Home Tìm Ca Dao Trang Chủ Toàn Bộ Danh Mục e-Cadao English

Thư Mục

 
Lời Phi Lộ
Lời Giới Thiệu
Cách Sử Dụng
Dẫn Giải
Diêu Dụng
Cảm Nghĩ
 
Ẩm Thực
Chợ Quê
Cội Nguồn
Cổ Tích
Lễ Hội
Lịch Sử
Ngôn Ngữ
Nhân Vật Nữ
Nhạc Cụ Việt Nam
Phong Tục Tập Quán
Quê Ta
Tiền Tệ Việt Nam
Tiểu Luận
Văn Minh Cổ
Vui Ca Dao
 
Trang Nhạc Dân Ca
 
Trang Chủ
 

 
 

 

 
 
ĐỊA DANH DU LỊCH SA PA LÀO CAI - CÁC ĐỊA ĐIỂM DU LỊCH SA PA LÀO CAI
 
KHU DU LỊCH HÀM RỒNG - LÀO CAI
Khu Du Lich Hàm Rồng: Ở cách trung tâm thị trấn Sa Pa khoảng 2 km (1.25 miles), ngay sau khách sạn Hàm Rồng có một dãy núi cao gần 2000 m (6,000 ft), gồm nhiều dãy đá nhấp nhô mang nhiều dáng vẻ khác nhau đó là núi Hàm Rồng. Cả dãy núi giống như một con rồng khổng lồ đang uốn khúc, nằm phục. 
Sự tích núi Hàm Rồng được kể lại rằng: Từ xa xưa mọi sinh vật đều sống hỗn độn. Một hôm Ngọc Hoàng ban lệnh tất cả các sinh vật hãy lập lấy địa phận của mình.

Các sinh vật tranh nhau tìm chỗ trú ngụ. Lúc này ba anh em nhà rồng đang sống trong hồ lớn, khi nghe tin vội chạy sang hướng đông thì đã hết chỗ, họ bèn chạy sang hướng tây. Hai người anh chạy nhanh hơn nên ở đó chờ người em. Người em chạy chậm đã lạc vào đám đông toàn sư tử, hổ báo. Người em sợ quá rùng mình co người, há mồm để tự vệ. Vừa lúc đó lời ban của Ngọc Hoàng đã hết hạn. Thế là hai người anh nhà Rồng hóa thành đá quay về hướng Lào Cai, còn người em út hóa đá có dáng đầu ngẩng cao mồm há to nhe răng nhìn về dãy Hoàng Liên Sơn và được gọi là núi Hàm Rồng. 
Để lên được đỉnh núi Đầu Rồng, du khách phải leo qua các khu vườn lan 1, vườn lan 2, trạm vi ba, vườn hoa Sa Pa, cổng trời. Trên đỉnh núi Hàm Rồng có nhiều cảnh quan đẹp, nhiều hang động, núi đá nhấp nhô rất ngoạn mục, lý thú. Hàm Rồng là điểm du lịch hấp dẫn của Sa Pa

 

CHỢ PHIÊN SÍN CHÉNG - LÀO CAI

Chợ Phiên Sín Chéng: Dù đi đến vùng miền nào thì điểm tập trung nhất vẫn là các phiên chợ. Đặc biệt ở vùng cao, chợ phiên là nơi lưu giữ nhiều nét văn hoá của các dân tộc thiểu số. 
Trong lộ trình du lịch từ thị trấn Bắc Hà lên Si Ma Cai, bạn có thể tham dự vào nhiều phiên chợ: Bắc Hà, Lùng Phình, Cán Cấu, Si Ma Cai. Nhưng có một phiên chợ khá độc đáo vẫn còn lưu giữ được hầu hết những giá trị văn hoá đậm tính bản sắc của nhiều dân tộc, đó là chợ phiên Sín Chéng. 
Chợ Sín Chéng nằm ở trung tâm xã Sín Chéng, cách huyện lỵ Si Ma Cai khoảng 10 km, họp vào thứ tư hàng tuần. Vì nằm ở một xã khá xa trung tâm huyện,
nên chợ Sín Chéng ít bị các yếu tố của nền văn hoá công nghiệp làm mờ đi những nét đặc trưng của chợ vùng cao. Chợ là nơi hội tụ của nhiều đồng bào dân tộc: Mông, Nùng, Tày, Thu Lao... đến giao lưu, trao đổi, buôn bán. 
Chợ Sín Chéng không lớn và quy mô như chợ Bắc Hà, nhưng chủng loại các mặt hàng có thể nói không hề thua kém. Những loại rau xanh, củ, quả... xứ lạnh được đồng bào trồng trên nương rẫy đảm bảo chất lượng sạch. Riêng gừng và ớt tươi, ớt khô thì ở đây không bao giờ thiếu. Cải mèo, cải cúc và rau đậu Hà Lan là loại rau ngon. Ghé thăm hàng bán thịt, bạn có thể mua thịt lợn đen ngay tại chợ. Đây là loại thịt lợn thơm ngon vì không nuôi bằng thức ăn công nghiệp. Nếu là thực khách sành ăn và quen, bạn cũng có thể tìm mua thịt lợn sấy và thịt trâu sấy. Đến chợ Sín Chéng, bạn có thể mua gà đen và lợn cắp nách là những mặt hàng đặc sản của vùng cao. Đến hàng ăn, không thể bỏ qua nồi thắng cố và bát phở đặc trưng của người dân tộc nơi đây. Dù trời lạnh, ăn xong bát phở thấy ấm hẳn người, thấy vị cay nóng của ớt vùng cao, vị thơm nồng của hạt tiêu, vị chua của chanh yên và cái nóng nghi ngút vừa múc trong nồi của nước dùng. Nếu ngẫu hứng, làm thêm vài chén rượu ngô, sẽ có cảm giác lâng lâng... 
Chợ Sín Chéng tầm ban trưa là lúc đông nhất. Nhìn từ xa, chỉ thấy màu đỏ váy, áo những cô gái Mông, màu xanh của trang phục người Nùng và nhiều màu sắc khác của hàng hoá. Chợ là nơi tìm bạn, kết bạn; nơi hò hẹn lứa đôi; nơi các cô gái Mông khoe bộ váy mới vừa thêu; chàng trai thể hiện điệu múa khèn tình tứ; những cụ già ngồi nhâm nhi chén rượu; những cô, những bà vừa bán hàng, vừa thêu thổ cẩm bằng đôi bàn tay in dấu thời gian... Chợ là nơi giao lưu giữa các dân tộc với nhau, cũng là nơi giao thoa của nhiều vùng, miền văn hoá. Chợ Sín Chéng còn giữ được rất nhiều nét bản sắc độc đáo mà bất kỳ nhà nghiên cứu văn hoá nào nếu chỉ đọc qua sách vở cũng không thể tìm thấy hết được. 
Đến chợ phiên Sín Chéng cho ta niềm tin vào sự bền vững của những giá trị văn hoá
 

CHỢ PHIÊN TẠI SAPA - CHỢ TÌNH SAPA - LÀO CAI

Chợ Phiên Sapa: Tại Sapa, về mặt hành chính được đặt cho một huyện của tỉnh Lào Cai và cũng cho thị trấn của huyện lỵ huyện này. Tại sao Sapa là nơi họp chợ mà không phải là ở những vùng xung quanh khác? Giải thích cho sự việc này là bởi vì Sapa dường như nằm ở điểm nút, trung tâm của các hướng bản làng trong toàn vùng là các thung lũng dưới chân núi Hoàng Liên. Đây là ngã ba của các con đường từ các khu bản làng nằm trong các thung lũng ở phía Bắc như Tả Giàng Phình, Bản Khoang đổ về các bản làng phía Nam như Bản Hồ, Suối Thầu, Tả Van, Lao Chải đi lên. Trong cả một vùng rộng lớn, chỗ nào thuận tiện nhất cho hầu hết mọi vùng tập trung về trao đổi hàng hóa, thì ở đó sẽ xuất hiện chợ. 
Cũng có ý kiến cho rằng, trước đây chợ Sapa họp ở trên một bãi cát ven bờ suối nằm ở xã Sapả cách thị trấn khoảng 8km về phía Lào Cai, rồi sau này chợ mới dời về thị trấn này. Vì thế có thị trấn Sapa rồi lại có xã Sapả. Có người lại cho rằng, bãi cát xưa họp chợ chính là một vạt đất rộng có cát đùn từ dưới lên và là chỗ của sân bóng ngay giữa trung tâm, trước mặt nhà thờ cổ Sapa. Dân cư bị di dời sang nơi khác, đó chính là bản Sapả hiện nay. Từ trên đường về Lào Cai, ngay chỗ đoạn có tấm quảng cáo lớn của khách sạn Victoria, nhìn xuống thung lũng bên tay phải chính là các bản người H’Mông của xã Sapả. 
Theo tập tục người dân tộc ở Sapa họp chợ năm ngày một phiên giống người miền xuôi. Sau rồi, khi người Pháp đến đây thì theo lịch Tây, chuyển sang ngày cuối tuần cho thuận tiện. Người Dao thường ra chợ Sapa vào tối thứ bảy, buổi tối hôm đó họ ở lại đêm tại chợ và hát giao duyên thâu đêm đến sáng. Và sáng hôm sau chủ nhật thì ra chợ mua sắm và trở về bản. Còn người H’Mông thì vào sáng chủ nhật mới đi chợ, nhưng dần dà họ bắt chước người Dao, đi từ chiều thứ bảy, buổi tối múa hát thổi kèn rồi lại giao duyên đến sáng chủ nhật mới họp chợ. Cho đến hôm nay thói quen ấy vẫn còn và chợ sapa vẫn có bóng dáng của người Dao nhiều hơn. Vào buổi sáng chủ nhật, trên các nẻo đường dẫn đến thị trấn, người ta thấy nhiều người Dao từ chợ đi về bản và người H’Mông thì đi ngược lại từ bản ra chợ. 
Theo như nhiều cụ già ở đây kể lại. Ngày xưa chợ Sapa đông vui lắm. Chợ họp ngay ngoài trời trên một bãi đất rộng. Đàn ông cưỡi hoặc dắt ngựa, vai đeo súng kíp và ngang lưng buộc dao bọc trong hộp tre. Họ tìm chỗ buộc ngựa và không quên tháo bịch cỏ mang trên lưng ngựa xuống cho nó nhai, bởi vì phiên chợ còn dài lắm. Người ta thồ trên lưng nấm hương, mộc nhĩ, củi, gạo, ngô, khiêng tre vầu, lá tranh và cả các thân cây gỗ to ra chợ để đổi lấy thịt, muối, kim chỉ, vải vóc… Khi có sự xuất hiện của người Pháp, họ đã dựng một ngôi chợ gỗ rất to, mái bằng gỗ pơmu xẻ mỏng như kiểu mái nhà người H’Mông, trên chính mảnh đất của ngôi chợ bê tông ngày nay. Một góc trái của chợ là nơi buộc ngựa, còn ở chỗ rau bây giờ là các dãy máng cho ngựa ăn gọi là tràn ngựa. Xuống chút nữa là lối dẫn đến bản Cát Cát và dãy phố hoa kiều. 
Đến năm 1995 thì chợ cũ bị phá đi và xây chợ mới bằng bêtông hai tầng khang trang như ngày nay. Mặc dù chợ mới xây kiên cố bề thế nhưng người dân lại thích đứng ngồi, đi lại tản mạn ra các hè phố chung quanh, ra sân nhà thờ mà buôn bán và trò chuyện. Vì thế chợ Sapa có nghĩa là cả một khu vực dài rộng, dọc theo các con đường khu vực phố cũ. Và thế là chợ Sapa hình thành, níu chân nhiều du khách với cái ấm áp tình người, để rồi ở Sapa, du khách sẽ thích thú với bao điều mới lạ của thiên nhiên và con người nơi này. 
Tuy nhiên những phiên chợ cuối tuần ở Sapa mới là sức hút đối với nhiều du khách. Người dân tộc ở các bản làng xung quanh, xa xôi, khó khăn trong việc đi lại bởi xưa không có những phương tiện giao thông như bây giờ. Chợ phiên là nơi hội tụ của nhiều thành phần dân tộc thiểu số sống xa cách nhau ở vùng cao, có bản sắc văn hóa, phong tục riêng. Các phiên chợ này như thực hiện những ước hẹn truyền thống của tuổi trẻ, của yêu cầu sinh tồn, phát triển dòng giống. Sự xa cách về địa thế núi non và sự xa cách về tình cảm thông giữa các dân tộc vốn từ lâu là nhược điểm, là ngăn trở sự tăng trưởng dân số cũng như kiến thức ở miền cao, vùng sâu, vùng xa. Chính vì thế cần có những phiên chợ ước hẹn để trai gái lặn lội đường xa, tìm đến với nhau giao duyên và trao đổi hàng hóa với nhau. Một công hai ba việc tiện ích. Họ vừa buôn bán, vừa giao du, vừa mua được những thứ cần cho cuộc sống, vừa được thể hiện tình cảm, tình yêu thương đích thực giữa người và người. 
Tại các phiên chợ, không chỉ riêng gì Sapa, như chợ phiên Bắc Hà, Cán Cấu, Cốc Ly, Mường Khương, Tam Đường … ở rải rác các huyện của tỉnh Lào Cai, người dân tộc đem sản phẩm của mình ra chợ trao đổi buôn bán, họ khoe những sản phẩm do chính họ bỏ mồ hôi công sức ra làm. Đây có thể coi là cách khoe kỹ năng, nghề nữ công của các cô gái dân tộc, của những người phụ nữ đảm đang. Vì đi bộ đường xa từ các bản làng heo hút trong các thung lũng thăm thẳm, các cô gái phải ở lại qua đêm tại thị trấn chờ sáng hôm sau mới trở về. Tất nhiên có những cơ hội tình cờ trai gái gặp nhau và khi chợ tan, các sạp bán hàng đóng lại, các cô cậu còn ngồi đứng lóng ngóng trò chuyện chờ tới sáng. Dịp này cũng là cơ hội để các cậu trai làng bày tỏ tài nghệ tháo vác của mình. Thật chất từ chuyện mua bán, trao đổi hàng hóa, công việc mưu sinh cuối tuần đến hiện tượng mở rộng tình yêu rồi đi đến hôn nhân, thực tế là đã có nhiều cặp vợ chồng thành hình nhiều gia đình được tổ chức, sinh con đẻ cái đầy đàn, bắt nguồn từ những phiên chợ. Nhiều thôn bản ở xa nên đồng bào thường đến chợ từ chiều hôm trước. Khi mặt trời xế bóng, là lúc những đôi trai làng gái bản hối hả về chợ. Các cô gái trong bộ trang phục mới và đẹp nhất, có mùi thơm chàm, cùng các dải hoa văn rực rỡ, càng tăng thêm vẻ đẹp của núi rừng. Các chàng trai cũng rút sáo, đàn môi ra thổi vài điệu dân ca quen thuộc. Khi màn đêm buông xuống, bên ngọn lửa rực ấm tình người hay dưới những rặng cây gần chợ, những điệu hát giao duyên vang lên. Lúc đầu họ còn hát tập thể, về sau từng đôi ăn ý tách đôi nhau ra thủ thỉ tâm tình, bày tỏ tình cảm yêu thương.
 

CỔNG TRỜI SI MA CAI - LÀO CAI

Cổng Trời Si Ma Cai: Có cao độ, khí hậu ôn hòa như ở Sa Pa, nhưng đến Si Ma Cai, huyện vùng cao xa nhất tỉnh Lào Cai, du khách phải vượt qua mấy lần cổng trời 
Qua Bắc Hà gần 30 cây số đèo cao dốc đứng là đến Si Ma Cai, huyện cheo leo trên địa hình vòm nhô sông Chảy. Theo các tài liệu khoa học, Si Ma Cai có tuổi địa chất già nhất khu vực Bắc Bộ. 
Cư trú ở đây là đồng bào người Hmông (chiếm tỷ lệ trên 80%), còn lại là người Nùng, người Thu Lao và người Kinh có duyên nợ với nơi địa đầu biên ải này. Si Ma Cai có cao độ gần với Sa Pa, khí hậu ôn hòa, con người cởi mở hiếu khách và nghĩa khí.
Ở đây có đặc sản rượu ngô, gà đen, thịt lợn sấy. 
Trong kháng chiến chống Pháp, một chàng trai người Hmông ở Si Ma Cai đã tuyên bố trước sự dụ dỗ của bọn thực dân: “Người Hmông như con dao chỉ có một lưỡi, một lòng theo Đảng”. Đó chính là anh hùng Giàng Lao Pà. 
Mùa này, đồng bào đang tập trung cấy lúa vụ chính trong năm. Vẻ đẹp Si Ma Cai còn ít người biết đến do quá xa xôi, phải vượt mấy lần cổng trời mới tới.
 
 

BÃI ĐÁ CỔ SAPA - LÀO CAI

Bãi đá cổ Sa Pa nằm xen giữa những nương rẫy, ruộng bậc thang của đồng bào dân tộc thiểu số thuộc thung lũng Mường Hoa, trên địa bàn ba xã Hầu Thào, Sử Pán và Tả Van, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, được nhà khảo cổ người Pháp gốc Nga Glubev của Trường Viễn Đông Bắc Cổ phát hiện năm 1925. 
Bãi đá cổ trải rộng 8km² với gần 200 khối đá quanh con suối Mường Hoa là một minh chứng về sự xuất hiện của người tiền sử nơi đây. Trên mặt các khối đá là những hoa văn kỳ lạ với nhiều hình dạng: bậc thang, hình người, con đường, chữ viết... có những rãnh tròn khá giống biểu tượng mặt trời, những biểu tượng sinh sôi, nhiều những vạch kẻ lạ mắt.
Các nhà khoa học giả thiết đây là hình bản đồ cổ của người Mông, hoặc là cuốn sách cổ giới thiệu về những trận đánh... Có rất nhiều cách giải mã khác nhau của các nhà khoa học, nhưng tất cả mới chỉ là giả thiết. Bãi đá cổ Sa Pa là một trong những di sản thiên nhiên quý giá, chuyển tải vẻ đẹp nguyên sơ của một vùng đất, thu hút khách du lịch tới thăm và chiêm ngưỡng. 
Tháng 10 năm 1994, bãi đá cổ Sa Pa được Bộ Văn hóa - Thông tin (Nay là Bộ VH,TT&DL) công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia và hiện đang được Nhà nước đề nghị UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới.

Nguồn: saigontoserco

 

Bài Đọc Thêm:

Đi tìm lời giải cho bãi đá cổ Sapa

25 / 03/ 2013, 04:03:07

Bãi đá cổ Sapa được Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gi và đang được đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
 

Đi tìm lời giải cho bãi đá cổ Sapa

Bãi đá cổ nằm cách thị trấn Sapa 7 km theo hướng Đông Nam. Nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh - Giám đốc trung tâm nghiên cứu lý học Đông phương (TP.HCM) - người nhiều năm nghiên cứ bãi đá cổ Sapa, cho rằng bãi đá cổ Sapa ẩn chứa Kinh Dịch của người Việt cổ và ghi chép kho tàng văn hoá cổ Đông phương.

Bãi đá cổ Sa Pa có diện tích khoảng 8 km2, nằm ở thung lũng Mường Hoa, trên địa bàn ba xã Hầu Thào, Sử Pán, Tả Van huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai có khoảng 200 hòn đá có khắc nhiều hình vẽ kỳ lạ và cả chữ cổ được cho là của người Việt cổ. Năm 1925, bãi đá cổ Sa Pa được nhà khảo cổ người Pháp Glubev của trường Viễn Đông Bắc Cổ phát hiện.

Tại xã Hầu Thào, các hòn đá tập trung thành hai bãi. Bãi một nằm cạnh bản Pho, một bản của người H'Mông trên sườn núi sát đường cái, kéo dài xuống gần lòng suối. Số lượng đá có chạm khắc ở đây không nhiều. Chúng là những khối đá lớn, có khối dài tới13m. Bãi hai nằm giáp ranh biên giới xã Hầu Thào và Lao Chải.
 
Đi tìm lời giải cho bãi đá cổ Sapa
Đây là một bãi đá rộng với nhiều hình khắc thuộc nhiều loại, có những hình độc bản (chỉ xuất hiện trên một viên duy nhất). Các hình khắc có thể quy về vài nhóm chính: Hình tròn khắc giống cấu trúc hoa văn, hình Mặt trời, hình nam nữ giao phối, nhấn mạnh vào các bộ phận sinh dục, các đường vạch song song tựa như những quẻ Kinh Dịch...

Những luận giải về bãi đá cổ

Ngay khi được phát hiện, các nhà nghiên cứu đã có nhiều lý giải khác nhau về những hình khắc trên bãi đá này. Người thì khẳng định đây chỉ là những bức tranh tả thực, là những hoa văn trang trí, những hình người cách điệu đang tỏa hào quang...

Có nhà khoa học thì khẳng định toàn bộ bãi đá là một cuốn sách cổ khổng lồ của người Mông diễn tả các trận đánh ngày xưa. Một số nhà khoa học khác cho rằng những hình khắc trên bãi đá chủ yếu thể hiện những cánh đồng, thửa ruộng bậc thang và nhà cửa, làng bản, dân cư sinh sống...
 
Đi tìm lời giải cho bãi đá cổ Sapa

Người khác cho rằng hình khắc trên bãi đá cổ không thể là tư duy đơn giản của dân tộc Mông, hay Dao sống ở khu vực này từ 300 đến 600 năm về trước. Vấn đề thời gian xuất hiện hình khắc trên bãi đá cũng có nhiều ý kiến.

Có người cho rằng chủ nhân của những hình khắc này là người Mông, người Dao, sống ở vùng này từ 200 đến 600 năm trước. Người thì cho rằng đó là cư dân văn hóa Đông Sơn (cách đây 2.300 năm đến 3.000 năm).

Có người thì nhận định nó đã có cách đây 5.000 năm, thậm chí là lâu hơn nữa. Gần đây, tiến sĩ Phillipe Le Failler, Viện Viễn Đông bác cổ, cùng 20 cộng sự đã tiến hành dập lấy mẫu những bãi đá này.

Họ đã dập khoảng 200 tảng đá ở ba xã Hầu Thào, Sử Pán,Tả Van, lập thành 3000 bản dập và khoảng 2.500 bức ảnh. Những bản dập này và những dữ liệu định vị của các viên đá được nhập vào máy tính, sắp xếp, tính toán số lượng, sự lặp lại của các mẫu hoa văn... để làm cơ sở giải mã về các hoa văn, hình vẽ bí ẩn. Theo Phillipe Le Failler, hình khắc trên đá cổ Sapa có thể là một bản đồ, một bài cúng...

Yume

Nguồn: dulichvietnam

 

PHAN XI PĂNG - FANSIPAN - PHAN SI PANG - LÀO CAI

Phan Xi Păng: Sapa không chỉ nổi tiếng với khí hậu, với cảnh sắc và sắc màu dân tộc mà còn là nơi duy nhất trên Việt Nam và cả Đông Dương sở hữu đỉnh núi cao nhất – 3.143m, được liệt vào hàng thứ 10 trên thế giới trong danh sách những ngọn núi cao nhất thế giới. Không chỉ được xem là “nóc nhà của Việt Nam” mà còn là “nóc nhà của Đông Dương”. Ngọn núi này đang là một thách thức đối với những ai ưa thích phiêu lưu, mạo hiểm và chinh phục đỉnh cao. Nếu có ý định leo núi Phanxipăng thì du khách sẽ phải hoạch định một chương trình leo núi băng rừng ít nhất 1 tuần. Và điều dễ dàng và thuận tiện cho du khách trước là nên liên hệ với tổ chức du lịch tại địa phương. 
Khoảng 600 triệu năm về trước, khắp vùng Tây bắc Việt Nam còn chìm sâu dưới lòng đại dương, sau 3 kỳ vận động tạo sơn thì mãi đến thời kỳ tân kiến tạo cách ngày nay khoảng trên 100 triệu năm, Hoàng Liên đột ngột nhô lên thành một dãy trùng điệp. Với chiều dài 280 km, từ Phong Thổ (Lai Châu) đến Hòa Bình, chiều ngang chân núi rộng nhất là 75 km và hẹp nhất là 45 km, dãy núi gồm 3 khối cơ bản : 
1. Khối Bạch Mộc Lương Tử 
2. Khối Phan Xi Păng 
3. Khối Pú Luông 
Cả mái nhà đồ sộ này ẩn chứa khá nhiều điều lạ kỳ và bí ẩn. Đỉnh Phanxipăng là ngọn núi tập trung nhiều tiềm ẩn còn chưa được khám phá hết. Đây được coi là bảo tàng thiên nhiên kỳ vĩ, với thảm thực vật có hơn 700 loài đặc hữu rất đáng ngạc nhiên. Dưới chân núi là những cây gạo, cây mít, cây cối dày đặc. Cũng chính từ những địa loại thực vật đó, mà người dân tộc đã lấy đó là tên đặt cho địa danh theo lối “thấy mặt đặt tên”: Cốc Lếu – nghĩa là gốc cây gạo, Cốc San – nghĩa là gốc cây mít …Từ đây lên đến độ cao 700m nữa là vành đai nhiệt đới với những vạt rừng nguyên sinh rậm rạp, chằng chịt những dây leo. Từ khoảng 700m trở lên là tầng cây hạt trần như cây pơmu. Nhiều cây to gốc, đại thụ lớn đến nỗi vòng tay của 4-5 người ôm vẫn không xuể, cao 50 –60m đã sống hàng mấy thế kỷ qua. Cây Pơmu còn gọi là Ngọc Am, được coi là loại gỗ quý hiếm được coi như “cây vàng” của tỉnh Lào Cai. Bên cạnh Pơmu thì còn nhiều loại gỗ quý hiếm khác như thông đỏ, hoàng đàn, các loại sam như lãnh sam, thiết sam, liễu sam và kim sam. Các loại cây lá kim như trúc ken dày với các loại thân gỗ nhỏ trụi, thân luôn sũng nước, do ở độ cao thường có khí ẩm và mưa sương, có khi cả năm Phanxipăng chìm ngập trong những trận mưa dầm kéo dài suốt cả tháng không dứt. 
Trong rừng cây lá kim này thì đỗ quyên, phong lan rừng và hoàng anh luôn rực rỡ sắc màu hơn cả. Gần như trong cả 4 mùa, Sapa đều tràn ngập trong sắc màu của hoa glaieul, thược dược, gõ nha, … là những “nàng công chúa hoa” hiếm hoi ở miền xuôi. Riêng hoa đỗ quyên thì có đến 4 chi và hơn 20 loài khác nhau, và có những nơi trong rừng, loài hoa này chi chít, nở rực cả núi rừng. Tại việt Nam có đến 111 chi phong lan và 643 loài, thì tính riêng ở Phanxipăng có tới 330 loài, chiếm hơn phân nửa số phong lan có mặt tại Việt Nam. Sapa – Phanxipăng là xứ sở của các loài hoa và cây ăn quả ôn đới như đào, mận, lê, táo … suốt 4 mùa. Đầu mùa thì có đào to, thơm ngát, vị ngọt nhẹ. Vào cuối tháng 6 thì đào rộ lên, quả ửng hồng. Cuối mùa thì có đào màu vàng, ngọt, hương vị rất đặc biệt và hấp dẫn khách phương xa. Riêng mận ở Sapa có nhiều loại ngọn và đẹp, nhất là mận tím ở Tả Van, quả Glaieul đáy sai trĩu trên cành đến nỗi làm nên một loại đặc sản của Sapa – rượu mận Tả Van. 
Lên đến độ cao 2.400m, mây và gió cứ len lỏi ôm ấp lấy cây rừng trên sườn núi. Có lúc tưởng chừng như chúng ta có thể xòe tay ra mà nắm bắt lấy từng áng mây, từng cơn gió trời lồng lộng. Từ độ cao 2.800m trên sườn núi, mây mù chợt tan biến giữa bầu trời khoáng đãng, trong xanh, chỉ có gió thổi làm cho thảm thực vật như dính chặt vào vách núi. Ở đây xuất hiện loại trúc lùn dán kín mặt đất trên long chừng núi, những bụi trúc này chỉ cao từ 25cm đến 30cm, thân trơ trụi, phần ngọn thì có một ít lá phất phơ nên được người dân đặt cho cái tên khá ngộ nghĩnh: ”trúc phất trần”. Trong khu vực này còn có bóng dáng của một số loại cây thuộc họ cói, họ hoa hồng, họ cúc, họ hoàng liên… Với thế đất xương xẩu trơ gốc đá, gió lại không ngớt ào ạt trong khí hậu giá lạnh, nhưng những cây hoàng liên – một loại dược thảo quý vẫn vươn lên sống mãi. Dãy Hoàng Liên ngoài loại đặc hữu này còn có khá nhiều loại dược thảo quý khác nữa như linh chi, sơn tra vv… Và trên điểm cao 2.963m, có một cột mốc đánh dấu năm 1905 người Pháp đã chinh phục đỉnh này. Lên cao nữa là một khối đá khổng lồ nằm chênh vênh, giống như một chiếc bàn đá. Chính từ Phanxipăng được đọc chạy từ “hua xi pan” của tiếng dân tộc địa phương, nghĩa là phiến đá khổng lồ nằm chênh vênh cao ngất ngưỡng giữa mây trời. 
Chinh phục đỉnh Phanxipăng còn là một mong mỏi và ước ao của một số người ưa thích phiêu lưu mạo hiểm và vận động thể lực. Năm 1960 một đoàn vận động viên leo núi người Nga và người Đức đã dùng dụng cụ leo núi chuyên nghiệp để lên tới đỉnh. Về sau này, khi du lịch phát triển, việc chinh phục đỉnh Phanxipăng đã trở thành một tiết mục hấp dẫn trong nhiều nội dung chương trình tour tại Sapa. Đã có khá nhiều người chinh phục được đỉnh núi này. Có 3 hướng đi cơ bản để lên tới đỉnh Phanxipăng: 
1. Đi dọc theo suối vàng Cát Cát trên những lối mòn của người H’Mông. 
2. Đi qua bản Xín Chài. Đường đi này dốc hơn, khó đi. 
3. Từ đỉnh đèo Ô Quy Hồ. Cung đường này xa hơn. 

Vì thế nếu đã muốn tham gia vào chuyến phiêu lưu mạo hiểm chinh phục đỉnh Phanxipăng rồi, thì không lý do gì mà du khách lại không chọn con đường từ bản Cát Cát để đi thuận lợi hơn. Đường này sẽ dẫn chúng ta qua nhiều nơi có tầm nhìn xa và rộng. Vượt qua bản của người H’Mông, tới một cầu treo dẫn tới một dốc dựng đứng, vượt qua dòng suối có nước buốt lạnh, rồi mới tới một cánh rừng già, tại đây có nhiều gốc cây khá lớn đã bị chặt phá bởi một số người dân chưa ý thức và cả lâm tặc. Khi ra đến bìa rừng, dưới tán cây cao là nương thảo quả thơm ngát của người H’Mông. Chỗ này có độ cao khoảng 1700m. Tiếp đến là “dốc thử thách”. Ai mà vượt qua được dốc này coi là đủ sức để leo đến đỉnh. Đến đoạn vượt xong dốc đứng này, chúng ta phải ngồi lại nghỉ ngơi để lấy sức cho chặng đường tiếp theo. Sau đó phải men theo một triền núi chênh vênh. Từ đây nhìn xuống bên dưới là bóng dáng của thị trấn Sapa bé nhỏ với những chấm li ti là những mái ngói nhà màu đỏ và những con đường như sợi chỉ ngoằn nghoèo, nếu như thời tiết tốt và trời quang mây tạnh. Mất gần trọn một ngày mới lên đến độ cao 2080m, và đây là điểm nghỉ đêm đầu tiên trong chuyến hành trình. 
Hôm sau, khoảng 7h sáng là tiếp tục khởi hành, băng qua một cánh rừng già, một nương thảo quả nhỏ, đó là dấu vết cuối cùng của đời sống con người trong khu vườn quốc gia Hoàng Liên này. Đến một dốc dài đối diện với vách núi dựng đứng, bên kia là đáy vực sâu. Đến đây cây cối dường như thấp và có phần cằn cỗi vì đất mùn ở khe núi quá ít. Tại đỉnh dốc là một rừng cây cổ thụ còi cọc, rêu mốc phủ dày từ gốc tới ngọn, rất kỳ lạ. Ở độ cao 2400m là nơi có nhiều cây tùng cổ thụ thấp, vươn mình ở vách đá chênh vênh. Rừng tùng này có mỗi cây một dáng vẻ riêng, càng vào sâu càng trở nên ngoạn mục. Chặng đường còn khá xa, phải vượt qua một dốc đứng nữa, với nhiều cây cối thân nhỏ, và mọc nhiều nhất là đỗ quyên. Sau đó len lỏi trong các lùm cây um tùm, vượt qua rừng trúc thân như chiếc đũa, đầu ngọn xòe ra, cụm lá dày đặc, cao chưa tới vai. Đến độ cao 2900 thì hoàng hôn đã tắt, du khách lại phải nghỉ một đêm trên núi, thời tiết giá buốt hơn trước. Qua đến ngày thứ 3, du khách sẽ lại phải băng qua một rừng trúc bạt ngàn, ba con suối nhỏ, rồi thì đỉnh Phanxipăng dần vụt hiện ra như một đầu người khổng lồ, và vầng trán là đích đến cuối cùng. Trên mặt phẳng dốc nghiêng của tảng đá to lớn như chiếc bàn, có cột mốc bằng inox do các vận động viên leo núi người Đức và Nga đánh dấu độ cao nhất vào năm 1984, và đó là một quá trình đầy gian khổ để đưa ta tới đỉnh cao của vinh quang và niềm tự hào: chinh phục được “nóc nhà của Đông Dương” – một niềm mơ ước mà ít ai thực hiện được

Nguồn: saigontoserco

 

SAPA - LÀO CAI

Sa Pa là một thị trấn và cũng là một khu nghỉ mát nổi tiếng thuộc huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, Việt Nam. Từ Hà Nội, có thể đi bằng tàu hỏa hay ô tô đến thị xã Lào Cai (376 km). Tuy nhiên việc đi lại bằng ô tô có thể gặp trở ngại về mùa mưa. Từ Lào Cai đến Sa Pa bằng ô tô hoặc xe máy trên quãng đường khoảng 38 km. Sa Pa đồng thời cũng là tên gọi của một huyện của tỉnh Lào Cai.

Nằm ở phía Tây Bắc của Việt Nam, thị trấn Sa Pa ở độ cao 1.600 mét so với mực nước biển, cách thành phố Lào Cai 38 km và 376 km tính từ Hà Nội. Ngoài con đường chính từ thành phố Lào Cai, để tới Sa Pa còn một tuyến giao thông khác, quốc lộ 4D nối từ xã Bình Lư, Lai Châu. Mặc dù phần lớn cư dân huyện Sa Pa là những người dân tộc thiểu số, nhưng thị trấn lại tập trung chủ yếu những người Kinh sinh sống bằng nông nghiệp và dịch vụ du lịch. 
Sa Pa có khí hậu mang sắc thái ôn đới và cận nhiệt đới, không khí mát mẻ quanh năm. Thời tiết ở thị trấn một ngày có đủ bốn mùa: buổi sáng là tiết trời mùa xuân, buổi trưa tiết trời như vào hạ, thường có nắng nhẹ, khí hậu dịu mát, buổi chiều mây và sương rơi xuống tạo cảm giác lành lạnh như trời thu và ban đêm là cái rét của mùa đông. Nhiệt độ không khí trung bình năm của Sa Pa là 15 °C. Mùa hè, thị trấn không phải chịu cái nắng gay gắt như vùng đồng bằng ven biển, khoảng 13 °C – 15 °C vào ban đêm và 20 °C – 25 °C vào ban ngày. Mùa đông thường có mây mù bao phủ và lạnh, nhiệt độ có khi xuống dưới 0 °C, đôi khi có tuyết rơi. Lượng mưa trung bình hàng năm ở đây khoảng từ 1.800 đến 2.200 mm, tập trung nhiều nhất vào khoảng thời gian từ tháng 5 tới tháng 8. 
Thị trấn Sa Pa là một trong những nơi hiếm hoi của Việt Nam có tuyết. Trong khoảng thời gian từ 1971 tới 2008, 14 lần tuyết rơi tại Sa Pa. Lần tuyết rơi mạnh nhất vào ngày 13 tháng 2 năm 1968, liên tục từ 3 giờ sáng đến 14 giờ cùng ngày, dày tới 20 cm. 
Vào thập niên 1940, người Pháp đã quy hoạch, xây dựng Sa Pa thành nơi nghỉ mát, điều dưỡng khá lý tưởng. Ở đây có đầy đủ hệ thống thủy điện, trạm nước, dinh toàn quyền, toà chánh sứ, sở than, kho bạc, kiểm lâm, hệ thống đường nhựa và đặc biệt là hơn 200 biệt thự theo kiểu phương Tây ở ngay trung tâm thị trấn, nằm xen giữa những cánh rừng đào và những rặng samu. Điều này làm cho thị trấn này mang nhiều dáng dấp của một thành phố châu Âu. 
Các dịch vụ du lịch của Sa pa được các du khách ngoại quốc đánh giá khá tốt. Một số khách sạn ở Sapa như Violet, Royal, Vitoria,... được xây dựng khoảng 2004 đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước khá tốt. 
Về phía tây thị trấn Sa Pa là dãy núi Hoàng Liên Sơn, bốn mùa vào buổi sáng sớm sương giăng mờ mịt. Nơi đây có đỉnh Phan Xi Păng cao 3.143 mét rất thích hợp cho ngững người thích môn leo núi và là khu vực của nhiều loại động, thực vật quý hiếm như cây hoàng liên, thông dầu v.v. Có 37 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam. 
Sa Pa có nhiều cảnh đẹp tự nhiên như thác Bạc cao khoảng 200 m, cầu Mây là một di tích lịch sử của người dân tộc, cổng Trời là điểm cao nhất mà đường bộ có thể đi tới để đứng ngắm đỉnh Phanxipan, rừng Trúc, động Tả Phìn, bãi đá cổ Sa Pa nằm trong thung lũng Mường Hoa. Hàm Rồng là nơi trồng rất nhiều loại hoa, màu sắc sặc sỡ và được trồng theo từng khuôn viên. Ở nơi đây cũng có vườn lan với nhiều loại hoa quý hiếm.

Nguồn: saigontoserco

 

 

Sưu Tầm Tài Liệu và Web Design

  Hà Phương Hoài

Hỗ Trợ Kỹ Thuật

Hoàng Vân, Julia Nguyễn

Web Database

Nguyễn Hoàng Dũng
Xin vui lòng liên lạc với  haphuonghoai@gmail.com về tất cả những gì liên quan đến trang web nầy
Copyright © 2003 Trang Ca Dao và Tục Ngữ
Last modified: 10/19/17