|
-
Miền Thôn Dã
-
NGUYỄN VIẾT TÂN
-
-
Long Xuyên không phải là nơi tôi
được sinh ra, nhưng mỗi lần nghe bản nhạc Giòng An Giang:
-
- Giòng An Giang sông sâu sóng
biếc
-
Giòng An Giang cây xanh lá
thắm
-
Lả lưới về qua Thất Sơn
-
Châu Đốc giòng sông uốn quanh
-
Soi bóng Tiền Giang Cửu
Long...
-
-
Là tôi lại nhớ đến miền đất hiền
hoà ấy.
-
Từ Bắc Vàm Cống đi lên tới gần
chợ Long Xuyên, có con đường nhỏ tẽ vô bờ sông lớn là tới
nhà ông già nuôi tôi . Căn nhà màu xanh, có sàn cao để chống
mùa nước nổi, có hàng mận tốt tươi trái xanh đỏ lúc lỉu mỗi
độ hè sang, có cây mít đặc biệt trái không chịu nằm trên
cành, mà xếp đầy dưới đất như một bày heo con nằm bên vú mẹ.
-
Ở đây người ta làm nghề thủ cộng
nghệ, chế tạo tử cây đinh, leng, xẻng, búa và nhiều nhứt là
nghề đúc nhôm. Người ta thường gọi ông già nuôi tôi là ông
Tư Chưn vịt, không phải cùng ông như cẳng vịt hay đi lạch
bạch như vịt bầu đâu, mà là bởi vì ổng chuyên đúc Chưn vịt
chạy máy ghe tàu. Sau này có chuyển đúc piston nữa nhưng cái
tên ông Tư Chưn Vịt chắc ổng sẽ mang cho tới ngày theo ông
theo bà.
-
Tôi xin mời các bạn đi về miền
quê Hậu Giang yêu dấu đó.
-
-
Làm Giàu
-
-
Thằng cháu rể hỏi tôi: “Chú biết
tại sao, ba cháu hồi trước 75, ruộng nương không có mà ổng
giàu không?”
-
- Dỡn chơi mậy. Ông có nhà máy
làm đường, lại có cơ sở làm men thì giàu là phải.
-
- Không phải do hai cơ sở đó đâu,
dĩ nhiên nó có dính liu tới, nhưng chuyện này hồi đó gia
đình cháu dấu, bây giờ qua đã hết rồi để cháu kể chú nghe.
-
- Khoan đã, để tao đi pha hai ly
cà phê rồi mày hãy kể. Vừa pha cà phê, tôi vừa ngẫm nghĩ:
Làm giàu thì ai mà không muốn, tại sao mình không tìm hiểu
để bắt chước làm giàu như người ta? Cho dù Chúa có phán
“Người giàu vào được nước thiên đàng còn khó hơn con lạc đà
chui qua lô kim”. Nghe theo lời Chúa cái gì thì được, chứ
cái vụ giàu thì tôi nghĩ khác. Mình giàu mà dùng tiền bạc
làm điều phải, giúp đỡ kẻ khốn cùng thì được quá đi chớ.
-
Sáng chủ nhật mùa thu có chút
sương mù, gây gây lạnh. Chú cháu tôi ra vườn phì phà điếu
thuốc bên ly cà phê nóng. Thằng cháu rể thong thả kể chuyẹn
làm giàu của ông già nó.
-
Ông Hai Sáng, sui gia của anh chị
tôi, có hai cơ hội làm giàu
-
Trước hết nói về lò đường. Ông
nhận ép mía cho nông dân theo tấn, họ đem mật mía về tự làm
ra đường. Ông cũng còn mua mía về ép rồi nấu đường.
-
Hồi khởi đầu, ép mặt bằng “che”,
đó là hai cái trục làm bằng cây gỗ căm xe dựng đứng bên
nhau, dùng sức bò hay trâu kéo một cái cần như cái dàng xay
lúa đi vòng tròn quanh trục. Một người ngồi cho “ông che
ăn”, nghĩa là đút mía vào ép. Mật mía được hứng dưới đáy và
chảy vào thùng. Tại sao lại gọi là “ông che”? Vì ông hay ăn
cả cánh tay người đang ép mía khi người này mỏi mệt quá mà
ngủ gục, trong khi tay vẫn đều đều thọc mía vào máy ép, mà
mắt thì ngủ.
-
Tai nạn càng xảy ra nhiều thì ông
che lại cũng được nể sợ và cúng kiến nhiều hơn. Ở miền quê,
con gì, cái gì làm người ta sợ thì đều được tôn lên là ông
cả. Ông cọp; ông sấu; ông lò vv...
-
Mật mía được nấu và đổ ra muỗng
có lót bùn non. Khi đang nấu, bọn con nít thường hái lá
chanh hay lá mít, loại lá già vừa phải, nhúng vào nồi đường
đang nóng rồi xô dây treo lên phơi. Khi khô rồi, lớp đường
trong như kiếng phủ bên ngoài, có thể nhìn thấy màu xanh và
từng gân lá phía trong. Cắn một miếng kẹo lá này thì hết
biết, nó dòn, ngọt, mang mùi mật lai có vị thơm mùi lá cây.
-
Hồi xưa chỉ làm được đường thẻ và
đường tán, sau này máy ép mía chạy bằng máy dầu, sạch sẽ mà
công xuất mạnh hơn nhiều. Mật mía cũng nhờ máy li tâm làm ra
đường cát, nhưng làm sao trắng bằng đường Hiệp Hòa, nói chi
đến đường nhập cảng. Bởi vậy giá bán rất hạ. Tóm lại nghề lò
đường chỉ đủ ăn chứ không làm giàu được.
-
Tới đây xin ngưng lại một chút
nói về con đường, một món ăn lừng danh mà nghe nói ngày
trước, mỗi lần ông Kỳ hay ông Thiệu về miền Tây thường được
đãi ăn. Món này chỉ họa hoằn mới thấy xuất hiện trên thực
đơn nhà hàng Đồng Khánh Chợ Lớn. Đuông là một loại sâu trắng
to bằng ngón tay cái, nhà hàng bỏ con còn sống vào chén nước
mắn hay xì dầu cho nó uống no, rồi chiên trong chảo dầu, nó
sẽ phóng lên vàng rộm. Con đuông đục lỗ để ăn ngọn cây dừa
(cổ hủ) và cây chà là , nó đùn xác dừa ra ngoài lỗ thì người
ta mới biết, họ đục lỗ to ra để bắt, đôi khi đuông còn non
quá, có lúc lại quá già gần biến thành con rẩy to hơn con
cánh cam hay con bọ hung. Non quá hoặc già quá đều không có
giá trị.
-
Cây dừa phải trồng bao nhiêu năm,
đục ra bắt được mấy con đuông là cây chết ngắc. Cây chà là
thì nhiều hơn, nó mọc chen chúc nhưng gai nhọn lểu. Như vậy
mới biết rằng bắt được con đuông là một kỳ công nên giá trị
của nó phải lớn. Ở đời, cứ cái gì hiếm thì trở nên quí, chứ
không chắc gì con đuông ăn ngon như lời người ta thường đồn
đãi, người nhát trông thấy hình thù nó giống con sâu, chưa
chắc đã dám ăn.
-
Ông Hai Sáng một hôm cầm mỏ sảy
hất tung đám xác mía lâu ngày đã dồn đống ở phía sau lò
đường, ông nhìn thây nhiều con đuông mà khởi đầu ông tưởng
là con sâu đất, cho đến khi thấy một con sắp biến thành rầy,
ông mới biết mình vừa đào trúng mỏ vàng. Ông âm thầm bắt xếp
vào hộp đưa lên nhà hàng trên Chợ Lớn bán. Dĩ nhiên ông đã
khôn lanh bắt những con vừa lứa, lại còn để lại một số lớn
lên, bay đi rồi trở lại đẻ trứng trong tương lai. Tuy mía đã
ép rồi, nhưng vẫn còn sót lại một ít đường, con đuông ăn xác
mía này thay thế cho đọt dừa. Đống xác mía vô tích sự không
ai thèm để ý lại là một mỏ vàng bí mật.
-
Bây giờ kế đến việc làm men.
-
Bột gạo lức xay ra phải trộn
nhiều vị thuốc Bắc như: Hóng khấu làm cho men rượu có vị
nồng; Đại hồi gây ra vị ngọt và thơm; nang mực làm men nở
xốp; Nhưng căn bản vẫn là củ riềng. Loại củ hay được dùng để
ướp thịt chó đó. Men được vo viên to bằng quả trứng gà rồi
phơi khô, bán cho người nấu rượu.
-
Ở tuốt dưới Rạch Giá có quận
Giồng Riềng, ở đó riềng mọc như rừng. Miền Nam có nhiều
giồng lắm: Giồng Trộm, Giồng Ông TỐ vv.. Đó là những vồng
đại cao, có lẽ mấy ngàn năm về trước nó là một dẫy núi. Về
sau đất bôi lên mãi nên bây giờ nó chỉ còn cao hơn vùng
chung quanh một ít. Đất ở đó không phải đất phù sa, nó là
đất cát pha sỏi.
-
Ông bà Hai Sáng thường xuống mua
riềng về để xài, rồi còn bán cho người Tàu Chợ Lớn xuất đi
mọi nơi, kể cá ngoại quốc. Người Tàu là chúa dìm giá, khi
thấy mầm non nhú ra, họ chê riềng phơi chưa khô. Mà ở miền
Nam mưa hoài, chỉ cần trúng ít nước mưa là củ riềng mọc mầm
ngay.
-
Ông Hai nghĩ ra được một cách, mà
trước nay không ai nghĩ tới: ông đem luộc sơ lên rồi mới
phơi. Như thế dù có đem ngâm nước, bố nó cũng không mọc nổi
mầm. Mà vì một luộc sơ sơ nên vị thuốc ở trong củ không thay
đổi gì mấy.
-
Một lần hai ông bà đưa riềng lên
Chợ Lớn bán, ông về trước nhưng bà phải ở lại vì phải chờ
chuyến tàu từ Hồng Kông qua mới có một vị thuốc quan trọng.
Bà chủ tiệm lại là một người Việt, nên bà Hai trọ ở đó luôn.
Bà chủ hỏi:
-
- Ở dưới đó không có tiếng già
hay sao?
-
- Trời ơi, nó mọc thâm căn cú đế
từ hồi nào ở trong rừng mà sao chị nói hổng già.
-
- Nếu già sao không có trái ?
-
- Tui không có theo người ta vô
rừng nên không chắc, nhưng tui nghĩ rằng nó có trái.
-
- Nếu có trái thì chị đi mua làm
chi?
-
- Tui mua hồi nào ở đâu?
-
- Chớ chị đang đợi thứ gì đó?
-
- Hồng Khấu.
-
- Thì Hồng Khấu chính là trái
riềng.
-
Rồi bà Hai vỗ đùi kêu lên:
-
- Trời ơi, tui đâu có biết Hồng
Khấu là trái riềng, nếu vậy để chuyến này tui về dưới đó mà
có, thì tui khỏi thất cũng lên đây mua.
-
- Nếu đúng vậy thì chị phải chở
lên đây bán cho tui, chớ trái đó nhập cảng mắc quá trời. Nếu
có nhiều, tui còn xuất cảng ngược qua Hồng Kông và Singapore
nữa chớ dỡn chơi sao? Nè nếu ông trời mà thương, thì tui với
chị phen này khá lên cấp kỳ.
-
Từ đó, bà Hai cứ đều đều đi mua
thứ trái riềng mà người ta vất đi đó, với giá rẻ rề, chở lên
Sài Gòn bán, rồi mua vàng lá hiệu ba trái núi đem về chôn
dấu ở dưới đống xác mía.
-
Nghe chuyện, tôi hỏi thằng cháu
rể:
-
- Bây giờ còn chôn đó không mậy ?
-
- Đào lên để đóng vàng đi vượt
biên hết rồi chú !!!
-
-
Nuôi Dơi
-
-
Ông Hai Sáng, ông Sui của anh chị
tôi mà tôi có dịp nhắc tới trong chuyện Làm Giàu, tôi mới
gặp ổng chiều hôm qua đây nề. Hai ông bà được con bảo lãnh
qua Mỹ chơi. Gặp lôi, ổng bả mừng lắm, nói cười huyên
thuyên, kể chuyện xưa, chuyện nay như không muốn dứt. Tôi
cũng cười muốn đứt ruột luôn.
-
Con trai ông kể:
-
- Xuống tới phi trường Lốt, ba má
cháu theo cháu lôi đồ ra xe, hàng biết ổng mang cái gì mà
tới bốn năm cái goa-ly căng phồng, về nhà mới biết đó là khô
mực khô thiều, mang cả bột nếp qua đây để gói bánh ít cho
cháu nội ăn.
-
Ngồi trên xe, ổng nhún nhún rồi
khen cái nệm êm, khen đường lộ thẳng tắp rộng thênh thang,
khen nhà cửa cảnh trí đẹp đẽ, rồi nói:
-
- Cha ! Tưởng đâu chỉ có ở VN mới
có bán nem như nem Thủ Đức hay nem Lai Vung, hổng dè ở phi
trường bên Mỹ đây cũng có bán.
-
- Uở, trong siêu thị VN mới có
nem, chứ ngoài phi trường làm gì có bán, ba.
-
Có mà, tao thấy nó để rõ ràng ,
một bên đề Nem, bên kia đề Vỏ Nem. Có điều Mỹ nó cũng đánh
vần sai trớt quớt.
-
- Trời trời, cái đó là cầu tiêu
mà ba, một bên là Men, còn bên kia là Women, tức là đàn ông
với đàn bà.
-
- Dậy hả, vậy mà tao cứ tưởng bán
nem.
-
Ở Nam Cali tuy đã cuối hè, nhưng
buổi chiều khá mát, ông Hai lên bộ đồ kiểng, dạo ra phố
Bolsa. Tuy cách nhà chừng một dặm và quẹo có ba bốn cát neon
nhưng lần đầu đi chơi, lúc trở về ông lạc cả hơn tiếng đồng
hồ, vì:
-
- Sao tao thấy nhà ở Mỹ cái nào
trông cũng giống như cái nào, ngay cái nhà này, tao thập thò
hoài ngoài cổng mà hông dám vô, tới lúc nghe tiếng con vợ
mày la mấy đứa nhỏ, tao mới biết chắc là nhà mình.
-
Ông khoái cái thái độ vui vẻ của
mấy người Mỹ hàng xóm :
-
- Bà nó ơi, người Mỹ ở đây họ
lịch sự quá, họ chào tôi, và còn biết thứ của tui nữa, họ
kêu tui : Hai! Rồi họ vẫy tay.
-
Ông Hai còn kể cho tôi nghe nhiều
chuyện ở xứ Mỹ này, nhưng hầu hết chúng ta đã biết và đã
trải qua trong những ngày đầu đến Mỹ. Vậy nên tôi chỉ kể
chuyện làm ăn của ông bên VN mà thôi. Đó là chuyện nuôi dơi.
-
* Người ta nuôi trâu bò, heo cá,
nuôi tôm rùa rắn rết thì nghe tới đã nhiều, nhưng nuôi dơi ?
Một loài đen đủi, xấu xí mà con người có ác cảm. Mà nuôi
giống đó làm gì mới được chớ ? Thưa rằng nuôi để lấy phân.
-
Ông Hai là người nông dân Nam Bọ
chính hiệu Con Bướm Vàng, loại người mà khi ngồi uống cà-
phê thường co một chân lên ghế cho nó “phẻ”. Hồi năm 1965
ông có ruộng vườn ở cách đường lộ chừng nửa cây số. Thấy lúc
trời chạng vạng tối, có nhiều dơi bay xập xoạng, ông làm thử
một chuồng dơi, đó là một cây cột cao gần mười thước, tiện
chót đóng cây ngang như một cái dù và cột từng chùm lá cây
thốt nốt ( Cây này mọc nhiều ở miền Tây VN và bên Cam Bốt,
nó giống y hịt cây Mexican Palm bên Mỹ).
-
Ban ngày dơi rúc vô đó mà ngủ,
đêm mới bay ra ăn bồ chét, rầy, muỗi.Thấy qua một đêm mà cứt
dơi đã đầy lên gần một ngón tay, ông Hai liền bỏ tiền ra làm
thêm tới mười ba chuồng loại hai cột, loại này có cái lợi là
dựa nhau nên đứng vững trước mưa to gió lớn. Thời thập niên
60, nông dân VN chưa xài phân hóa học nhiều như bây giờ, có
nhiều người chưa từng nhìn thấy phân Urê nó ra làm sao nữa
Lúa thì hầu như không ai phải bón phân, chỉ có người làm ray
mới dùng phân bò, phân cá, để bón dưa, đậu, bí và dây tiêu
mà thôi.
-
Phân trâu hò thì ai cũng biết
rồi, nhưng phân cá không phải là cứt con cá đâu. Phân này họ
lấy từ xác cá ở những nhà thùng làm nước mắm, nhưng nó mặn,
đem bón liền thì cây sẽ chết, nên họ trộn thêm cá vụn, loại
cá mà heo nó cũng chê, rồi ủ cho hoai ra mới dùng được. Dĩ
nhiên phân cá rất tốt nên mắc tiền lắm.
-
Con dơi chó, dơi quạ nặng chừng
nửa ký, chuyên ăn phá trái cây, nhưng dơi chuột mà chúng ta
đang nói tới đây là loại ăn muỗi, rầy, thân nó nhỏ bé như
con chuột nhắt. Dơi chuột ngày xưa ở rất nhiều trong các
hang động vùng núi Thất Sơn, nhưng từ khi chiến tranh lan
rộng, những toán du kích ẩn núp trong hang, những trái ô
buýt bắn hàng ngày vào vách núi làm đàn dơi sợ hãi bỏ chốn
núi rừng càng ngày càng nhiều, để bay về vùng ít tiếng súng
hơn. Chuồng dơi của ông Hai dơi về ở đầy nhóc nhách, nó đu
lộn đầu xuống đất chen chúc đen kịt trong những túm lá thốt
nốt và để nhanh như chuột, nhưng môi lần chỉ để hai con mà
thôi, vì dơi con bám dưới bụng mẹ, nếu đẻ hàng chục con như
chuột thì dơi mẹ bay sao nổi.
-
Phân dơi được cào vô mỗi ngày một
lần, đem phơi khô rồi đóng bồ, việc làm này cũng phải cẩn
thận nếu không nó sẽ nát nhừ ra như cám.
-
Những đám ruộng lúa gần chuồng
dơi xanh như hành lá lúa rất trúng. Nhưng những đám ruộng
gần quá, trong vòng 100 thước thì vì quá tốt, lá nhiều nên
cả lúa đổ ập xuống, mất trắng. Chủ ruộng bắt bồi thường, nên
sau một vài năm ông Hai mua luôn số lượng đó mà để hoang. Lý
do là dơi bay đi bay về gần chuồng nhiều, phân cứt rơi vãi
nhiều, nên ruộng tốt quá mà canh tác lúa không có lợi, thà
để cỏ mọc cho trâu ăn còn có ích hơn.
-
Có sản phẩm rồi, nhưng tiêu thụ ở
đâu ? Nông dân trồng lúa gần ở đây thì đâu có ai bỏ tiền ra
mua phân, thôi đành đổ xuống ghe mà chở đi bán. Tử Cái Sắn
chạy dài xuống Cầu Quằn Rạch Sỏi, người ta làm ray ven sông
thiếu gì, nhưng ông Hai không bán được một gia phân nào,
chào hàng đến đâu cũng bị thiên hạ từ chối, dù giá bán rẻ
bằng nửa phân cá:
-
- Em nói cứt dơi tốt, thì qua
cũng biết vậy, nhưng qua đã làm rẫy hơn hai chục năm rồi,
chỉ có bón phân cá mà thôi. Nay nếu nghe em mà bỏ mồi bắt
bóng, lỡ thất mùa thì làm sao?
-
Gần một tuần lễ chở phân đi rồi
lại chở về, nhìn gương mặt thiểu não của cả nhà, ông Hai lại
chở đi nữa. Lần này ông “Khuyến Mãi":
-
- Thưa bác, nếu bác sợ là nếu bón
phân này mà bị thất mùa, thì tui biếu bác nửa gịa, bác chỉ
bón thử một hàng ở ngoài bia mà thôi. Nếu nó trúng thì tốt,
còn có thất thì chỉ bị một hàng cũng không đến nỗi nào.
-
- Chú em mày nói có lý, để qua
thử coi.
-
Xuống tới Cầu Quằn thì vật phẩm
khuyến mãi còn có chút tí, ông Hai quẹo vô xóm Tiều, thấy
Tiều già đang quảy đôi thùng nước tưới cây bèn hỏi:
-
- Hia ơi, hia có xài phân dơi
hông ?
-
- Có chớ, nhưng ngộ hết tiền rồi,
có đổi khoai lang thì ngộ đổi cho, mà nị còn nhiều hông?
-
- Còn chừng hơn một gịa.
-
Ông Tiều già, hốt hết phân vô
bao, rồi dở bồ khoai lang ra, xúc đổ xuống ghe một thúng
lớn, lại trèo lên xúc hai lần nữa mới thôi. ông Hai mừng rõ
nói nhỏ với con:
-
- Trúng khẳm rồi con ơi. Có hơn
một giạ phân mà đổi được chừng này khoai lang.
-
Một tháng sau, ông lấy ghe nhỏ
bơi dọc theo Kinh Xáng, thì thấy hàng đậu đũa bón phân dơi
lá nhỏ nhưng xanh đậm, trong khi cả vườn rẫy lá to nhưng ngả
màu vàng. Vì chưa biết kết quả ra sao, nên ông không ghé hỏi
thăm mấy người làm vườn.
-
Hai tuần sau, ông lại cà rề đi
“Thăm dân cho biết sự tình” thì thấy cả vườn hái hết đậu
rồi, coi như đã tàn, nhưng hàng bìa còn tươi mơn mởn, ngọn
còn đang bủa vòi, bông nụ còn ra hiếm hiệm. Ông chủ nhà ào
ra nắm lấy cánh tay lắc lia lịa:
-
- Trời ơi, tao trông chú em mày
hết biết, ghé đây lai rai ba sợi, rồi chiều nay chở mớ bí,
đậu dìa nhà mà ăn. Rồi bữa nào rảnh, chở cho tao ít chục giạ
phân dơi.
-
- Nói thiệt với bác, hồi này tui
túng quá, thành thử nếu có chở cho bác, là tui lấy tiền liền
chứ không bán thiếu chịu đâu.
-
Thì tao có nói mua thiếu chịu hồi
nào mà chú em mày lo, mà cả mấy người gần đây đều chờ cái
thứ phân này, hèn chi mấy người Tiều họ phải cất công lên
tới tận Châu Đốc để mua, nên năm nào họ cũng trúng hơn mình
gấp bội.
-
Kể từ đó, ghe lớn, vỏ lãi, tam
bản lúc nào cũng lui tới ì xèo trước cầu bến nhà ông Hai,
đôi khi họ còn phải đăt tiền cọc trước nữa. Lúa hồi đó có 50
đồng một giạ mà phân được giá tới 60 đồng. Phân dơi có khi
dầy lên cả tấc mà mười ba chuồng như thế thì không biết hốt
được mấy chục giạ một ngày. Những người xung quanh thấy làm
chuồng dễ như làm đồ chơi, mà lại ăn thiệt nên đua nhau mua
vật liẹu về làm. Nhưng có một điều lạ lùng là không hiểu tại
sao chuồng dơi của họ, dơi lại là đến ngụ cư lác đác, không
đủ phân bán để bù cho sở hụi.
-
Con dơi tuy nhỏ có chút xíu nhưng
cũng biết lựa đất là lành mà đậu, biết lựa chủ mà nhờ. Nuôi
dơi không tốn thức ăn, nhưng nếu không biết săn sóc tới đàn
dơi, thì có cũng bỏ đi hết, nhất là khi chuồng trại bị rệp.
Dơi và các loài chim thường bị một giống rệp nhỏ như đầu cây
kim gút, bám cắn dưới cánh, nó hút máu no bụng tròn lẳn và
đỏ bóng lưỡng. Dơi dùng mỏ, chân cào cho rớt xuống, nhưng
người chủ trại, nếu có kinh nghiệm thì biết rằng đàn dơi của
mình đang bị bệnh chí rận. Họ xây chung quanh gốc cột một
vòng bệ nước, trong đó pha thêm muối, hoặc thuốc trừ sâu,
con rệp bị rớt xuống đất, cố trèo lên tổ dơi, sẽ bị chết
hàng đống ở ngay chân cột.
-
Khi mặt trời đã lặn, dăm ba con
dơi tiền phong buông mình xuống khỏi tổ, sau đó bay vọt lên
cao, thăm thú tình hình thời tiết mưa bão, rồi trở về thông
báo với cả đàn. Nếu không có con nào dời tổ, thà nhịn đói
không đi kiếm ăn, thì chắc chắn đêm đó có mưa to gió lớn.
Còn nếu bình thường, đàn dơi sẽ từng lần lượt rời tổ chừng
một ngàn con một lần, tiếng cánh quạt gió ù ù như tiếng báo
đầu một cơn bão lớn. Có lần mấy người đi giăng câu gần đó,
nghe tiếng ì ì, tưởng là sắp có cơn giông, nhưng khi thấy
vẫn trời quang mây tạnh, lại tưởng đâu bị ma nhát, nên vội
vàng choán câu bỏ chạy.
-
Khi dơi đã đi ăn, người chủ trại
trèo lên sửa từng tấm lá cho ngay ngắn, thay những tấm te
tua hay cũ quá, xịt thuốc muỗi để diệt rệp trong các kẽ lá,
thuốc này còn có công hiệu diệt luôn những con rệp còn bám
theo mình dơi, khi dơi trở về nữa.
-
Người chủ trại biết ơn đàn dơi
của mình, ngoại trừ nó đã cho phân, nó còn diệt biết bao sâu
bọ rầy muỗi. Họ cưng đàn dơi, trèo lên nhắc từng lá để kiểm
bệnh, rệp. Vì dơi bám đầy, nên có khi dùng hai tay mà không
nhấc lên nổi một phiến lá thốt nốt. Những con dơi cũng nhận
ra người chủ đang săn sóc mình, nên không hề sợ hãi mà vẫn
nằm im, trố hai con mắt trau tráu ra nhìn. Những con bị rớt
xuống đất, được lượm đưa lên tổ vì dơi không tự mình bay từ
mặt đất mà phải từ trên cao buông mình rớt xuống, rồi mới
bay.
-
Ở đời này người ta thấy mình làm
cái gì thành công, thì hay bắt chước, mà nếu không thành
công thì họ lại quay ra oán mình. Có một ông kia tức giận vì
chuồng dơi của ông chẳng có con nào tới ở, nên vào một đêm
hè nóng, có gió hanh, ông ta lén đốt chuồng dơi của nhà ông
Hai. Mùa khô hạn, nước trong ao đìa chẳng còn bao nhiêu, nên
không ai có thể dập tắt được ngọn lửa phá hoại đang cháy
đùng đùng, mười ba dãy chuồng dơi biến thành bình địa trong
mấy giờ đồng hồ. Lửa cháy ngất trời đã làm đàn dơi sợ hãi
bay đi mất, đến nay qua bao nhiêu năm rồi mà cũng không hề
dám quay trở lại.
-
Ông Hai ưu tư nói với tôi:
-
- Chú à? người ta nói kiếp trước
mình gieo nhân nào thì kiếp sau gặt quả nấy, nhưng tui nghĩ
có khi mình phải gặt quả ngay ở đời này. Thí dụ như cái ông
đã đốt lửa chuồng trại của tui đó, ông chết thê thảm quá, mà
mấy đứa con trai cũng mang họa lây, một thằng thì bị bắn
chết, còn một thằng trèo lên nóc nhà bi điện giựt cháy đen
thui. Thiệt là “Thiện ác đáo đầu chung hưu báo” há chú?
Nguồn: SaigontimesUSA
Post ngày:
10/19/17
|