|
TUYỂN TẬP VĂN CHƯƠNG NHI ĐỒNG
- 2C
QUYỂN HAI
NGỤ
NGÔN ( Tiếp Theo )
DOÃN QUỐC SỸ
Sưu tập
NGỤ
NGÔN LA FONTAINE
Tiểu
sử La Fontaine
Nguyễn Văn Vĩnh trong tập Thơ Ngụ Ngôn La Fontaine do ông
dịch (Fables de La Fontaine, Anlexandre di Rhodes, 1924),
ông có giới thiệu tiểu sử La Fontaine bằng mấy dòng vừa
vui vừa chính xác như sau:
“Ông Jean de La Fontaine, sinh tại Château Thierry năm
1621, chết tại Paris năm 1695. Cụ thân sinh ra ông vốn là
kiểm lâm, trước định cho ông đi học để làm nhà thầy, song
ông không đủ tư cách theo đạo tu hành, cho nên lại bỏ
trường nhà dòng mà học khoa hình luật. Cha thấy tính lông
bông bèn lấy vợ và nhường chức kiểm lâm cho, nhưng ông La
Fontaine không phải là một bậc quan lại hoàn toàn tư cách,
mà cũng chẳng phải là một người giữ được gia đạo. Sau bỏ
cả chức, quên cả vợ. Nguyên ông La Fontaine có ba tật,
khiến nên người gia trưởng rất xấu: một là tật mê gái; hai
là tật biếng lười; ba là tật làm thơ.
Thích làm thơ từ thuở 22 tuổi. Về sau gặp được quan Hộ-bộ
Fouquet là một người quyền thế to, lắm của mà lại hay hậu
đãi những người hay chữ và có tài, mới cấp cho ông La
Fontiane mỗi năm 1000 livres. Cứ ba tháng một kỳ lĩnh tiền,
bắt phải vịnh một bài thơ làm biên lai.
Từ lúc ông La Fontaine yên được nơi ăn chốn ở mới làm ra
những thơ này, dung-dị như trò đùa giỡn, mà xem ra nghĩa
lý sâu sắc vô cùng, ngày nay ở bên nước Pháp lấy làm sách
học, ai ai đều biết thuộc lòng.”
Thoạt ông chỉ mới đem sách ngụ-ngôn tản văn của Esope dịch
ra thành thơ tiếng Pháp, được 6 quyển đề là Fables d’Esope
mises en vers par M. de la Fontaine (Ngụ-ngôn Esope diễn
ca của La Fontaine). Sau lại nối thêm thành 12 quyển hợp
làm một bộ tổng danh là : Fables de La Fontaine (Ngụ ngôn
La Fontaine)
Nghệ thuật dịch của Nguyễn-văn-Vĩnh chỉ cốt đúng tinh thần
chứ không quá nệ vào từng chữ.
Cũng vẫn trong quyển sách đó (Fables de La Fontaine,
Alexandre De Rhodes, 1924) mỗi bài ngụ ngôn dịch đã được
họa sĩ Mạnh-Quỳnh minh họa. Mạnh-Quỳnh là một họa sĩ nổi
tiếng thời đó về tài minh họa, đặc biệt là minh họa những
truyện ngộ nghĩnh cho các em thiếu nhi. Chính ông đã minh
họa cho báo Cậu Ấm của Thái-Phỉ Nguyễn-Đức-Phong là tờ
tuần báo nhi đồng nổi tiếng đầu tiên của ta vào thời tiền
chiến. Hai nhân vật nhi đồng trọc cười quen thuộc của các
em do ông sáng tạo trong tờ Cậu Ấm ngày đó là thằng Vá và
thằng Vếu.
Sau đây chúng tôi chọn lọc ba bức minh họa của Mạnh-Quỳnh,
nét vẽ rất có cá tính và luôn luôn nhiễm sắc thái dân tộc.
1. Bức thứ nhất minh họa bài Con Ve Con Kiến Họa sĩ, tuần
tự từ dưới lên trên và từ trái sang phải, cho ta thấy vẻ
nhởn-nhơ của chú ve sầu đàn hát (xin chú ý đó là hình
chiếc đàn nguyệt) vào những ngày hè quang-đãng thảnh-thơi;
rồi sang mùa đông mưa phùn gió bấc, chú Ve áo tơi nón lá
đến nhà chị Kiến nói khó vay mượn; và sau chót hình ảnh
chị Kiến cần-cù, kho đụn đầy nhà. Xin chú ý hình ảnh chị
Kiến xinh-xắn, thắt đáy lưng ong và chít khăn mỏ quạ. Ca
dao ta có câu :
Những người mà xấu như ma,
Chít khăn mỏ quạ cũng ra con người.
Đó là cách chí khăn của cô gái quê vào những ngày mùa đông
tháng giá hay những ngày gió lộng, trông vừa kín đáo vừa
nhũn nhặn.
2. Bức thứ hai minh họa bài Chó Rừng và Chó Giữ Nhà : hình
chó rừng gầy ốm trợn tròn mắt ngạc nhiên nhìn và nghe chú
chó nhà béo tốt kể chuyện; hình ông chủ béo tốt khăn lượt,
áo sa đi đâu về được chú chó nhà chạy ra vẫy đuôi mừng đón;
hình chú nhỏ, con chủ, âu yếm đùa với chó.
3. Bức thứ ba gồm nhiều cảnh minh họa bài Con Chuột Nhắt,
Con Mèo và Con Gà Trống Non toàn là những hình ảnh được
nhân cách hóa với một tinh thần hài hước ý nhị : hình ảnh
chú Miêu nhi áo gấm sênh sang, ngồi ghế bành ngậm xì gà vẻ
mặt vô cùng đắc ý; hình ảnh chuHùng Kê vỗ cánh, dựng mào
gáy; hình ảnh chú Hùng Kê vỗ cánh, dựng mào gáy; hình ảnh
chú chuột nhỏ ra khỏi nhà lần đầu thấy sự hốt-hoảng ba
chân bốn cẳng chạy về thuật lại, Thử-bà lo-lắng nghe câu
chuyện con kể, bà mặc áo cánh, yếm cổ thìa (y-phục cổ
truyền của những bà mẹ Việt-nam); hình ảnh chú miu sắp
chọc tiết một chú chuột nhắt, còn các chú khác thì bị trói
gô để đó làm của ăn của để; hình ảnh tang-tóc của gia đình
nhà chuột dưới túp lều tranh, vợ bận đồ sô gai khóc trước
bàn thờ chồng, con nheo-nhóc khóc cha ở góc nhà.
75.
HAI
NGƯỜI TRANH NHAU CON SÒ
Hai người đi trẩy hội chùa,
Qua nơi bãi cát, gặp sò nổi lên.
Tay cùng trỏ mắt cùng nhìn,
Mồm cùng muốn lẩm, cùng vin lý già.
Người cúi nhặt, kẻ liền la:
Khoan khoan! Hãy hỏi ai là đáng ăn?
Cứ theo như lẽ công bằng,
Ai mà thấy trước thì ăn đỡ thèm.
Người kia phải đứng mà xem!”
Đáp rằng : “Nếu vậy thì nên công bình,
Nhờ trời tôi mắt cũng tinh.”
Cãi rằng : “Mắt tớ còn nhanh gấp mười;
Tớ thề tớ thấy trước rồi.”
“Nhưng mà tao ngửi thấy mùi đã lâu!”
Trong khi cãi cọ cùng nhau,
Xảy quan án nọ đi đâu qua đường.
Đôi bên đem chuyện thân tường,
Xin qua phán xử đôi đường trắng đen.
Cầm sò quan đứng quan nhìn,
Tách đôi mảnh vỏ hút liền ruột trong.
Khi quan vừa nuốt trôi xong,
Ngàn bèn lên giọng Bao-công phán truyền:
Xử cho bên bị, bên nguyên,
Quân phân đôi vỏ, hai bên xử hoà.
Còn tiền phí tổn thì tha.
Thơ rằng :
Kiện tụng xưa nay tốn kém to.
Chẳng qua đục nước chỉ nuôi cò.
Mới hay gan ruột quan moi hết,
Trơ lại còn đôi cái vỏ sò!
76.
GÀ ĐẺ
TRỨNG VÀNG
Tham thì thâm cổ nhân dạy thế,
Lấy truyện gà ra để răn đời.
Đem câu bịa đặt kể chơi
Một hôm gà nọ đẻ rơi trứng vàng.
Chủ ngỡ có bảo tàng trong bụng.
Mổ phăng ra chắc cũng mau giàu.
Ai ngờ có cóc chi đâu !
Gà thường cũng vậy khác nhau chút nào.
Chủ biết dại kêu gào tiếc của,
Làm gương soi cho đứa tham tâm.
Mới đây lắm kẻ nghĩ lầm,
Được mười lại muốn ngay trăm ngay nghìn
Trơ ra hết nhẵn, ngồi nhìn.
77.
CHÓ
SÓI VÀ GIÀN NHO
Chó sói kia ở nơi rừng ấy,
Đương đói lòng lại thấy giàn nho.
Mấy chùm vừa chín vừa to,
Nước da đỏ thắm, thơm-tho ngọt-ngào.
Cậu sói cũng ước ao được bữa,
Nhưng giàn cao không với đến nơi.
Chê bai sói lại được lời:
- Nho xanh chẳng xứng miệng người phong lưu.
78.
TRIỀU
ĐÌNH VUA SƯ TỬ
Một ngày kia Mãnh-Sư Hoàng-đế,
Muốn thử xem quyền thế tầy bao.
Bèn vời bách thú lâm trào,
Mỗi loài phái một viên vào Long-cung.
Sắc vàng tống đi cùng một đạo,
Đóng ấn son Quốc-bảo rõ-ràng.
Chiếu rằng suốt một tháng tràng,
Hội bàn trước chốn ngai vàng liên miên.
Lúc mở hội khai diên tư yến,
Có phường tuồng nhân tiện làm trò.
Mãnh-sư có ý làm to,
Để đem quyền thế mà phô chư hầu,
Truyền hội nghị ở lầu Ngũ-phụng,
Những thịt xương lủng-củng bốn bề.
Sức nồng hôi-hám gớm ghê,
Gấu kia bưng mũi dường chê nặng mùi.
Ngự hiểu ý, giận sôi sùng-sục,
Cho xuống ngay Địa-ngục mà chê.
Khỉ ta hiến nịnh tức thì :
- Muôn tâu Thiên-thảo cực kỳ thông minh.
Khen móng nhọn, khen dinh thơm phức
Trăm thức hoa, hương nức không bằng
Ngờ đâu lời nịnh tán xằng,
Mãnh-sư lại giận giết phăng khỉ già.
Vua sư tử thật là phàm-phũ,
Hẳn cũng dòng Kiệt, Trụ chi đây,
Lại gần chó sói hỏi ngay
- Mùi gì tâu thật trẫm hay thử nào !
Sói đại thần trí cao khéo chối,
Cúi tâu : - Thần ngạt mũi thấy chi !
Khôn ngoan nên chẳng can gì,
Chuyện hay đã dạy, nên ghi vào lòng.
Ai muốn vững triều trung quyền chức,
Nịnh không nên, cương trực cũng đừng.
Cứ làm ra mặt người rừng.
79.
SƯ TỬ
, CON LANG VÀ CON HỔ
Sư tử sọm lại đau phong thấp,
Muốn tìm thầy cứu cấp bệnh già.
Lệnh vua đã tỏ ý ra,
Dẫu làm chẳng được ai mà từ-nan.
Vua sư tử phán toàn các giống,
Kén lương y đem cống tại triều.
Thôi thì cầm thú bao nhiêu,
Thợ thầy đã lắm lại nhiều thuốc thiêng.
Duy Hồ xấc dám kiêng không đến,
Ở lỳ nhà một chuyến mà chơi !
Lang ta hiến nịnh tức thời,
Quì tâu Hồ nọ mệnh Trời dám sai,
Sư tử thoạt nghe bài sớ tấu.
Cơn giận đâu nổi ngậu ngay lên :
- Bá quan vâng thửa lệnh truyền:
Nã Hồ đem đến ngự tiền mau đây !
Hồ biết ý, nghĩ ngay nước cãi :
- Dạ muôn tâu Quảng-Đại Cao-Minh
Hạ thần quả thật oan tình,
Vốn đang tìm chốn anh-linh khấn cầu.
Nên chưa kịp vào chầu trước điện,
Nay mới về xin hiến phương hay.
Hạ thần nay đã gặp thầy,
Dạy rằng thánh thể bệnh này dễ yên.
Kém chân hỏa là tên trong sách,
Vị tuổi già huyết mạch khí suy.
Bây giờ họa có lang bì
Dùng làm áo phủ tức thì bệnh yên.
Lang thần muốn ghi tên trong sử,
Nghĩa vua tôi nên giữ phen này
Thôi thì da nọ lột ngay,
Cho đòi phùng tượng vào ngay áo liền.
Phương thuốc lạ, Ngự khen Hồ giỏi,
Truyền bá quan đem trói Lang thần
Thịt kia nướng chả Trẫm ăn,
Da kia may áo làm chăn Trẫm nằm.
Nghĩ câu truyện nên ngâm mãi mãi,
Bọn nịnh thần chớ hại lẫn nhau.
Nịnh mà hưởng phúc dễ đâu,
Nịnh mà nên họa là câu nói thường.
Ai ôi ! nên biết thương nhau mấy,
Ke( gièm pha chớ cậy chi mình !
Lạ gì những thói triều đình.
80.
CON
THỎ VÀ CON RÙA
Đi cho sớm việc gì tất-tả
Chuyện thỏ rùa nghĩ đã hay thay!
Rùa kia gọi thỏ bảo : Này
Thi cùng ta chạy từ đây qua đường.
Thỏ bảo rùa chị thường hoá dại
Hãy uống song thuốc tẩy vài liều,
Họa chăng ta có nhận keo,
Rùa càng thách tợn, giải treo thật nhiều.
Thỏ tức khí bao nhiêu cũng đắt,
Đem giải kia mà đặt bên đường.
Những gì lọ kể dài-dang;
Ai ngồi chủ cuộc, phân tường nói chi.
Thỏ ra sức chỉ đi ba bước,
Là đến nơi lấy được như không,
Vội chi mà chẳng thong dong,
Vừa đi vừa bỡn cũng không chậm gì,
Đứng gậm cỏ có khi cũng sớm,
Mặc kệ rùa, Thỏ hợm ta đây,
Chàng-dàng chân dép chân giày,
Trong khi rùa nọ ai hay vội-vàng.
Biết thân nặng lại càng cố gắng,
Cứ từ từ rảo cẳng bước lên.
Sá chi thân phận rùa hèn,
Thỏ càng đủng-đỉnh ở bên về đường.
Nhường chạy trước thêm càng danh giá,
Muốn lúc nào mà chẳng đến nơi.
Vừa đi vừa nghỉ vừa chơi,
Nghe hơi gió thổi, xem trời keo mây.
Rùa thấm-thoắt đến ngay trước đích,
Thỏ vội-vàng một mạch chồn chân.
Nhưng mà chửa được đến gần,
Thì Rùa đã tới nơi ăn giải rồi.
Lại còn nhiếc một hồi : - Chú Thỏ,
Đã bảo mà, nhanh có làm chi !
Ví chăng nhà cũng đội đi
Như ta đây nữa, chú thì bước sao?
81.
CON
NHÁI MUỐN TO BẰNG CON BÒ
Con nhái nom thấy con bò,
Hình dung đẹp-đẽ mình to béo tròn.
Nhái bằng quả trứng tí hon,
Lại toan cố sức bằng con bò vàng.
Ngậm hơi, cổ bạnh, bụng trương;
Kêu : Chị em đến xem tường cho ta.
Đã bằng chưa chị trông, nà !
Bạn rằng còn kém – Nhái đà phồng thêm;
Hỏi rằng : Được chửa, chị em ?
Đáp rằng : Chưa được, phồng thêm ít nhiều !
- Chị ơi còn kém bao nhiêu ?
Bạn rằng : - Còn phải phồng nhiều, kém xa !
Tức mình chị nhái oắt ta,
Lại phồng bụng quá vỡ ra chết liền.
Ở đời lắm kẻ thực điên,
Sức hèn lại muốn tranh tiên với người.
Dại thay những thói đua đòi !
Vinh gì cuộc rượu trận cười mà ganh.
Để cho cơ nghiệp tan-tành.
82.
CON
LỪA MANG HÒM SẮC
Một con lừa lưng mang hòm sắc,
Thấy người tôn đã chắc tôn ta
Vênh-vang bộ mặt giở ra,
Chấp lễ, chấp bái như là thần đây.
Có người kia lần này biết ý.
Bảo lừa đừng nghĩ thế mà sai.
Hợm đâu có hợm lạ đời !
Ai tôn đâu chú, chú đòi lên râu.
Người lễ bái là cầu ông Thánh,
Sự anh linh uy mãnh của ngài.
Quan mà dốt đặc vô tài,
Thì dân lạy cái áo ngoài mà thôi.
83.
HAI
THẰNG TRỘM VỚI CON LỪA
Vị con lừa của vừa ăn trộm
Hai đứa gian đánh lộn cùng nhau.
Thằng này muốn để về sau
Thằng kia muốn bán cho mau lấy tiền.
Khi hai cậu huyên thuyên ẩu đả,
Anh đấm đau anh đá cũng già.
Xảy thằng ăn cắp thứ ba
Ở đâu lại phỗng lừa ta tẩu liền.
Con lừa đó như in một xứ,
Mấy ông vua tranh cự cùng nhau.
Tự dưng người ở đâu đâu,
Cướp phăng xứ ấy đem câu giải hòa.
Thế là trơ mắt thỏ ra.
84.
CON
VE VÀ CON KIẾN
Ve sầu kêu ve ve,
Suốt mùa hè,
Đến kỳ gió bấc thổi.
Nguồn cơn thật bối-rối.
Một miếng cũng chẳng còn,
Ruồi bọ không một con.
Vác miệng chịu khúm-núm,
Sang chị Kiến hàng xóm,
Xin cùng chị cho vay,
Giăm ba miếng qua ngày.
- Từ nay sang tháng hạ,
Em lại xin đem trả.
Trước thu, thề đất trời!
Xin đủ cả vốn lời.
Tính Kiến ghét vay cậy,
Thói ấy chẳng hề chi.
- Nắng ráo chú làm gì?
Kiến hỏi ve như vậy.
Ve rằng : luôn đêm ngày,
Tôi hát thiệt gì bác?
Kiến rằng : Xưa chú hát !
Nay thử múa coi đây.
85.
THẦN
CHẾT VÀ LÃO TIỀU PHU
Lão tiều vác củi cành một bó.
Tuổi đã nhiều niên số lại cao,
Lặc-lè chân đá chân xiêu.
Lom-khom về chốn thảo mao khói mù.
Tủi thân-phận kỳ khu khó nhọc,
Đặt bó sài ở dọc lối đi.
Than rằng sung sướng nỗi gì,
Khắp trong thế giới ai thì khổ hơn?
Bữa no đói luôn cơn buồn-bã,
Vợ nào con vất-vả trăm chiều.
Hết thuế lính lại thuế sưu,
Quanh năm khách nợ còn điều gì vinh?
Hỡi thần Chết thương tình chăng tá,
Đến tôi đi cho đã một đời.
Chết đâu dẫn lại tức thời,
Hỏi: - Già khi nãy kêu vời lão chi?
Lão tiều thấy cơ nguy cuống sợ
- Nhờ tay ngài nhắc đỡ lên vai.
Thơ rằng:
“Đành chết là hết nợ
Sao mà ai cũng sợ ?
Mới hay bụng thế gian,
Khổ mà sống còn hơn.”
86.
CHÓ
RỪNG VÀ CHÓ GIỮ NHÀ
Chó rừng kia xương ngoài da bọc,
Bởi chó nhà săn-sóc trông nom.
Bữa kia gặp một chó xồm,
Tròn quay béo mượt, phải hôm chạy quàng.
Chó rừng cũng tính choang một mẻ,
Vồ anh kia mà xé thịt ra.
Ngặt rằng chó lớn thực-thà,
Ví bằng đấu sức ai đà dám đoan
Rằng chó rừng quyết toan được trận,
Sơn cẩu ta đành phận khiêm cung.
Lại gần rủ-rỉ nói cùng,
Khen anh chó nọ mượt lông đẫy mình.
Chó rằng : - Ví tiên sinh muốn vậy,
Có khó chi việc ấy mà thèm,
Ngài nên từ chốn sơn nham,
Là nơi kham khổ ở làm chi đây.
Gầy lõ thịt một dây cùng kiết,
Các ông đây thảm-thiết đói dài.
Được bữa hôm, khó bữa mai,
Tháng ngày chăm-chắm, miệng nhai vẫn thèm,
Cứ theo ta thử xem một chuyến.
Chó rừng bèn gạ chuyện một khi:
Muốn được vậy phải làm gì?
Đáp rằng: - Công việc khó chi đâu mà:
Đồ rách-rưới đi qua cửa ngõ,
Thì sủa ran đuổi nó đi xa,
Ngày ngày miệng hót chủ nhà,
Vẫy đuôi mừng rỡ ai mà chẳng thương.
Chỉ có vậy bữa thường cơm cháo,
Thịt cùng gà xương-xẩu thiếu chi,
Lại còn chủ mến vuốt-ve.
Chó rừng ưng vậy theo đi nửa đường,
Chợt nom thấy một khoang cổ chó,
Hỏi khoang gì, thì nó chối không.
Hỏi đi hỏi lại kỳ cùng,
Cho ra cái vết trụi lông là gì.
Chó một mực lì lì chẳng nói :
Cái vặt này, ngài hỏi làm chi?
Tái tam hỏi lại hỏi đi,
Thì ra vết xích còn ghi rành rành.
- Chết nỗi ! Thế ra anh phải buộc !
Muốn chạy rong không được hay sao?
Chó rằng : - Buộc mãi đâu nào.
Họa là mới xích chẳng bao lâu mà.
- Dẫu chẳng mấy cũng là phải xích,
Cái tự do gì thích cho tầy.
Thôi thôi, mặc bữa no say,
Ngàn vàng hồ dễ sánh tày thảnh-thơi !
Chó rừng chạy riết một thôi.
87.
CON
CHUỘT NHẮT, CON MÈO VÀ CON GÀ TRỐNG NON
Chuột nhắt xưa nay quanh xó cửa,
Ra khỏi nhà bỡ ngỡ một phen.
Về khoe với mẹ huyên-thuyên :
- Con qua rặng núi đến miền biên cương ;
Con chạy nhặng khác dường chuột lớn,
Đi dong chơi hung tợn khắp đường.
Nơi kia con gặp hai chàng :
Mội chàng phúc hậu đường đường khôi ngô.
Chàng kia thì tiếng to mà dữ,
Bộ hung-hăng nghiêng ngửa mặt mày.
Trên đầu cục thịt đỏ gay,
Hai tay vùng vẫy như bay lên trời.
Xòe nan quạt đuôi thời to tướng,
Khiếp khiếp chưa ! hình dáng kỳ khôi !
(Chuột con kể chuyện lôi thôi,
Tưởng rằng vật lạ xa-xôi đâu về !
Ai ngờ chú Hùng Kê chính đấy,
Chuột nhắt ta nom thấy hãi-hùng.)
- Hai tay phành-phạch vẫy vùng,
Con xưa nay vốn thị hùng mà ghê.
Đuôi quắt đít chạy về một mạch,
Miệng chửi thầm, thề kệch đến già.
Ví chăng không gặp hắn ta,
Thì con hẳn tiếp được nhà hiền kia.
Lông bóng nhoáng, râu ria đường bệ,
Đuôi lại dài tam thể trên mình.
Lừ-đừ coi bộ hiền lành,
Duy đôi mắt biếc long lanh khác thường.
Cùng giống chuột nghe dường ái mộ *
Y như ta cũng có hai tai.
Lại gần con đã kiếm bài,
Làm quen với hắn một hai thân tình.
Thì thằng nọ thình lình lên giọng,
Kec-ke-ke ! trong họng kêu ra.
Vội-vàng con phải lánh xa.
Thử-bà nghe nói nghĩ mà sởn lông :
- Chết con ạ ! Chớ trông ngoài mã !
Bộ hiền lành chính gã Miêu-nhi.
Xưa nay độc ác gian phi,
Cùng nòi nhà chuột nó thì hại luôn.
Còn gà nọ thì con há sợ,
Hắn cùng ta có nợ xưa nay.
Đã không làm hại nhà này,
Mà thường giống chuột lại hay ăn gà !
Thằng mèo nó coi ta như gỏi,
Hại loại mình mòn-mỏi bấy lâu.
Đỏ lòng xanh vỏ có câu,
Con nên ghi lấy về sau đừng lầm.
88.
CON
LỪA ĐỘI LỐT SƯ TỬ
Con lừa kia đội da sư tử,
Khắp một vùng tưởng dữ đều kinh.
Tuy rằng là vật đáng khinh,
Mà ai cũng sợ oai linh con lừa.
Rủi phải khi tai thò một mẩu,
Lòi ngay ra điên đảo khi-man.
Chó kia chạy đuổi sủa ran,
Làm cho ai nấy nổi cơn tức cười.
Cách giả hình mấy người đã biết,
Thấy mãnh sư chạy riết trong đồng.
Thì ai cũng thấy lạ-lùng,
Mãnh sư để chó đuổi cùng thế nhưng?
Xét lắm kẻ lẫy lừng trong cõi,
Cũng chẳng qua giả dối như lừa.
Nghênh-ngang hống hách gió mưa,
Chẳng qua đội lốt để lừa người ngây.
Chú
thích: Đọc thêm truyện này trong Chiến quốc sách
(Nguyễn-Văn-Ngọc và Trần-Lê-Nhân, Cổ-Học Tinh-Hoa) để so
sánh:
HỒ
MƯỢN OAI HỔ
Vua Tuyên-vương làm vua cả nước Sở. Chiêu-Hề-Tuất chỉ là
một người bầy tôi vua Tuyên-vương, thế mà người phương Bắc
ai nghe thấy nói Chiêu-Hề-Tuất cũng phải kinh sợ. Vua lấy
làm lạ, một hôm hỏi công thần vì cớ sao. Không ai trả lời
nổi. Chỉ có Giang-Nhất thưa được rằng :
“Con hổ hay bắt các giống thú để ăn thịt. Một hôm bắt được
con hồ, Hồ bảo : “Liệu đó! Chớ có động chạm đến ta mà chết
ngay bây giờ. Ta là trời sai xuống, cầm quyền coi hết cả
bách thú; ngươi mà ăn thịt ta, là ngươi trái mệnh trời,
hại đến thân ngay lập tức, không tin, thử để ta đi trước,
ngươi theo hầu sau, xem có con thú nào trông thấy ta mà
không sợ hãi tìm đường trốn mau không.” Hổ cho là nói
thật, bèn theo hồ đi. Quả nhiên bách thú trông thấy đều sợ
mà chạy cả.
Hổ vẫn không biết rằng bách thú sợ mình mà chạy, cứ tưởng
là sợ hồ. Ngay nhà vua nước mạnh, quân nhiều mà lại giao
cả quyền thế cho Chiêu-Hề-Tuất, người phương Bắc sợ
Chiêu-Hề-Tuất, nhưng kỳ thực là sợ vua cũng như bách thú
sợ hổ vậy.”
89.
CON
CHÓ RỪNG VÀ CON CÒ
Chó rừng tham ăn hay nuốt vội,
Nhân một khi vui hội anh em.
Miếng ngon đương lúc miệng thèm,
Chưa trôi miếng gối đã thêm miếng đầu.
Phải cái xương mắc xâu trong họng,
Phúc mười đời cò bỗng đi qua.
Chó rừng mới gật chị ta,
Đến ngay thò mỏ gắp ra một hòn.
Xong công việc cò còn tính giá,
Chó rừng đà chẳng trả tiền công.
Lại còn ơn vỗ như không :
- Đầu mày trong cổ họng ông mới rồi.
Đã thóat khỏi thì thôi, phúc đức!
Lại chửa mừng còn chực đòi công.
Bội ơn! Cút thẳng cho xong,
Chớ hề đến trước mặt ông mà ngầy .
90.
CON GÀ TRỐNG VÀ CON HỒ
Trên cành cây con gà trống đậu
Đã khôn ngoan lại láu việc đời.
Hồ ly đến ngọt mấy lời :
- Đôi ta hết giận tới thời hòa an.
Nay trong khắp thế gian thân ái.
Tình anh em tôi lại thưa anh.
Xuống đây hôn cái tỏ tình,
Trăm nơi còn phải chạy nhanh mới cùng.
Rồi mặc sức vẫy-vùng đi lại,
Tôi với anh hết hại lẫn nhau.
Từ đây anh chớ lo âu,
Khi nào có việc muốn cầu đến em,
Gọi một tiếng ngày đêm cũng lại,
Xuống đây hôn gọi ngãi đồng bào.
Gà rằng : - Mừng rỡ xiết bao!
Tin này biết lấy cách nào tỏ vui?
Lời anh nói thì tôi thêm trọng,
Kìa ngó xa thấy bóng chó săn
Hai anh đương chạy tới gần,
Ý chừng cũng một tin thân ái này.
Đợi tôi đó xuống ngay lập tức,
Để bốn ta cùng được hôn nhau…
Hồ ly nghe chửa dứt câu
Vội-vàng một mạch cắm đầu chạy nhanh.
- Thôi anh nghỉ để dành khi khác,
Kẻo em còn chạy các nơi xa.
Nói rồi cẳng bốn chân ba,
Nghĩ mưu không đắt, hồ ta giận mình.
Gà thấy hắn thất kinh đắc ý :
Lừa thằng gian thích chí dường bao !
91.
HAI
CON LA
Hai con la cùng đi đường cái,
Con tải tiền con tải cỏ khô.
Gã kia vinh hạnh dường phô,
Ví ai mang đỡ chẳng cho đỡ nào.
Dáng đủng-đỉnh làm cao với chúng,
Cổ leng keng chuông đụng suốt ngày.
Ai ngờ gặp buổi không may,
Giặc đâu kéo đến dòm ngay túi tiền.
Vồ la nọ giặc liền bắt lấy,
Nắm dây cương kéo lại một nơi.
La gắng sức, cự với người,
Chúng đâm nát thịt tời-bời một khi.
Than : - “Danh vọng làm chi cho cực,
Gã hèn kia sao được yên thân,
Mà ta đau-đớn như rần”.
La kia nghe thoảng lại gần đáp ngay :
- Hễ cây cao, gió lay càng dữ …
Mang cỏ khô ví thử như ta,
Thì chi đến nỗi đau mà.
92.
CON
SƯ TỬ VÀ CON MUỖI MẮT
Sư tử một hôm mắng con Muỗi
- Bước đi đồ hôi thối nhỏ-nhen
Muỗi ta đâu có chịu hèn,
Tức cùng sư tử trao liền chiến thư :
- Mi chớ tưởng vua mà ta sợ,
Đừng làm cao, mi chớ hợm đời.
Con bò to gấp mấy mươi,
Ta còn kéo nổi như chơi đi cùng.
Nói vừa đoạn muỗi xông lên trước,
Rúc tù và, rồi vượt trận tiền.
Vừa làm tướng vừa thổi kèn,
Trước còn bay vọt lên trên tít mù;
Sau nhào xuống, nhảy xô vào cổ,
Sư tử ta xấu hổ phát điên,
Mép sàu bọt, mắt quắc lên,
Miệng gầm, chân nhảy, sợ rên một vùng.
Việc kinh hãi khắp trong thế giới,
Ai hay đâu bởi cái muỗi con.
Đuổi sư khắp núi cùng non,
Khi thì đốt gáy, lúc bon cắn đầu,
Khi bay lọt vào đâu lỗ mũi,
Sư tử ta hậm hụi phát khùng.
Ngụy ranh quay cổ lại trông,
Thấy nanh cùng vuốt cũng không làm gì.
Muỗi nhoét miệng cười khì mấy tiếng,
Sư tức mình lại nghiến hàm răng.
Đuôi thì ngoe nguẩy vung-văng,
Mà ra phải chịu một thằng muỗi ranh.
Anh giận lắm thì anh thêm nhọc,
Cậy hùng cường làm cóc gì tôi !
Muỗi ta thắng trận phản hồi,
Khải hoàn một trận vang trời vo vo.
Chạy cùng xứ báo cho chúng biết,
Mạng nhện đâu lại kết ngang đường.
Muỗi ta vướng phải ai thương?
Ta nên lấy chuyện làm gương hai điều :
Cuộc tranh cạnh có nhiều thù nghịch,
Kẻ nhỏ thường nên kệch kẻ to.
Nhiều khi việc lớn chẳng lo,
Mà ra chút việc nhỏ-nhò chẳng xong.
93.
CON
DƠI VÀ HAI CON CẦY
Dơi bay quạng xảy khi chúi cổ,
Choạng ngay vào cửa tổ con cầy.
Cầy này ghét chuột xưa nay,
Chạy ra đã định vồ ngay dơi già :
- Giống mi đã cùng ta làm hại,
Sao cả gan dám lại nơi đây ?
Phải chăng chính chuột là mày,
Nếu không chẳng phải đời cầy nhà tao !
Dơi van lạy : - Lượng cao soi xét,
Tôi thực không phải kiếp chuột mà.
Ai đâu đặt để sai ngoa,
Giời sinh tôi quả vốn là kiếp chim.
Còn đôi cánh hiển nhiên thượng tại,
Chúc vạn niên điểu loại cao bay !
Lời cung nghe lọt tai cầy,
Tức thì phóng xá cho bay về nhà.
Cách khi đó một vài hôm nữa,
Dơi lại choàng vào cửa hang cầy,
Cầy này tính ghét chim bay,
Té ra dơi lại gặp ngày nguy nan.
Cô dài mõm đã toan ra bắt :
- Mày là chim ta quật chết tươi.
Dơi sao cũng khéo mau lời :
- Xin ngài nhìn kỹ hình tôi chim nào.
Chim có đủ vũ mao mới phải,
Tôi vốn là thú loại xưa nay.
Chúc xin Thử quốc lâu dài !
Hoàng thiên hại hết những loài miêu nhi !
Khen dơi biến trá cũng kỳ,
Nhờ mưu khôn thoát hiểm nguy hai lần.
Thơ rằng :
Liệu gió khen ai khéo phất cờ,
Đổi lời cầu thoát lúc nguy cơ,
Sẵn câu vạn tuế trên đầu lưỡi,
Chúc Hán khi xưa, chúc Ngụy giờ.
94.
HỘI
ĐỒNG CHUỘT
Một con mèo tên là Trạng Mỡ,
Bắt chuột nhiều long-lở hầm hang.
Mèo đâu dữ dội lạ dường !
Để cho đến nỗi sạch quang trong ngoài.
Họa còn sót một hai chú lỏi,
Đố dám thò ra khỏi cửa hang.
Chú nào cũng đói họng gang,
Trông thấy Trạng Mỡ coi dường yêu tinh.
May được buổi tiên sinh chạy gái,
Chốn cao xa trên mái nhà người.
Chuột thừa đương lúc thảnh-thơi,
Họp nhau bàn việc kim thời nguy nan.
Chú chuột già ra bàn ngay trước :
- Liệu mau mau trong nước hiểm nghèo,
Đem chuông mà buộc cổ mèo,
Để cho khi hắn leo trèo tìm ta,
Leng keng nghe hiệu là ta chạy.
Ai cũng khen mà lạy Cụ Trùm.
Duy còn một việc đeo chuông,
Nghe như hơi khó tìm phương thi hành.
Hỏi lũ chuột, thì anh từ cáo.
Anh lại rằng : - Đây lão dại gì?
Đã đành nơi chết ai đi,
Ngẩn-ngơ một lát rồi thì hội tan.
Té ra cuộc luận bàn thực hão,
Có lạ gì bàn láo xưa nay
Chẳng là việc chuột thế này,
Việc dân việc nước cũng hay bàn xằng.
Thơ rằng :
Nghị luận còn dở-dang,
Triều đình đông nhan-nhản.
Thi hành lâm cục trung,
Bá quan đà tận tán .
95.
HAI
CON DÊ CÁI
Khi nào dê đã ăn no,
Thì dê hay thích tự do chơi bời.
Đi tìm những chốn xa khơi,
Những vùng khuất nẻo, những nơi vắng người.
Núi cao cây cỏ tốt tươi,
Dưới khe sâu thẳm, đá đôi ba hòn.
Các cô đến đấy nhảy bon,
Chẳng ai ngăn được dê non chạy quàng.
Một hôm dê cái hai nàng,
No-nê bỏ nội cỏ vàng đi dong.
Hai bên bờ suối nước trong,
Tình cờ đâu lại đi cùng tới bên.
Có cầu nho-nhỏ bên trên,
Đôi cầy họa mới đi len nhau vừa.
Dưới khi dòng nước chảy bừa,
Đứng trên nom xuống nghĩ mà ghê thay !
Dịp cầu tấm ván lung-lay,
Vậy mà dê nọ bước ngay một đầu.
Dê kia nào có hãi đâu,
Đưa chân cũng bước đầu cầu bên kia.
Thoắt coi nào có khác chi.
Vua Pha-Nho với vua Louis hội đồng.
Hai nàng bước một thong-dong,
Giữa cầu thoắt đã đi cùng tới nơi.
Kiêu căng ai lại nhường ai,
Cũng nòi đáo để, cũng vai anh hùng.
Cô này cậy cháu nhà tông,
Dê này Bách-Lý là ông sáu đời.
Con dòng cháu giống phải chơi !
Cô kia khi ấy tức thời nghĩ ra :
Tổ tiên ngũ đại nhà ta,
Là dê Tô-Vũ ông cha kế truyền
Cũng là cháu phụng con tiên,
Hai cô cùng dấn bước lên nhịp cầu.
Nào ai có nhượng ai đâu,
Ganh nhau cho đến đâm đầu xuống khe.
Câu này chẳng những chuyện dê,
Bước đường danh lợi người đi cũng dường.
96.
MẶT
TRỜI VÀ LOÀI ẾCH
Vua ngược ác một hôm lấy vợ,
Cả bàn dân mừng rỡ yến diên
Duy Ê-dốp bảo là điên,
Ô hay ! Lũ ngốc tự nhiên mừng xằng !
Bèn đem chuyện kể rằng khi trước,
Vua Thái-dương muốn rước dâu về.
Chuôm ao ếch nhái sợ mê,
Inh tai chẳng chuộc, trong khe dưới ngòi :
- Than ôi ! Nếu mặt trời sinh đẻ,
Ếch nhái ta hồ dễ ở yên,
Một trời đã nóng như điên,
Ví bằng nửa tá bể liền cạn khô.
Cá và ếch sẽ vô đâu ở ?
Cói với lau biết ở nơi nao ?
Loài ta biết tính thế nào ?
Nước-nôi khô ráo, sống sao phen này ?
Lời nói phải mà hay đáo để !
Ếch khôn ngoan người dễ đã tày.
Nguyên văn của La Fontaine:
L’une certaine chèvre au mérite sang paire,
Don’t Polyphème fi présent à Galatée;
Et l’autre la chèvre Amalthée,
Par qui fut nouri Jupiter.
La Fontaine đã dùng những điển tích dê trong thần thoại,
nào là loại dê cao quý đã từng được Polyphème (con thần
Neptune) mang tặng nữ thần Galatée những mong mua chuộc
được tình yêu; rủi thay Galatée lại yêu chàng chăn chiên
Acis; chàng này bị Polyphème giết chết vì ghen. Nào là
Amalthée, một con dê khác, còn cao quý gấp bội vì nó đã
từng nuôi Jupiter, vị chúa tể chư thần.
Nguyễn Văn Vĩnh đã dịch thoát mấy câu này và cũng lấy
những điển tích tương xứng của Đông-phương. Truyện Tô Vũ
chăn dê thì đúng nhưng truyện Bách Lý Hề thì không.
Nguyên Bách Lý Hề vào thời Đông Chu là người nước Ngu,
thuở hàn vi đã có lần phải đi ăn xin, có lần chăn trâu
thuê, bị bắt ở Sở phải đi chăn ngựa cho vua Sở, mãi sau
gặp thời được phong tướng giúp Tần Mục Công lập nên nghiệp
bá.
Vậy truyện Bách Lý Hề chỉ có liên lạc với trâu và ngựa
thôi. Song le việc dùng chệch điển tích một chút ở đây
cũng chẳng sao và chúng ta vẫn chiêm ngưỡng tài dịch thoát
ý rất tài tình của Nguyễn-văn-Vĩnh.
97.
CÔ
HÀNG SỮA
Cô Bê-rét đi mang liễn sữa.
Kê đệm bông ở giữa đỉnh đầu.
Chắc rằng kẻ chợ xa đâu,
Nhẹ nhàng thoăn thoắt chẳng âu ngại gì.
Chân hôm ấy thì đi dép một,
Váy xắn cao ton-tót bước nhanh
Gọn-gàng mà lại thân xinh
Vừa đi vừa tính phân minh từng đồng.
Sữa bấy nhiêu, bán xong ngần ấy,
Trứng một trăm mua lấy về nhà,
Ấp đều có khó chi mà,
Khéo ra mấy chốc đàn gà đầy sân.
Cáo nọ dẫu mưu thần chước giỏi,
Có tha đi cũng giỏi mươi con,
Bán đi mua một lợn non,
Ta cho ăn cám béo tròn như trâu.
Đem ra chợ bày đâu chẳng đắt,
Bán lợn đi lại dắt bò về.
Thừa tiền mua một con dê,
Để cho nó nhẩy bốn bề mà coi.
Cô Bê-rét nói rồi cũng nhảy.
Sữa đổ nhào hết thảy còn chi,
Nào bò, nào lợn, nào dê,
Nào gà, nào trứng cũng đi đàng đời.
Cô tôi thấy của rơi lênh-láng,
Lủi-thủi về chịu mắng với chồng.
Đành rằng mấy gậy là cùng,
Để câu chuyện sữa kể rong hết làng.
Nghĩ lắm kẻ hoang đường cũng lạ,
Ước xa-xôi hay quá phận mình.
Tề-mân, Sở-mục hùng danh,
Ví cùng Bê-rét rành-rành cũng như.
Rõ mở mắt trơ trơ mà mộng,
Chuyện mơ hồ mà động đến lòng.
Của đời hết thảy thu xong.
Trường-thành đắp nổi, A-phòng về ta.
Khi một mình ấy ta thách hổ
Vua nước Tàu đạp đổ như chơi.
Vận may lại thuận lòng người,
Muôn dân mến phục ngai Trời ngồi trên.
Sịch một tiếng tỉnh liền giấc mộng,
Té vẫn mình bố ngỗng xưa nay. |
|
|
|
|