Home

Thơ

Sưu Tập

Văn Điếu Tế  Linh Tinh Trang Ca Dao Search

 

Hà Phương Hoài

Cơ Trời Vận Nước 

Chương Năm

Sau khi giã từ Lão Thiên Tích, Tuấn ngày đi đêm nghỉ, và chỉ ngủ ở các đình miếu thay vì vào khách sạn. Hôm đến Châu đốc, Tuấn chận một người đàn ông có tuổi để hỏi thăm đường đi vào Thất Sơn:

- Xin bác vui lòng cho cháu biết đường nào vào Thất Sơn?

- Chèng đét ơi! Thất Sơn rộng mênh mông, có tới bảy núi, năm non mà thầy chỉ hỏi trổng có Thất Sơn, thì ai mà biết chỉ cho đặng. Ít nhất thì thầy cũng phải nói cho goa biết thầy muốn đi vào núi tên gì? Lão hỏi lại.

Tuấn bị hỏi chận họng không biết trả lời sao, vì chàng bỗng nhiên quên mất tên núi mà chàng muốn đến. Cũng may người đó tốt bụng nhưng lại muốn trêu chàng trai lạ một chút xíu nên đã hỏi:

- Có phải muốn vào Núi Cấm không?

- Dạ đúng đó! Tuấn, mắt bừng sáng lên, trả lời ngay.

- Thầy phải biết sở dĩ người ta gọi Núi Cấm vì chính quyền có lệnh cấm không cho dân vào núi nầy. Muốn đến đó thầy phải qua thôn Châu Lang sẽ thấy ngay. Nhưng thầy phải cẩn thận không chừng mất đầu hay ăn đạn đó nghe!

- Dạ thưa...

Tuấn định hỏi ông ta đường đi tới thôn Châu Lang, nhưng lão ta nhanh chân đi một hơi. Tuấn lủi thủi định tìm người khác để hỏi. Trong lúc đang ngơ ngác thì có tiếng nói ở sau lưng chàng:

- Sao anh Tuấn không chịu hỏi tui hả?

Tuấn nghe tiếng nói quen quen, nhưng nhất thời chưa nhận ra được là giọng nói của ai! Tuấn quay mặt lại thì thấy thằng Ba Khía dạo nào đang nhe răng cười:

- Anh còn nhớ thằng em láu cá nầy không hả?

- Ủa Ba Khía sao em lại ở đây?

- Ủa sao anh cũng lại ở đây?

- Em phải trả lời anh trước chứ!

- Anh phải trả lời em trước vì em hỏi trước mà!

Thằng bé vừa nói vừa nhe hàm răng trắng và đều đặn. Hắn trề môi, hểnh mũi trông thật buồn cười. Tuy có chút bực mình khi thằng bé láu cá và nghịch ngợm nhưng đang lúc lúng túng Tuấn chưa biết phải làm gì đành cười xòa nói:

- Thôi thì anh nầy chịu thua vậy!

Tuấn nhìn thằng bé cười rồi lên tiếng:

- Ai mà có thể quên được con người nghịch ngợm như em!

- Bộ người ta dễ ghét lắm sao? Thằng bé mặt hơi xệ hỏi bâng quơ.

Tuấn làm như không nghe thằng bé hỏi tiếp:

- Em làm gì ở đây?

- Thì người ta đi theo anh đó!

- Em lại theo anh? À đi theo từ bao giờ, và để làm gì?

Tuấn hỏi cho một thôi. Tội nghiệp thằng bé chẳng kịp trả lời.

- Bộ anh là mật thám sao mà vặn người ta dữ vậy!

Tuấn dịu giọng:

- Em đi theo anh từ khi nào?

Thằng bé làm ra vẻ ta đây:

- Cái nầy bí mật nhà nghề, không cho anh biết được đâu!

Tuấn toát mồ hôi khi nghe thằng bé nói thế. Nếu thằng bé này mà thấy được thì tụi Hồng Kỳ Hội cũng có thể thấy được. Tuấn buộc miệng lẩm bẩm :

- Thế này thì lão đã bị nguy đến nơi rồi!

- Anh nói gì mà người ta nghe không rõ!

Tuấn giật mình nói lắp:

- À... không... không... có gì đâu em!

- Anh vào Thất Sơn để làm gì vậy?

- Anh đi vào Thất Sơn có chút chuyện riêng.

- Có phải lão Thiên Tích nhờ anh vào trong đó tìm thầy của lão phải không?

Lại thêm một lần nữa Tuấn sợ đến muốn á khẩu luôn. Thằng bé này là ai mà tinh ranh quá xá vậy. Nếu nó là người của kẻ thù thì chết cả đám. Tuấn chỉ có một thân một mình chẳng có gì đáng nói, nhưng còn gia đình của Lão Thiên Tích thì sao đây. Tuấn đứng thờ người. Thằng bé lên tiếng kéo Tuấn về với thực tại.

- Anh đừng lo, tại em là ma xó, em mới biết nhiều chuyện, chứ không ai biết gì đâu! Thôi chúng ta đi ngay kẻo trời tới, trễ đi vào đó không tiện đâu.

Nói xong hắn nắm tay Tuấn kéo đi về hướng thôn Châu Lang. Những người qua đường đưa mắt nhìn rồi lắc đầu bỏ đi. Tuấn như người mất hồn, lẳng lặng đi theo thằng bé.

Chiều hôm đó hai người tới thôn Châu Lang. Họ không dừng chân ở thôn mà đi thẳng lên núi. Khi ra khỏi chu vi của thôn thì trời đã gần tối. Họ vào miếu hoang nghỉ chân, thằng bé lục đục lấy cơm nắm ra ăn. Tuấn lặng câm chẳng thèm nói chuyện và cũng chẳng hề cười một chút, thằng bé buồn buồn nói:

- Người ta có ý tốt với anh mà anh lại nghi kỵ người ta. Thôi sáng mai thì anh đi lên trển, còn người ta đi về quê vậy. Khi nào xong công việc nhớ về kiếm người ta nghen!

Nói đến đây thằng bé bỗng nhiên khóc òa. Từ lúc Tuấn gặp lại thằng bé, thấy thằng bé biết quá nhiều về hành tung của chàng nên đâm ra dè dặt với nó, tuy nhiên vì bản chất nhân hậu, Tuấn không muốn có cử chỉ gì có thể làm tổn thương đến nó. Có lẽ hắn rõ điều đó cho nên càng cố đánh mạnh vào tận tim não của Tuấn. Tuấn định ôm thằng bé vào lòng an ủi. Thằng bé biết trước ý định nên hất tay Tuấn ra và chạy nhanh vào vào một góc miếu ngồi phịch xuống đất nhắm mắt như ngủ. Tuấn tiến lại trước mặt hắn,  lấy cơm ra đưa cho hắn nói:

- Anh vô cớ nghi em, anh xin lỗi, thôi ăn một chút cho đỡ đói, rồi đi ngủ mai hãy tính.

Thằng bé cứ nhắm mắt, chẳng nói chẳng rằng. Tuấn đành để đồ ăn trước mặt nó xong lặng lẽ về chỗ cũ ngồi ăn. Ăn xong Tuấn dựa lưng vào tường ngủ.

 

                                             *

 

Tuấn thiếp đi cho đến khi mặt trời rọi vào mặt mới thức dậy. Việc trước tiên là Tuấn nhìn ngay qua chỗ thằng Ba Khía ngủ. Tuấn không còn thấy nó nữa, tưởng nó dậy trước chạy ra ngoài miếu ngồi chờ chàng. Tuấn đứng dậy vươn vai cho dãn gân cốt xong bước ra khỏi miếu để kiếm thằng bé, kiếm khắp nơi nhưng mọi sự vắng như tờ. Tuấn lại bệ đá, xếp khăn gói tiếp tục cuộc hành trình. Núi Cấm tuy đứng sừng sững trước mặt thế mà Tuấn đi mãi vẫn chưa tới. Khoảng quá trưa thì Tuấn đến khu rừng chồi dưới chân núi. Ði sâu hơn vào núi cây cối bắt đầu um tùm. Tuấn đi theo một con đường mòn. Ðường tuy quanh co nhưng cũng không khó đi lắm. Tuấn đi mãi mà chẳng thấy bóng dáng một ai. Có lẽ vì có lệnh cấm cho nên chẳng có ai đi vào rừng đốn củi. Tuấn đi sâu vào chân núi thì đường bắt đầu khó đi hơn vì cây cỏ che khuất lối đi. Càng đi sâu vào núi thì địa hình bắt đầu thay đổi, chẳng giống như bản đồ của Lão Thiên Tích. Dù sao Tuấn cũng phải tiếp tục đi. Tuấn bắt đầu leo lên núi, triền núi thoai thoải, các giây leo vùng nhiệt đới mọc chằng chịt, đi độ nửa giờ thì gặp một ngã ba. Tuấn thấy ngờ ngợ không biết có đúng không vì con đường chĩa thẳng đã bị che mất hoặc không có. Tuấn đang tần ngần không biết có nên quẹo phải như lời lão Thiên Tích dặn hay không thì có một lão tiều phu trong núi đi ra. Tuấn vái chào và hỏi đường:

- Thưa lão bá, đây có phải là ngã ba đòn xóc không?

- Bộ nó không giống cái đòn xóc sao? Lão hỏi ngược lại.

- Dạ, thưa cụ nó giống chữ đinh thì đúng hơn? Tuấn phân bua.

- Có đinh mới thành xóc, đã là xóc thì sao gọi là đinh!

Thấy lão tiều phu có vẻ khó chịu Tuấn nói:

- Dạ, cháu xin cám ơn cụ.

Lão già chẳng nói gì nữa đi nhanh xuống núi. Tuấn chẳng hiểu lão muốn nói gì, đứng nhìn theo lão khuất dần trong mấy lùm cây. Suy nghĩ một hồi, Tuấn mới chợt hiểu, quẹo mặt đi lên núi.

Ði khoảng nửa giờ Tuấn thấy có một ngôi nhà tranh nằm bên phải con đường, trên một doai núi có sương mù bao phủ, xung quanh nhà có trồng nhiều loại cây đồng bằng như cau, chuối, xoài và ổi. Cảnh trí thanh nhã, rất tốt cho việc tu dưỡng. Vì Lão Thiên Tích không xác định vị trí tu dưỡng của Thầy lão, nên Tuấn cho rằng ông ta phải ở trên đỉnh núi.

Tuấn định vào xin nước uống và hỏi đường lên đỉnh núi. Nhà trống trơn, trong góc nhà có một lão già nằm trên một cái chõng tre, quay mặt vào vách. Lão đắp một cái mền đã rách nát. Tuấn chỉ thấy tóc lão trắng phau. Lão rên rỉ như đang bị bệnh nặng. Tuấn bước lại hỏi thăm. Lão không trả lời, tiếp tục rên hừ hừ. Tuấn đánh bạo bước lại sờ trán của lão. Ðầu của lão nóng như lửa. Chẳng chút đắn đo, Tuấn lấy một cái khăn trong tay nải của mình đi ra cửa sau kiếm nước giặt khăn đem vào đắp lên trán của lão. Tuấn đi khắp nhà lục xem có thuốc men gì không, kiếm khắp mà chẳng thấy thuốc gì. Muốn đi hái thuốc nhưng trời tối thì làm sao thấy đường mà hái, Tuấn đành ngồi quạt cho ông lão. Lão già mở mắt nhìn chàng hỏi:

- Cậu là ai?

Vì căn nhà quá tối lại không có đèn cho nên Tuấn không thể nhận sắc diện của lão ta chỉ trả lời:

- Dạ thưa cụ cháu là kẻ qua đường!

- Vậy thì sao không đi đi?

- Dạ thưa cụ, cụ ở đây một mình lại đang đau nặng thì làm sao cháu có thể bỏ mà đi cho được!

- Ta đau thì có can gì tới ngươi đâu! Ta đau đã lâu rồi!

- Thưa cụ, cụ đau bệnh gì ạ?

- Ta bị bệnh phong hàn, khi đau khi hết, ta không hề gì đâu. Ngươi đi đi. Trời tối rồi, đi khỏi chỗ nầy không kịp đâu!

- Cháu cũng chẳng có việc gì gấp, cháu ở đây săn sóc cho cụ, khi nào cụ hết bệnh rồi cháu sẽ đi.

- Nếu ta đau năm, mười ngày hay nửa tháng thì sao?

- Dạ cũng chẳng sao! Tuấn từ tốn trả lời.

- Ðược vậy thì tùy ngươi.

Lão già quay mặt vào vách tiếp tục rên rỉ. Trong lúc lo lắng không biết phải làm gì để lo cho ông lão thì chợt nghĩ đến cuốn sách của Lão Thiên Tích đưa, Tuấn đi vội ra ngoài sân lật sách xem phần dạy về y. Tuấn lật đến trang dạy cách chữa phong hàn. Sau khi ghi nhớ phân lượng và tên các loại cỏ cây cần có, Tuấn định sáng mai sẽ dậy sớm đi hái thuốc trị bệnh cho lão. Những gì cần làm đã làm rồi, bây giờ Tuấn thấy đói bụng, Tuấn mở tay nải lấy bánh khô ra ăn. Nghĩ đến lão già đang bệnh, Tuấn mời lão nhưng lão chẳng thèm nói một tiếng nào, đành ngồi ăn một mình. Ăn xong Tuấn ngồi xếp bằng tọa công một lúc rồi dựa lưng vào vách nhắm mắt ngủ.

Vừa chợp mắt một lúc thì Tuấn nghe lão già rên rỉ lớn hơn. Lão bị bệnh hành một cách mãnh liệt. Nhiều biến chứng quái lạ xảy ra liên tục, Tuấn thấy bệnh của lão không phải là bệnh phong hàn như sách dạy.

Sáng hôm sau Tuấn lấy gạo trong khạp sau nhà bếp, nấu cháo cho lão ăn. Trong lúc chờ cháo chín, Tuấn lật sách thuốc ra nghiên cứu lại. Tuấn thấy một bệnh trong sách có vẻ phù hợp với bệnh của lão già - đó là bệnh ngã nước. Sau khi đem cháo lên cho lão, Tuấn đi vào rừng hái thuốc.

Lúc đưa thuốc cho lão già uống mới nhận ra được lão giống như lão tiều phu mà Tuấn hỏi đường chiều hôm qua. Có điều khác là lão tiều phu trẻ hơn lão già nầy. Tuấn cũng không muốn bận tâm về chuyện đó vì ở trên đời chuyện người giống người có chi đâu mà lạ.

Tuấn ở lại lo thuốc thang cho lão. Chăm sóc cho ông lão được 5 hôm thì bệnh lão lành hẳn. Sau khi thấy lão đã có thể tự chăm sóc cho mình. Tuấn hái thêm thuốc giao cho lão già nói:

- Bệnh của cụ cũng đã lành khá nhiều. Cháu còn có việc phải làm, không thể ở đây hầu cụ lâu hơn.

Lão già tỏ niềm vui ra mặt nói:

- Cậu giỏi thật, chắc là đồ đệ đắc ý của một danh y nào đó phải không?

- Xin cụ đừng cười cháu. Cháu có biết gì về y thuật đâu. Nhưng vì vạn bất đắc dĩ, thấy cụ đau nặng quá đành phải làm liều may mà chữa trúng bệnh thôi. Hơn thế nữa trong rừng này có đầy đủ thuốc mà cháu cần, cũng may cháu lại có một tượng Phật bằng sừng tê giác do nghĩa mẫu của cháu tặng mới có đủ mọi vị cho thang thuốc nên mới thành công đấy thôi.

- Nói vậy thì cậu cũng biết chút ít y thuật phải không? Lão hỏi.

- Thưa cụ, nói biết thì cũng không đúng vì cháu chỉ biết sơ qua công dụng của vài loại cây mà thôi. Tuấn lễ phép trả lời.

- Thế còn cuốn sách mà cậu dùng để tra cứu bệnh trạng thì do đâu mà có? Cho ta mượn xem một tý có được không? Lão thắc mắc.

- Thưa cụ, điều này thì chắc cháu không thể tuân lệnh được. Cháu có điều khổ tâm riêng xin cụ thứ lỗi cho. Tuấn gãi đầu trả lời.

- Như vậy chắc ngươi đã ăn cắp phải không? Lão to tiếng hỏi.

- Thưa cụ cháu chưa bao giờ dám làm điều gì trái với đạo lý. Dù có chết cũng thế thôi. Tuấn vẫn không mất bình tĩnh.

- Ðây là một y thư có một không hai trên đời này, mà cậu không biết y thuật thì nhường lại cho ta đi vậy!

- Kính thưa cụ, về điểm này cháu đành thất lễ với cụ vậy. Dù chết cháu cũng phải bảo vệ nó!

- Ðược rượu mời không uống mà lại thích uống rượu phạt. Coi ngươi dùng cách gì để giữ nó.

Chưa dứt lời lão đã nhảy lên tấn công Tuấn tới tấp. Tuấn không hề trả đòn chỉ né tránh mà thôi. Lối đánh của lão nhẹ nhàng như rồng bay phượng múa, nhưng sức mạnh lại như vũ bão. Ðặc biệt chiêu thức của lão giống như phất trần bí pháp. Kinh nghiệm những ngày qua Tuấn bắt đầu dè dặt hơn. Chàng không muốn để lộ thân phận và sư môn, nên Tuấn dùng ngón 'phi vũ quá hải' biến đổi chút ít để đối phó với lối đánh ảo diệu của lão. Nhờ đầu óc tinh tế Tuấn nương theo lối đánh của đối phương mà tự nhiên chế ra được một bộ pháp mới. Tuy nhiên đánh mãi vẫn không thể thoát khỏi vòng kềm tỏa của lão.

Tuấn cảm thấy lão già không muốn thủ thắng mà chỉ đánh để buộc chàng phải đem hết tài nghệ thật  ra để hóa giải.

- Ta mấy chục năm trời chưa được múa tay chân đã như ngày hôm nay. Vừa đánh lão vừa cười khoái chí nói.

Lão tung ra một đòn hư để Tuấn lùi ra sau, lão tiếp:

- Này cậu bé, cốt cách của cậu cũng khá lắm đó!

Hai người quần thảo với nhau cho tới trưa. Càng đánh Tuấn càng thấy có hứng thú và bắt đầu tận dụng hết sở trường của chàng.

- Bây giờ ngươi mới đánh thật sự. Tốt lắm, đem hết tài nghệ của ngươi ra đi. Ta biết ngươi còn nhiều ngón nghề nữa mà!

Khi mặt trời vừa đúng ngọ, lão nhảy lùi ra sau ba trượng nói:

- Thôi ta đói bụng rồi, cần ăn một chút rồi tiếp tục tranh tài cũng chưa muộn.

Tuấn cũng thấy đói bụng từ lâu nhưng lão già chẳng chịu buông tha, bây giờ nghe lão đề nghị, Tuấn mừng rỡ nhảy ra khỏi đấu trường. Tuấn chạy đến tay nải lấy bánh khô bẻ một nửa đưa cho lão già:

- Mời cụ dùng một chút.

Lão già khoát tay quày quạy nói:

- Ðồ ăn của cậu không mát, ta có thứ này cậu ăn vừa no bụng vừa giải khát.

Nói xong lão đi ra sau vườn. Ðộ mấy phút sau lão đem vào một giỏ trái cây. Tuấn chẳng biết là thứ trái gì. Quả to như trái thanh long màu lại tía chứ không đỏ. Lão già lấy một trái rồi trao giỏ trái cây cho Tuấn, Tuấn đỡ lấy giỏ trái cây, lấy một trái định lột vỏ.

- Ðừng lột vỏ, thứ nầy cần phải ăn luôn cả vỏ mới tốt.

Sợ Tuấn nghi ngại, lão cắn một trái. Tuấn làm theo. Trái cây vừa ngọt thanh vừa nhiều nước, ngon vô cùng. Tuấn ăn một hơi đến ba trái. Khi ăn xong trái cuối cùng Tuấn bước lại phiếm đá gần đó định ngồi xuống nghỉ một chút nhưng lão già đã nhảy lại tấn công Tuấn. Tuấn đành phải dùng bộ pháp mới sáng chế nhảy tránh đòn của lão.

- Khá lắm, sự cảnh giác của ngươi thật đáng phục. Tuy nhiên mới đánh nhau có một buổi sáng mà ngươi đã có dáng điệu uể oải! Hình như huyệt nhâm đốc của ngươi bị tắc nghẽn. Ðể ta đả thông cho ngươi.

Tuấn chưa kịp nói lời nào thì lão đã nhanh như chớp điểm vào năm huyệt đạo chính của chàng, rồi đánh một chỉ vào huyệt bách hội của Tuấn. Tuấn như con diều bị đứt dây bay ra xa đến mười trượng. Lạ thay bị đòn nặng như vậy mà Tuấn chẳng thấy đau đớn gì; vả lại còn thấy thoải mái vô cùng. Huyết khí của chàng bỗng nhiên xông lên cuồn cuộn. Tuấn vội vã dùng Vô Lực Thần Công để điều dẫn và phân tán chân khí vào khắp châu thân. Khoảng một khắc đồng hồ sau, Tuấn thấy người nhẹ như lông vũ. Tuấn ngồi dậy định bái tạ lão đã thành toàn cho chàng, nhưng lão biết ý chận lại:

- Không cần nhiễu sự, ta muốn đánh với ngươi vài trăm, vài ngàn hiệp nữa.

Chưa dứt lời, lão lại tung người lên tấn công từ trên cao đánh xuống liên tiếp mấy đòn. Tuấn vội vàng né tránh. Lão đáp xuống đất. Khi chân lão chưa chạm đất lão đã bồi thêm mấy quyền và mấy cước nữa. Tuấn xoay người hóa giải cả quyền lẫn cước của lão già không mấy khó khăn. Tuấn biết lão già không có chút ác ý với chàng cho nên chàng hứng thú mới dùng toàn võ công của sư môn ra tiếp chiêu. Ngược lại Tuấn càng đưa ra những chiêu thức ảo diệu thì lão già lại trả đòn bằng những chiêu thức quái dị hơn. Tuấn bắt đầu lúng túng không thể thi triển võ công của chàng mà phải ra đòn theo sức đẩy, kéo của lão. Thật là kỳ diệu mỗi động tác mà Tuấn bắt buộc phải theo như vậy đã tạo thành sức mạnh như mây vần vũ. Tuấn biến những động tác đó thành những chiêu thức mới rất là kỳ diệu. Ðòn nào chàng lúng túng thì lão rút quyền lại để khỏi đả thương chàng. Quần thảo với nhau như vậy được vài canh giờ nữa thì lão nghỉ để ăn uống. Khi lão đi lấy trái cây thì Tuấn thấy dưới đất của đấu trường có những vết hằn tạo thành một hình cửu cung bát quái. Tuấn nhắm phương hướng thì đúng thế ở hướng các hành của bát quái. Tuấn ôn lại cái thế đánh mà lão đã buộc Tuấn phải theo thì thấy sự biến chuyển đúng theo các quẻ. Tuấn bắt đầu múa lại những biến thế thì thấy ảo diệu vô cùng. Vừa múa dứt bài thì lão cũng vừa mang trái cây cho Tuấn ăn. Ăn xong lão bất thình lình nhẩy vào tấn công Tuấn. Nhờ thức ngộ được sự biến chuyển của các quẻ đem áp dụng vào võ thuật mà Tuấn bắt đầu đánh rất ăn khớp với lão. Chỗ nào vụng về thì lão lập đi lập lại cùng một thế cho đến khi nào chàng hóa giải được mới thôi. Hai người Quần thảo với nhau ba ngày ba đêm. Ðói thì nghỉ ăn, khát thì ngưng để uống. Nếu có ngủ thì lão cũng chỉ cho Tuấn ngủ độ vài tiếng. Ðến sáng ngày thứ tư thì lão bảo:

- Thôi bấy nhiêu cũng đủ rồi. Quyển sách đó ta cho ngươi đó.

Tuấn nghĩ thầm:

- Ờ hay chưa, sách nầy đâu phải của lão mà lão lại đòi cho ta!

Nhưng Tuấn cũng ngoan ngoãn cúi đầu bái tạ:

- Cháu thật có mắt mà không tròng, đa tạ ngài đã chỉ điểm cho ba hôm nay, cũng như đã đả thông huyệt nhâm đốc cho cháu.

Tuấn ngẩng đầu lên nhưng chẳng thấy bóng lão già đâu nữa. Bỗng Tuấn nghe tiếng vọng từ xa xa:

Người đi tầm đạo,

Mà chẳng biết đạo ở đâu!

Ở đâu có kẻ tầm,

Thì ở đó có đạo.

Nếu ai vô tâm,

Ắt sẽ vô đạo.

Ta từ phong trần,

Nhưng chẳng phong trần.

Vũ trụ ở trong tâm,

Ðừng để tâm mất vũ trụ.

Vì tâm là tính của Thái cực.

Ta là phong trần,

Nhưng chẳng phong trần.

Ta đi trong mây,

Ta đến trong gió,

Nhờ gió ta đi trong mây.

Và mây chính là gió!

Phong trần là ta,

Phong trần là ta!

Tiếng nói nhỏ dần cho đến câu cuối cùng thì nhỏ như gió ru. Tuấn biết đây chính là người mà chàng muốn tìm. Chàng vội quỳ xuống hướng theo tiếng nói, hành đại lễ.

Sau đó Tuấn ở lại ngôi nhà cỏ để tự luyện thêm một thời gian nữa. Chàng đem tất cả những chiêu thức mà lão Phong Trần gián tiếp dạy chàng qua cuộc đại chiến ba ngày ba đêm tập lại. Tuấn tập luyện rất nhanh, những gì mà chàng mơ hồ, thì phải ngồi nhớ lại trận đánh, rồi luyện tiếp. Những gì chàng nhớ rõ, thì sự ảo diệu thường thua những chiêu mà chàng đã quên. Những chiêu mà Tuấn quên, dĩ nhiên phải cố moi óc ra nhớ để luyện tập, vì thế việc tập luyện trong ảo ảnh, chợt có chợt mất cho nên phải tập luyện kỹ càng hơn cho đến khi thuần thục, lẽ dĩ nhiên chàng thông suốt được tất cả những ảo diệu của nó. Ngoài việc tập luyện võ công, những lúc trời trong, trăng sáng Tuấn ngồi suy gẫm lại lời vọng của lão Phong Trần để tìm ra cái đạo lý uyên nguyên mà lão muốn nói. Càng cố tìm hiểu Tuấn càng thấy mơ hồ, khó hiểu. Một hôm Tuấn đi thu dọn đồ đat trong nhà Tuấn khám phá ra một cái rương cũ kỹ để ở dưới gầm giường của lão Phong Trần, Tuấn đem ra quét bụi cũng như xếp đặt lại đồ trong rương, Tuấn thấy bốn cuốn kinh còn lại "Ðạo, Võ, Dịch, An", còn cuốn "Y" đang ở trong tay Tuấn. Tuấn trang trọng đem cuốn Y ra nhập chung với bốn cuốn kia đem ra phơi. Trong lúc phơi sách Tuấn thấy một mảnh giấy nhỏ rớt ra có một dòng chữ như sau:

- Ðây là món quà tinh thần tặng người hữu duyên.

Thế là Tuấn lấy ngay cuốn dịch ra nghiên cứu. Sách có hai phần, phần đầu là dịch, phần sau là Kinh Kỳ Môn. Kinh kỳ môn có hai chương. Chương một giải thích phương pháp biến quẻ căn bản. Chương hai có bốn mươi hai thế biến quái đặc biệt. Những trận đồ trong sách đúng như cái đạo biến hóa mà Lão Phong Trần đã chỉ điểm cho Tuấn trong ba ngày đấu với Lão trước đây. Tuy vậy Tuấn vẫn không thể thấu hiểu tất cả cái diệu dụng của nó mới lật phần dịch ra xem. Phần đầu của kinh dịch dạy triết lý của dịch, Chương hai dạy sự biến dịch và chương ba dạy cái thái cực trong cơ thể của con người và biến hóa của dịch trong con người.

Một hôm, cũng như mọi khi Tuấn ngồi suy gẫm về chữ đạo thì chợt nhớ đến cuốn 'Ðạo Kinh', Tuấn vào mở rương đốt đèn lên đọc. Ðạo kinh khó hiểu vô cùng. Tuấn phải đọc lui đọc tới nhiều lần vẫn không tìm ra chân lý của nó dù chỉ mới phần đầu. Vì suy nghĩ quá nhiều Tuấn cảm thấy đầu óc mệt mỏi. Tuấn ngồi thiền để giữ cho tâm hồn thanh tịnh. Nhờ vậy mà Tuấn mới từ từ lấy lại sự thanh thản trong tâm hồn, ngưỡng cửa của đạo cũng hé mở chút ít cho chàng.

Thời gian trôi qua nhanh, Tuấn không còn nhớ đến ngày tháng. Sự tiến triển của đạo đã có thành tựu chút ít. Nhờ vậy mà chàng bắt đầu thấu triệt cái uyên nguyên trong biến hóa của dịch. Tuấn bắt đầu thấy võ nghệ của mình thay đổi vượt bực. Sức mạnh của các đường quyền, cước bây giờ đã đi đến chỗ thân tâm hợp nhất, đến chỗ hài hòa cao độ. Các chiêu thức biến hóa theo cái đạo biến đổi của dịch. Tuấn nhận thức được cái đạo. Tuấn nghĩ cuốn võ kinh sẽ giúp chàng nhiều hơn. Tuấn lấy ra nghiên cứu. Trước đây khi được sư cụ Ðạo Nguyên thành toàn cho chàng từ căn bản, nhưng khi tập luyện thì thiếu phần nguyên lý như cái biến của dịch cái biến của hành. Với võ kinh, bước đầu là phải am tường kinh dịch để biết sự kỳ diệu của âm dương tương khắc tương sinh, nguyên tắc vận hành của các vật thể trong vũ trụ, biến quái trong đất trời, sau đó đem những nguyên lý nầy ứng dụng vào võ học. Võ kinh đã đưa chàng đến con đường sáng. Những khó khăn trở ngại trước đây giờ đã một phần nào giải quyết. Việc chàng đến khe núi để tích tụ âm dương hay hấp thụ cái khí thế của trời đất, đánh động được cái thái cực của cơ thể con người, là căn cơ giúp chàng tập thành môn 'Vô Lực Thần Công' được coi như là ' ngộ '. Học xong võ học trong võ kinh chính là 'thông'. Ðó chính là điều kiện tất yếu để đạt tới chân lý của võ học - cái đạo của đất trời.

 
                                             *
 
 
Giới Thiệu 1 1-2 2 2-2 3 3-2 4 4-2 5 5-2 6 6-2 7 7-2 8 8-2 9 9-2 10 10-2 Bạt
 
 

Thư Mục 

Thơ

Đổi Thay  
Những Đoản Khúc
Tơ Vò
Hương Phai 
Thi Đàm /Thi Họa

Kịch Thơ 

Cô Hàng Nước  
Ngồi Đợi Bình Minh

Truyện Dài

Cơ Trời Vận Nước
Trầm Bay

Truyện Ngắn

Bước Hổng Chân Không
Ba Con Yến Nhỏ

Sưu Tập

NQ Thương Hận Tập I
NQ Thương Hận Tập II
Ca Dao

Huy Chương VNCH

Huy hiệu QL/VNCH

Huy Hiệu QĐ Pháp/Đ-Dương

Tiền Tệ

Điếu Tế 

Văn Tế
Điếu Văn
 
Miếng Ngọt Quê Hương Về Trang Chủ

Friendly Links

Thực Vô Cầu Bão 25 Năm Xây Dựng CĐ Ha Huyen Chi
Cá Kho 25 years of the Community building Gia Đình Võ Bị
Món Xào Gia Phả Họ Nguyễn Diên Trường All Links
Send mail to haphuonghoai@gmail.com with questions or comments about this web site.
Copyright © 2003 Haphuonghoai
Last modified: 07/01/16