Home Tìm Ca Dao Trang Chủ Toàn Bộ Danh Mục e-Cadao English

Thư Mục

 
Lời Phi Lộ
Lời Giới Thiệu
Cách Sử Dụng
Dẫn Giải
Diêu Dụng
Cảm Nghĩ
 
Ẩm Thực
Chợ Quê
Cội Nguồn
Cổ Tích
Lễ Hội
Lịch Sử
Ngôn Ngữ
Nhân Vật Nữ
Nhạc Cụ Việt Nam
Phong Tục Tập Quán
Quê Ta
Tiền Tệ Việt Nam
Tiểu Luận
Văn Minh Cổ
Vui Ca Dao
 
Trang Nhạc Dân Ca
 
Trang Chủ
 

 
 

 

 
 

Chè Xanh Tiên Phước

PHẠM HỮU ĐĂNG ĐẠT

Con người đã biết trồng và thưởng thức loại nước chè uống từ cây chè rất lâu, kể ra hàng ngàn năm trong lịch sử.  Ở Việt Nam từ xa xưa, đã có nhiều địa danh chè nổi tiếng như chè Bắc Thái, chè Tuyên Quang...Riêng tại Quảng Nam, chè xanh Tiên Phước là một trong những loại chè được ưa chuộng.  Giữa trưa hè nóng bức hay buổi sáng tinh mơ, có một bát nước chè đậm đặc chính hiệu Tiên Phước còn nóng hổi thì thật thú vị biết nhường nào!  Mùi vị chè tươi với những hương vị đặc biệt sẽ thấm dần qua đầu lưỡi vào trong và kích thích mọi tế bào làm ta khoan khoái vô ngần.

 

Thật ra, ở Quảng Nam, với điều kiện thiên nhiên và khí hậu thích hợp nên cây chè được trồng ở nhiều nơi.  Ngay cuối thể kỷ XIX, sau khi đặt ách thống trị tại Việt Nam, thực dân Pháp đã chú ý đến loại cây có nhiều hiệu quả kinh tế này.  Sớm nhất có lẽ là Maillard, tức Cố Thiên, năm 1884 đã mua 250 ha đất lập đồn điền trồng chè và cả phê không đến Quản Hạt Phú Thượng.  Nối bước theo Maillard, hàng loạt các đồn điền khác do người Pháp quản lý cũng lần lượt ra đời như đồn điền Đức Phú, Trung Đàn, Tùng Sơn.  Họ thuê mướn nhân công là người địa phương để thu hái chè.  Cùng với việc thiết lập đồn điền, nhiều xưởng chế biến chè cũng được xây dựng mà lớn hơn cả là chè Đức Phú.  Nguồn chè tươi cung cấp cho xưởng ngoài số chè thu hoạch tại chỗ, còn phải mua thêm chè ở khu vực chung quanh.  Tại Đà Nẵng, Hội An cũng có các hãng chế biến chè xuất khẩu.  Trong những năm đầu thế kỷ XX, theo một nguồn tài liệu còn lưu lại thì chè Quảng Nam và Miền Trung được xuất sang Trung Quốc dưới dạng chè xanh và phần lớn sang Pháp, dưới dạng chè đen.

Như vậy, Quảng Nam là tỉnh có nhiều chè.  Bởi thế khi phong trào Duy Tân nổi lên rầm rộ, ông tú Trương Hữu, người làng Câu Lâm, Điện Bàn có làm bài về ca ngợi rằng:

 

Nghìn năm xây dựng cơ đồ

Vật trong thổ sản tỉnh mô dám bì

Nông Sơn than đá thiếu chi

Bảo An đường tốt, Trà Mi quế nhiều,

Bạc, vàng ở tại Bồng Miêu

Phò Nam, Phú Thượng biết bao nhiêu chè.

 

Chè Tiên Phước

Chè là một trong những loại cây trồng chính của người dân trong vùng đất Trung Du, Tiên Phước.  Theo các cụ già cao tuổi, từ xa xưa, khi ông bà tổ tiên đến lập nghiệp đã trồng chè.  Ở Tiên Phước, có hai loại chè: chè bộp và chè sẻ.  Chè bộp lá to, năng suất cao hơn chè sẻ.  Còn chè sẻ lá nhỏ, tuy thu hoạch ít nhưng thơm ngon.  Việc trồng chè tốn nhiều công sức.  Nó đòi hỏi người trồng phải tỉ mỉ, cẩn thận trong quá trình ươm, trồng và chăm sóc cây.  Cứ hàng năm, vào khoảng tháng bảy âm lịch, chè già trái.  Đầu tháng tám, người ta hái hột chè, cắn thử, thấy đen kịt là đúng cỡ chín của nó.  Hột chín được chọn lựa kỹ, bỏ vỏ, lấy phần bên trong.  Từ lúc ươm, đến lúc trồng phải mất hai năm.  Người dân Tiên Phước thường trồng chè xen lẫn với khoai xiêm (tức củ mì hay còn gọi là củ sắn) hàng nọ chen với hàng kia.  Có như thế, khi trời nắng hạn, tán lá khoai xiêm sẽ phủ ra, tạo thành một thứ “giàn che” tự nhiên, tạo điều kiện cây chè con phát triển tốt.  Lúc chè lớn và đủ sức, họ không trồng khoai xiêm nữa.  Nếu tiếp tục trồng, củ khoai xiêm sẽ hút hết chất bổ của đất khiến cây chè còi cọc, cằn cỗi.  Từ lúc trồng đến khi thu hoạch, mùa đầu, kéo dài bộ ba năm.  Người ta chỉ cắt ngọn chứ không hái lá non.  Mỗi năm có ba mùa thu hoạch: tháng hai là mùa chính, sản lượng cao nhất.  Kế đến là tháng tư và tháng tám, lá ít hơn.  Chè vườn trồng ngay trong vườn ngày xưa rất phổ biến ở Tiên Phước.  Nhà nào cũng trồng, dù ít hay nhiều.  Chè trồng trên đồi gọi là chè đồi.  Trước năm 1945, ông Nguyễn Đình Khải, còn gọi là xã Khải, trồng chè xen lẫn với quế.  Ông trồng rất nhiều nên phải thuê người làm.  Công một ngày hồi ấy được trả vài lon gạo, cơm ăn ba bữa không kể.  Ông Nguyễn Đình Khải co con là Nguyễn Đình Triết từng học cùng lớp với cụ Huỳnh Thúc Kháng.

Mùa thu hoạch chè ở Tiên Phước diễn ra nhộn nhịp khác thường.  Tờ mờ sáng, người dân địa phương đã hối hả chuẩn bị cơm nước rồi ra các vườn chè, đồi chè.  Bằng đôi tay khéo léo, nhanh nhẹn, những lá chè, búp chè được hái gọn, bỏ vào giỏ tre.  Tiếng cười, tiếng nói râm ran.  Chẳng mấy chốc đã đầy giỏ.  Họ kĩu kịt gánh về nhà.  Hình ảnh những đoàn người nối đuôi nhau gánh những gánh chè đầy ắp, tươi rói từ trên những ngọn đồi đi xuống, vừa đi vừa kể chuyện tiếu lâm hay chọc ghẹo lẫn nhau còn ghi dấu ấn khá đậm nét trong tâm khảm của lớp người cao tuổi trên vùng đất trung du này.

Việc mua bán chè Tiên Phước

Chè hái về rồi, từng gia đình lại bận rộn chế biến thành chè xanh, chè đen.  Lúc này, mùi thơm của chè lan tỏa khắp thôn xóm, làng mạc.  Những bát nước chè xanh đậm đà, còn hôi hổi nóng khiến họ chốc chốc dừng tay để thưởng thức hương vị thơm ngon của chè xanh đầu mùa.

Ngày xưa, giữa Tam Kỳ và Tiên Phước chưa có đường nhựa.  Do đó những hiệu buôn Hoa Kiều sau khi mua chè của người dân địa phương, liền đóng gói vô bao cẩn thận, rồi thuê nhân công gánh xuống quốc lộ 1 để đưa lên xe chở ra Đà Nẵng, Hội An.  Người Việt lúc ấy có buôn chè nhưng đều bán lại cho đại lý người Hoa.  Mỗi người quen với một hiệu buôn và mua ở đâu họ cũng đem đến chỗ quen mà bán.  Nhằm tạo mối quan hệ ràng buộc lẫn nhau, hàng năm, nhân ngày lễ, Tết cổ truyền, các đại lý buôn sỉ người Hoa hay biếu quà lặt vặt.  Mặt khác, trong mua bán, họ tỏ ra sòng phẳng nên có uy tín, giữ được mối hàng.

Như đã biết, thời trước, Hoa kiều giữ vai trò rất quan trọng trong thương mại.  Họ không những chi phối việc buôn bán ở các thị trấn, thị xã...mà còn nắm quyền thu mua các mặt hàng xuất khẩu ở những nơi xa xôi hẻo lánh như Trà Mi, Tiên Phước...Có thể nói rằng hễ ở đâu có nguồn lợi gì là ở đó có sự xuất hiện của người Hoa.  Ngay từ thế kỷ thứ XVI, XVIII thời thịnh đạt nhất của thương cảng Hội An, Hoa Kiều là lực lượng đông đảo nhất.  Rồi đến nửa cuối thế kỷ XIX, bước sang thế kỷ XX, khi Đà Nẵng dần dần thay thế Hội An, người Hoa lại tập trung tại Đà Nẵng.  Đáng lưu ý là họ không chỉ sống ở Hội An, Đà Nẵng.  Những vùng đất được xếp vào loại “khỉ ho cò gáy” nhưng có nhiều sản vật, người Hoa cũng không “từ”.  Trong việc mua bán làm ăn, phải nói Hoa Kiều có sự nhạy bén khác thường.  Họ mua tận gốc và bán tận ngọn.  Tiên Phước là mảnh đất đáp ứng được những yêu cầu  ấy.  Cho nên, người Hoa lên Tiên Phước lập nghiệp khá đông ở thị trấn và các xã đều có người Hoa.  Tiên Mỹ có Trần Hòa Bình, Tiên Cảnh có chú Mới, Tiên Hiệp có chú Kiền, chú Đáo chú Lạc.  Tiên Minh có Mậu Cà, ông Bang Xiều...Tập thể người Hoa ở Tiên Phước giống các nơi khác, rất đoàn kết giúp đỡ nhau trong làm ăn, buôn bán.  Họ chung tiền xây dựng ngôi chùa ngũ bang có bang trưởng hẳn hoi.  Đó là bang Gia Ứng, Triều Châu, Hải Nam, Phúc Kiến, Quảng Đông.  Để dễ dàng kinh doanh, đa số họ lấy vợ người Việt Nam làm chỗ dựa về luật pháp thời bấy giờ.

Chè trong Y Học

Y học thế giới càng phát hiện nhiều công dụng của chè trong việc trị bệnh.  Tại Nhật Bản, người ta tìm thấy chất tanin có ở trong chè với khả năng hút chất phóng xạ.  Ngoài ra chè con chứa nhiều vitamin, axit amin, các nguyên tố khoáng và các hợp chất khác cần thiết cho cơ thể con người.  Chè cũng tổng hợp được cafein và các chất kèm theo nó là teofilin và teobromin.  Trong dân gian, có nhiều phương thuốc hay chữa bệnh từ chè.  Ví dụ chè tươi, kết hợp với hành củ, gừng sống, hột đào...giã nhỏ, nát, sắc uống lúc còn nóng, chữa được cảm lạnh về mùa đông.  Sốt dai dẳng dùng một nắm chè xanh, 7-8 con giun đất không mổ ruột đun chín, chắt lấy nước uống một lần và sau bảy đến mười lần như thế cũng sẽ khỏi.  Búp chè tươi còn trị được chứng viêm tai chảy mủ.  Lúc mệt nhọc, căng thẳng, nước chè làm cho sảng khoái, tinh thần minh mẫn.

Chè với người dân xứ Quảng.

Cây chè gắn liền với cuộc sống, sinh hoạt của người dân Quảng.  Ngày xưa, chè xanh hay còn gọi là chè tươi là một loại thức uống thông dụng của mọi tầng lớp cư dân.  Chè hái về, đem rửa sạch, bỏ vào ấm đun sôi.  Đun thế nào để nước ngả màu xanh đậm đặc quánh, mới đúng cách.  Lúc ấy, người ta rót ra bát sành, uống khi còn nong nóng.  Nếu để nguội sẽ mất ngon.  Buổi sáng thức dậy, rót một ấm chè thật đặc, uống lúc còn nóng rồi thong thả vấn một điếu thuốc Cẩm Lệ chính  hiệu...trở thành thói quen của các cụ già cao tuổi.  Trước khi ra đồng hoặc lúc nghỉ giữa buổi, có bát nước chè xanh giải khát thì thật là tuyệt.  Bạn bè thân hữu gặp nhau có chè tươi ngon, đặc biệt là chè Tiên Phước, để mở đầu câu chuyện càng làm không  khí thêm vui vẻ, chân tình.

Tóm lại, người Quảng Nam có thể uống chè ở mọi nơi, mọi lúc. Ngày xưa, chè xanh được bày bán khắp nơi như tại các ngã ba, ngã tư đường đông đúc người qua kẻ lại, các khu chợ tấp nập kẻ bán người mua hoặc ở những bến đò, bến sông với hành khách nhộn nhịp lên xuống ghe thuyền...

Hiện nay thú uống chè xanh dường như chỉ còn tồn tại trong lớp người cao tuổi.  Ở thành phố, thị xã, thị trấn...người ta đã có thói quen dùng trà gói, với đủ loại nhãn hiệu và kiểu dáng khác nhau.  Tuy nhiên không vì thế mà thú uống chè xanh mất hẳn đi.  Vẫn có nhiều nơi, nhiều vùng, đặc biệt ở nông thôn người ta ưa chuộng món chè xanh với hương vị đậm đà thơm ngon của nó.

 

Nguồn: saigontimesusa

 

Sưu Tầm Tài Liệu và Web Design

  Hà Phương Hoài

Hỗ Trợ Kỹ Thuật

Hoàng Vân, Julia Nguyễn

Web Database

Nguyễn Hoàng Dũng
Xin vui lòng liên lạc với  haphuonghoai@gmail.com về tất cả những gì liên quan đến trang web nầy
Copyright © 2003 Trang Ca Dao và Tục Ngữ
Last modified: 10/19/17