các nội dung có tích kinh điển như 'long - lân - quy - phượng' đan xen với 'thông - trúc - cúc - mai'.
Toà điện trung tế là công trình kiến trúc đặc sắc được xây dựng theo kiểu phương đình, kiến trúc theo lối 'chồng diêm cổ các'. Điều đặc biệt là toàn bộ vật liệu xây dựng ở toà bái đường đều làm bằng đá như hệ thống cột, xà, kèo... Tất cả đều được chạm trổ công phu tạo nên cho nơi này toát lên vẻ đẹp hoàn mỹ hiếm nơi nào có được. Hiện đền còn lưu giữ 9 sắc phong của nhiều đời vua và nhiều đồ tế khí quý giá có niên đại từ thời Lê.


Nguồn: saigontoserco

 

Sưu Tầm Tài Liệu và Web Design

  Hà Phương Hoài

Hỗ Trợ Kỹ Thuật

Hoàng Vân, Julia Nguyễn

Web Database

Nguyễn Hoàng Dũng
Xin vui lòng liên lạc với  haphuonghoai@gmail.com về tất cả những gì liên quan đến trang web nầy
Copyright © 2003 Trang Ca Dao và Tục Ngữ
Last modified: 10/19/17